Hướng đi nào cho cảng biển TPHCM? - Sẽ bị thu hẹp?

Hướng đi nào cho cảng biển TPHCM? - Sẽ bị thu hẹp?

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình thạc sĩ chính sách công - Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright thuộc ĐH Kinh tế TPHCM cùng các đồng nghiệp của mình đang có một nghiên cứu toàn diện về hoạt động cảng biển của TPHCM. Cùng mối quan tâm nên chúng tôi đã có cuộc trao đổi khá thẳng thắn với ông Nguyễn Xuân Thành xung quanh vấn đề này.

Cảng biển Cái Mép - Thị Vải sẽ dẫn đầu

- PV: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của cảng biển TPHCM?

- Ông NGUYỄN XUÂN THÀNH: So với cả nước, cụm cảng biển số 5 bao gồm các cảng biển ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai và TPHCM luôn giữ vị trí đứng đầu về lượng hàng hóa thông qua. Trong cụm cảng biển số 5 thì TPHCM đang giữ vị trí quán quân. Tuy nhiên điều này đang có sự thay đổi mạnh mẽ bởi lẽ cảng biển muốn hoạt động tốt phải hội tụ đủ hai yếu tố: điều kiện địa lý thuận lợi và có một thị trường xuất nhập khẩu, sản xuất cũng như tiêu thụ hàng hóa rộng lớn làm hậu thuẫn.

Tàu vào bốc dỡ hàng tại cảng ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Tàu vào bốc dỡ hàng tại cảng ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Chỉ nói trong cụm cảng biển số 5, cụm cảng biển ở TPHCM đã không có được điều kiện luồng lạch tốt như cụm cảng biển ở Cái Mép-Thị Vải của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Luồng sông Lòng Tàu - luồng chính đi vào cụm cảng biển TPHCM sâu chỉ khoảng 7m trong khi đó luồng ở Cái Mép-Thị Vải sâu tới 14m, chưa tính thủy triều. Luồng sông Soài Rạp của TPHCM chưa được nạo vét mà nếu có nạo vét cũng khó có được điều kiện thuận lợi như luồng sông Cái Mép-Thị Vải. Cụm cảng biển ở TPHCM chỉ còn một lợi thế, đó là có thị trường sản xuất, kinh doanh sôi động ở phía sau. Thế nhưng, lợi thế này lại đang dần bị chia sẻ bởi hoạt động sản xuất kinh doanh của các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương…

Trong khi đó, TPHCM lại khá chậm chân trong việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông phục vụ hoạt động của hệ thống cảng biển. Đường Liên tỉnh lộ 25B nối vào Tân Cảng thường xuyên bị kẹt xe. Đường nối vào cụm cảng Hiệp Phước còn khá nhỏ so với nhu cầu. Giao thông đến các cảng biển nằm trên sông Sài Gòn liên tục bị ùn ứ… Với tất cả những yếu tố đó, tôi cho rằng trong tương lai hoạt động cảng biển ở TPHCM sẽ bị thu hẹp và phải nhường vai trò quán quân này cho cụm cảng biển Cái Mép-Thị Vải.

- Cảng biển TPHCM đã hình thành và phát triển từ hàng trăm năm nay. Thương hiệu “thương cảng Sài Gòn” đã trở thành một trong những thương hiệu về cảng biển uy tín trên thế giới. Mặt khác, TPHCM vẫn xác định hoạt động cảng biển là một trong những mũi nhọn kinh tế của thành phố và quyết tâm đầu tư vào đây. Ông có chủ quan khi nhận xét trong tương lai cảng biển TPHCM sẽ bị thu hẹp lại so với Cái Mép-Thị Vải?

- Theo quy hoạch phát triển cảng biển Việt Nam đến 2025, cảng biển ở khu vực Cái Mép-Thị Vải sẽ là cảng biển cửa ngõ quốc tế của cả khu vực miền Đông, miền Tây Nam bộ và cả TPHCM. Trên thực tế Bộ Giao thông Vận tải và các bộ ngành liên quan khác đã có những đầu tư hết sức mạnh mẽ cho cụm cảng biển ở đây. Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai mở rộng quốc lộ 51 nối các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương… tới Bà Rịa-Vũng Tàu. Đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây - một hướng giao thông khác kết nối toàn bộ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Bà Rịa-Vũng Tàu đã được khởi công xây dựng.

Sắp tới các tuyến giao thông khác như đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường sắt nối từ cao nguyên xuống Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ được triển khai. Với một hệ thống giao thông hiện đại được đầu tư mạnh mẽ nhằm kết nối cụm cảng biển Cái Mép-Thị Vải với một thị trường sản xuất kinh doanh lớn của miền Đông, miền Tây Nam bộ và cả cao nguyên như thế thì việc cụm cảng biển ở đây trở thành cụm cảng biển lớn nhất khu vực là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Lúc ấy, chắc chắn hoạt động của cụm cảng biển ở TPHCM bị phải thu hẹp lại.

