Hướng tới CPTPP 2.0

Báo cáo mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề quốc tế (CSIS) cho biết, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã tạo ra bước đột phá về thương mại điện tử và hướng tới nâng cấp hiệp định này lên tầm cao mới. 
Thương mại điện tử đang bùng nổ trên toàn cầu. Ảnh: UNTAC
Thương mại điện tử đang bùng nổ trên toàn cầu. Ảnh: UNTAC

Tín hiệu tích cực

Các cuộc khảo sát cho thấy, đối với các doanh nghiệp trong khu vực CPTPP (gồm 11 nước), hiệp định này mở ra cơ hội mới để tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ cũng như thiết lập các quy tắc cơ bản cho thương mại điện tử. Các doanh nghiệp đặc biệt coi trọng các cam kết trong thỏa thuận về bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo tự do cho dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới và cấm bản địa hóa máy chủ.

Theo báo cáo, Việt Nam đã mở rộng đáng kể thương mại điện tử và hoạt động khá ổn định bất chấp đại dịch Covid-19. Đây có thể là một tín hiệu tích cực đối với các nước Đông Nam Á khác đang cân nhắc trở thành thành viên CPTPP, như Philippines, Indonesia và Thái Lan. Nhật Bản và Singapore đã dẫn đầu khu vực thương mại trong các dịch vụ giao hàng kỹ thuật số, cũng là một lĩnh vực quan trọng đối với các thành viên tiềm năng của CPTPP và các nước xuất khẩu dịch vụ như Philippines, Hàn Quốc và Anh...

Giá trị gia tăng của các cam kết thương mại kỹ thuật số cũng là vấn đề đáng quan tâm đối với các nước thành viên hàng đầu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tham gia đàm phán tại Geneva về thương mại điện tử cũng như nhiều nước, tổ chức khu vực vốn đang theo đuổi các thỏa thuận liên quan đến thương mại điện tử. Hơn nữa, thương mại điện tử cũng đang bùng nổ trên toàn cầu. Các quy tắc xung quanh nó sẽ định hình mức độ quốc tế hóa của người bán trên các nền tảng thương mại điện tử, bao gồm nhiều công ty siêu nhỏ và nhỏ, cũng như góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Tạo nhiều thuận lợi

Các công ty thành viên xuất khẩu vào khu vực CPTPP nhận thấy khả năng tiếp cận thị trường, tự do hóa dịch vụ và các điều khoản thương mại điện tử của CPTPP có lợi cho doanh nghiệp của họ. Theo khảo sát, các điều khoản thương mại điện tử đang tạo điều kiện thuận lợi cho người bán trực tuyến.

Trong số các nhà xuất khẩu - người bán trực tuyến quy mô siêu nhỏ và nhỏ, 73% nhận thấy các điều khoản của CPTPP đảm bảo việc truyền dữ liệu tự do qua biên giới là rất có lợi, khoảng 66% cho rằng lệnh cấm bản địa hóa máy chủ của CPTPP là có lợi và 61% nhận thấy việc tự do hóa thương mại dịch vụ của hiệp định là quan trọng. Lợi ích thậm chí còn lớn hơn đối với các công ty vừa và lớn. Các công ty cũng nhấn mạnh là có lợi với các điều khoản về cam kết bảo vệ người tiêu dùng trước thư rác không mong muốn và bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng.

CPTPP đã thu hút được sự quan tâm và đơn đăng ký chính thức từ một số nước không phải là thành viên muốn tham gia một hiệp định bao gồm các điều khoản thương mại điện tử chất lượng cao với một số đối tác thương mại chính của họ. Đặc biệt, đối với một số quốc gia Đông Nam Á, việc gia nhập CPTPP cũng có thể giúp khởi động và định hướng các cải cách quy định kỹ thuật số trong nước.

Bằng chứng kinh tế sơ bộ cho thấy, các hiệp định thương mại như CPTPP có quy định thương mại điện tử chặt chẽ và ràng buộc, bên cạnh việc thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ cũng như các dịch vụ kỹ thuật số giữa các thành viên. Do số lượng các hiệp định toàn diện về thương mại điện tử vẫn còn ít và các hiệp định này còn non trẻ, nên sẽ cần nghiên cứu thêm trong 2-3 năm tới để phân tích sâu hơn về giá trị gia tăng của các điều khoản thương mại kỹ thuật số trong các hiệp định thương mại.

Tin cùng chuyên mục