Hướng đi nào để nông nghiệp Nam bộ bền vững?

Nông nghiệp bền vững, trước hết phải là nông nghiệp xanh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, tạo ra tăng trưởng xanh. Đó cũng là nền nông nghiệp hiện đại và thông minh, cơ giới hóa đồng bộ, chủ động ứng phó với thiên nhiên, tránh thiên tai hiệu quả hơn trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng…
Đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các yếu tố bền vững nông nghiệp càng trở nên bức thiết và gắn kết chặt chẽ với nhau hơn khi khu vực này do đặc thù địa lý đang phải chịu những tác động cộng hưởng của BĐKH, nước biển dâng và kết quả khai thác của các nước ở thượng nguồn sông Mê Công. Bên cạnh sự biến đổi ngày càng thất thường và cực đoan của khí hậu, thời tiết, thiên tai, mưa bão, hạn hán…, việc mất an ninh nguồn nước ngọt và thiếu hụt phù sa của sông Mê Công chảy về ĐBSCL làm tăng thêm cường độ khô hạn, xâm nhập mặn khiến môi trường bị suy thoái do không được thau rửa, vệ sinh. Hiện tượng sạt lở bờ sông, sụt lún đất ở cả khu đô thị và đồng lúa ngày càng nghiêm trọng. Nguồn cá tự nhiên cũng bị giảm sút đáng kể, đe dọa sản xuất nông nghiệp, an ninh lương thực.

Các nhà khoa học đã phân tích và thấy rằng, với 144 hồ chứa thủy điện được xây dựng trong lưu vực sông Mê Công, chiếm khoảng 26% tổng lượng dòng chảy bình quân/năm sẽ làm lắng đọng ở hồ khoảng 60% - 70% lượng phù sa và bùn cát, dẫn đến mất cân đối và thiếu hụt trên 50% phù sa ở hạ lưu chảy qua ĐBSCL. Đồng thời, làm thay đổi đáng kể chế độ dòng chảy của sông qua ĐBSCL. Cùng vói thiếu hụt phù sa từ thượng nguồn về, nhu cầu khai thác cát để san lấp nền và xây dựng gia tăng, dẫn đến mất cân bằng nghiêm trọng bùn cát ở hạ lưu sông Mê Công. Những điều này càng làm mất cân đối giữa bồi lấp và sói lở của sông, khiến sạt lở thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, tác động do con người gây ra cũng không nhỏ do khai thác nước ngầm cho sinh hoạt và sản xuất quá mức, dẫn đến sự hạ thấp rất nghiêm trọng mực nước ngầm ở các đô thị ĐBSCL, khoảng 70cm/năm, kéo theo sụt lún đất ở mức 2-3cm/năm (gấp 5 lần tốc độ nước biển dâng). Trong khi đó, lượng mưa lớn gây ngập ở ĐBSCL đã tăng từ 9% - 17,5% so với năm 1990 trở về trước. Ngoài ra, việc mở rộng diện tích nuôi tôm nhưng không kiểm soát được về diện tích lẫn kỹ thuật cũng tác động rất nghiêm trọng tới quá trình mặn hóa đất đai, gia tăng sạt lở vùng cửa sông, ven biển. Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thủy lợi, vùng ĐBSCL hiện có  265 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài trên 450km, gây tổn thất nghiêm trọng về tài sản, đất đai và kinh phí để khắc phục sự cố sạt lở.
 
Theo GS-TS Nguyễn Tuấn Anh, Chủ nhiệm chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng Nông thôn mới, giải pháp ứng phó để triển khai nông nghiệp bền vững ở ĐBSCL phải là giải pháp tổng hòa của nhiều giải pháp. Trong đó có giải pháp về hạ tầng thủy lợi; giải pháp về tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu ngành và các giải pháp khác thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội. “Chúng ta cần thống nhất rằng, BĐKH là quá trình không thể đảo ngược, việc khai thác lưu vực sông Mê Công gây bất lợi là không thể tránh khỏi. Từ đó, chúng ta phải tìm ra giải pháp tối ưu trong xây dựng và vận hành các hệ thống thủy lợi, cống, đập, hồ để giảm thiểu, khắc chế những tác động bất lợi do thiên tai và nhân tai gây ra; đồng thời, phải thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp  cả trong cách tổ chức sản xuất và lựa chọn cơ cấu mùa vụ, cây con”, GS-TS Nguyễn Tuấn Anh đề nghị.

Tin cùng chuyên mục