Một vấn đề khác, nhờ luồng lạch sâu, hiện nay nhiều cảng biển ở Cái Mép-Thị Vải đã đón được tàu lớn, có hành trình đi thẳng đến châu Âu và châu Mỹ, không những giúp chủ hàng tiết kiệm được thời gian mà còn tiết kiệm được chi phí vận chuyển. Đây là một ưu thế cạnh tranh rất lớn của cụm cảng biển ở Cái Mép-Thị Vải so với nhiều cụm cảng biển khác, trong đó có cụm cảng biển TPHCM. Không phải mà ngẫu nhiên, quốc lộ 51 còn đang sửa chữa song nhiều chủ hàng từ Đồng Nai, Bình Dương… đã thuê sà lan theo dọc Đồng Nai trở hàng tới cụm cảng biển Cái Mép-Thị Vải thay vì tìm đến cụm cảng biển TPHCM. Hơn nữa, trong một thế giới linh hoạt như hiện nay, những nhân tố mới xuất hiện và được đón nhận là điều hết sức bình thường.

Biến thách thức thành cơ hội

- Dường như ông chưa đánh giá hết khả năng của luồng tàu biển Soài Rạp. TPHCM dự kiến nạo vét luồng tàu xuống độ sâu 12,5m và với độ sâu này TPHCM hoàn toàn có thể đón tàu to… Hơn nữa, TPHCM vẫn là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất nước. Các nhà nhập khẩu chắc chắn vẫn muốn nhập hàng về thẳng TPHCM?

- Việc nạo vét luồng tàu biển Soài Rạp còn đang trong quá trình chuẩn bị thực hiện dự án, các bước đi như thế nào còn phải được nghiên cứu, tính toán hết sức cụ thể. Trong khi đó luồng tàu biển ở Cái Mép-Thị Vải đã đi vào hoạt động và hiện ở đây đã hội tụ được rất nhiều nhà khai thác cảng biển lớn như PSA, CMIT… Đó là chưa nói đến tình huống TPHCM nạo vét xong luồng Soài Rạp sẽ vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ của các tỉnh Long An và Tiền Giang. Hiện ở các tỉnh này đã có dự án xây dựng cảng biển và chỉ chờ luồng Soài Rạp được nạo vét là họ làm cảng… Và cảng của các tỉnh này chắc chắn có lợi thế hơn cảng ở TPHCM vì chúng ở gần biển hơn (từ biển vào, sông Soài Rạp chảy qua Tiền Giang, Long An rồi mới tới TPHCM).

Còn nói TPHCM là thị trường tiêu thụ lớn nhất nước, nên sẽ thu hút các nhà nhập khẩu đến với cảng biển TPHCM, tôi cho rằng với đường giao thông thuận lợi, việc nhập khẩu hàng hóa ở Cái Mép-Thị Vải rồi đưa về TPHCM tiêu thụ là điều rất đơn giản. Tất nhiên, quá trình này diễn ra nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất là giao thông. Giao thông kết nối cụm cảng biển Cái Mép-Thị Vải đến các tỉnh thành khác, đặc biệt ở miền Đông Nam bộ và TPHCM càng thuận tiện thì cảng biển ở đấy càng phát triển nhanh.

- Sẽ không quá lời khi nói rằng, một trong những yếu tố quan trọng để TPHCM phát triển như hiện nay là nhờ có hoạt động của các thương cảng. Các loại thuế thu được từ hoạt động này luôn chiếm một vị trí rất lớn trong ngân sách của thành phố. Trong tương lai, nếu không còn cảng biển hoặc hoạt động của cảng biển bị thu hẹp lại, TPHCM còn giữ được vai trò là trung tâm kinh tế của cả nước?

- Hãy coi đây là thách thức song cũng là cơ hội cho TPHCM. Từ nhiều năm qua, TPHCM đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ các ngành sử dụng nhiều lao động, hàm lượng chất xám thấp sang các ngành kinh tế có hàm lượng chất xám cao, song kết quả thực hiện được chưa tương xứng với mong muốn. Một khi cảng biển bị thu hẹp lại, thiếu hụt nguồn thu từ cảng biển, TPHCM sẽ phải chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa nếu muốn giữ được vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước. Và như vậy đây sẽ là động lực để cho thành phố thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế mà chính thành phố đã mong muốn từ lâu. Nếu nhìn ở góc độ này, rõ ràng đây là cơ hội và cơ hội này không chỉ cho TPHCM mà còn cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bởi nó mở ra một điều kiện để tái bố trí lại hoạt động kinh tế cho cả vùng, giúp phát huy lợi thế của từng địa phương trên cơ sở bổ sung thế mạnh cho nhau để cùng phát triển.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục