Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt của cả nước và cũng là một trong những đô thị lớn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thời gian qua, TPHCM luôn khẳng định được vị trí, vai trò là đô thị hạt nhân, đầu tàu, chủ đạo của vùng và khu vực. Thành tựu nổi bật của TPHCM là không những phát triển nhanh về kinh tế, với tốc độ tăng trưởng luôn ở mức cao và ổn định mà còn chú trọng phát triển hài hòa cân đối các mặt về kinh tế, văn hóa, môi trường sống, chất lượng sống của người dân không ngừng được nâng cao. Trong phát triển không gian đô thị, quy mô và diện mạo đô thị ngày càng to đẹp hơn, bộ mặt kiến trúc đô thị đã được cải thiện tích cực, có nhiều công trình được chỉnh trang, xây dựng mới có quy mô hiện đại đáp ứng được yêu cầu mỹ quan, thân thiện môi trường, chú trọng đến bảo tồn các di sản đô thị có giá trị. Sự phát triển này luôn hướng tới xây dựng đô thị văn minh, hiện đại và bền vững.
Kênh Tân Hóa - Lò Gốm sau khi quy hoạch. Ảnh: CAO THĂNG
Công tác quy hoạch xây dựng và quản lý đô thị tại TPHCM trong mấy chục năm qua được xác định là khâu quan trọng và cần thiết trong suốt quá trình phát triển. TPHCM đã tập trung mọi nỗ lực cho công tác quy hoạch và quản lý đô thị, đến thời điểm hiện nay, công tác quy hoạch xây dựng cơ bản hoàn thành đã thực sự trở thành công cụ hữu hiệu cho quản lý quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM với hệ thống các đồ án quy hoạch xây dựng đã phê duyệt: Đồ án quy hoạch chung xây dựng TPHCM và điều chỉnh quy hoạch chung đã được Thủ tướng phê duyệt năm 1993, 1998, 2010; Đồ án quy hoạch chung xây dựng các quận - huyện phê duyệt năm 1999, 2000 và được điều chỉnh phê duyệt năm 2011, 2012; rất nhiều đồ án quy hoạch chung và điều chỉnh quy hoạch chung các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, các khu chức năng đô thị. Hiện tại TPHCM cơ bản phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 trên địa bàn với trên 800 đồ án. Có hàng chục ngàn các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, thiết kế đô thị gắn với các dự án đầu tư xây dựng. Hoàn thành quy hoạch nông thôn mới ở 52 xã ngoại thành. Đã ban hành quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc TPHCM; quy chế quản lý các trục đường quan trọng, các khu trung tâm đô thị, các quy định quản lý làm cơ sở cho việc cấp giấy phép xây dựng các công trình trên địa bàn.
Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch vừa qua đã đạt nhiều kết quả tích cực góp phần vào thành tựu phát triển chung của TPHCM với khối lượng công việc rất lớn, có tính chất công tác phức tạp, tổng hợp các ngành, các lĩnh vực với đặc điểm là đô thị đặc biệt có quy mô lớn nhất nước.
Đạt được kết quả như vậy, trước tiên từ nhận thức, tầm nhìn về sự chỉ đạo tập trung của các cấp lãnh đạo. Ngay sau ngày thống nhất đất nước, công tác quy hoạch xây dựng đã nhận được sự quan tâm sâu sát của các cấp lãnh đạo từ Trung ương và TPHCM đã ban hành nhiều văn kiện, Nghị quyết, quyết định nhằm định hướng cho phát triển thành phố trong các giai đoạn. Đối với Thành ủy, HĐND và UBND TPHCM luôn có chỉ đạo tập trung, sâu sát, đã dành nhiều thời gian cho công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị với nhiều chủ trương, chính sách có tính đột phá, thực tế tạo điều kiện cho thành phố phát triển. Ngoài ra, ghi nhận sự cố gắng, có trách nhiệm, sự vươn lên của đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ công chức trong ngành nhằm thực hiện với trách nhiệm cao cho công việc. Tuy nhiên, công tác quy hoạch xây dựng, quản lý quy hoạch cần rất nhiều việc phải triển khai nhằm theo kịp, đáp ứng với yêu cầu phát triển nhanh của thành phố.
Trong giai đoạn tới, trên cơ sở định hướng quy hoạch được phê duyệt TPHCM cần tập trung các nội dung lớn sau: ° Cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân: Xây dựng các chương trình di dời, tái bố trí nhà ở lụp xụp trên và ven kênh rạch. Xây dựng và phát triển các loại hình nhà ở, ưu tiên nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà cho người có thu nhập thấp, ký túc xá sinh viên… Cải tạo, chỉnh trang các ô phố cũ, chung cư xuống cấp. Cải thiện môi trường đô thị qua cải tạo kênh rạch ô nhiễm, di dời các cơ sở ô nhiễm nhằm tạo thêm không gian công cộng (đường giao thông, hệ thống hạ tầng đô thị, cây xanh…). Song song với việc chỉnh trang, nâng cấp đô thị, TPHCM cần chú trọng đến công tác bảo tồn các di sản văn hóa - lịch sử - các công trình kiến trúc có giá trị như xây dựng các quy định, quy chế, cùng các giải pháp phù hợp đảm bảo nhằm phát triển hài hòa, bền vững. ° Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong lâu dài: Tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, chú trọng phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không; các dự án, công trình thực hiện chương trình đột phá nhằm giải quyết cơ bản ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường… ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút mọi nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; phát huy vai trò trung tâm, đầu mối giao thông của vùng kết nối thuận lợi với khu vực quốc tế. ° Phát triển hệ thống trung tâm đô thị theo mô hình đa tâm, các khu đô thị mới gắn kết với vùng TPHCM: Phát triển hệ thống trung tâm TPHCM trên cơ sở trung tâm hiện hữu tại các quận nội thành hiện nay sẽ được mở rộng phát triển mới tại khu vực Thủ Thiêm và trên 4 hướng phát triển chính của thành phố theo mô hình tổ chức đô thị “đa cực”; mở rộng đô thị hóa ra vùng ven và các huyện ngoại thành, hình thành các khu đô thị mới, hỗ trợ phát triển các đô thị đối trọng, vệ tinh trong vùng góp phần giảm dân số đang tập trung mật độ cao ở nội thành, nhằm đáp ứng, nâng cao chất lượng sống, thuận tiện trong sinh hoạt, ở và làm việc của người dân. Xây dựng các đô thị mới với các chỉ tiêu, tiêu chí quy hoạch tiên tiến theo hướng văn minh, hiện đại như sử dụng nhiều quỹ đất cho xây dựng công trình dịch vụ phúc lợi công cộng, cho hạ tầng đô thị, cho khoảng trống cây xanh… Thành phố từng bước bố trí hình thành các trung tâm tổng hợp chuyên ngành về sản xuất, thương mại, dịch vụ, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - thể dục thể thao có quy mô cấp khu vực. ° Giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị bền vững. * Về giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch: - Đó là đảm bảo lập và phê duyệt đầy đủ các bước từ quy hoạch vùng, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng nôn thôn mới, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, chú trọng lập quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc (cấp I, II) làm cơ sở công tác triển khai xây dựng các dự án đầu tư và quản lý đô thị. Trong nghiên cứu lập quy hoạch cần thực hiện đầy đủ, có chất lượng từ khâu đánh giá hiện trạng, đảm bảo lấy ý kiến góp ý từ cộng đồng trong quy trình lập quy hoạch. Đề xuất, dự báo sát với tình hình thực tế, khả thi nhưng đáp ứng được yêu cầu phát triển lâu dài. Đối với các dự án quan trọng nên tổ chức thi tuyển quốc tế, qua đó khai thác tốt nhất về phương pháp, ý tưởng, kinh nghiệm, tiến bộ khoa học của các nước tiên tiến để cho sản phẩm quy hoạch có chất lượng cao. Đồng thời rà soát định kỳ các đồ án quy hoạch xây dựng theo quy định để điều chỉnh kịp thời tạo được đồ án quy hoạch có tính khả thi. - Vấn đề đào tạo nhân lực, bổ sung nguồn cán bộ cho công tác quy hoạch - kiến trúc rất cần thiết, thực tế TPHCM có yêu cầu rất lớn về đội ngũ người làm công tác quy hoạch xây dựng, quản lý đô thị về số lượng cũng như về trình độ chuyên môn cao, đặc biệt chuyên ngành kỹ thuật đô thị. TPHCM cần có kế hoạch cụ thể đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, kiến trúc sư, kỹ sư thông qua các trường đại học trong nước và ngoài nước, đồng thời thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nâng cao chuyên môn cho đội ngũ cán bộ đang công tác ở TPHCM và quận - huyện. * Về nội dung quản lý quy hoạch, quản lý đô thị: Vấn đề có quy hoạch tốt chưa đủ mà khả năng quản lý đô thị, đây là một nhiệm vụ thường xuyên và cần thiết quan trọng nhằm đảm bảo cho sự phát triển, công tác quản lý đô thị tốt căn cơ thì nó cũng quy định mức độ thành công của sự phát triển đô thị một cách bền vững. Thành phố cần xây dựng chương trình phát triển đô thị trên cơ sở quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch chung xây dựng đã được phê duyệt (xác định các khu vực phát triển đô thị, kế hoạch thực hiện, xác định ưu tiên đầu tư, nguồn lực đầu tư,…) đảm bảo đồng bộ, tập trung, bền vững. Tăng cường quản lý đô thị theo luật pháp, quy hoạch và kế hoạch hóa cho phát triển đô thị, kiểm soát thực hiện bằng luật lệ và biện pháp hành chính. Tập trung xây dựng các chính sách, xây dựng các giải pháp hiệu quả, phù hợp thực tế thực tế địa phương nhằm tăng cường hiệu lực bộ máy quản lý đô thị từ thành phố cho tới quận, huyện; đổi mới cơ chế, tổ chức phối hợp và phân cấp quyền hạn rõ ràng, linh hoạt, nhiều quyền hơn cho các cấp chính quyền đô thị nhằm hoạt động hiệu quả hơn nữa trong quản lý về quy hoạch kiến trúc đô thị; xây dựng, quản lý đất đai, thẩm định các dự án, kiểm soát tốc độ phát triển đô thị; kiện toàn cơ chế hướng tới xây dựng mô hình thí điểm hình thành khu kinh tế đặc biệt với cơ chế chính sách mới, đột phá để thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư, phát huy sức mạnh của cộng đồng vào mục tiêu phát triển nhanh thành phố. Nâng cao năng lực quản lý là trách nhiệm của chính quyền đô thị nhằm phát triển bền vững TPHCM. |
Thạc sĩ - kiến trúc sư TRẦN CHÍ DŨNG
Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM