Dự án Quy hoạch phát triển khu vực sông Hồng đoạn Hà Nội

Hướng tới một đô thị quốc tế có sức cạnh tranh cao, đời sống tốt

Sẽ di dời trên 35.000 hộ dân
Hướng tới một đô thị quốc tế có sức cạnh tranh cao, đời sống tốt

Khởi động từ cuối năm 2006, với số vốn tài trợ 6 triệu USD từ chính quyền TP Seoul (Hàn Quốc), đến nay dự án Quy hoạch phát triển khu vực sông Hồng đoạn Hà Nội đang đi vào giai đoạn nước rút để tới tháng 11-2007 này trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quốc hội xem xét.

Dự án phát triển đô thị lớn nhất của thủ đô

Hướng tới một đô thị quốc tế có sức cạnh tranh cao, đời sống tốt ảnh 1

Phối cảnh quy hoạch TP Sông Hồng. Ảnh: N.V

Những năm gần đây, cùng với TPHCM, thủ đô Hà Nội đang là thành phố có tốc độ phát triển đô thị nhanh nhất cả nước. Hàng loạt khu đô thị mới liên tục ra đời làm thay đổi tích cực bộ mặt thành phố.

Có thể kể đến các đô thị mới như: Linh Đàm, Mỹ Đình, Trung Hòa – Nhân Chính, Bắc Thăng Long, Định Công… nhưng vượt lên tất cả vẫn là dự án phát triển TP Sông Hồng. Nói như Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính thì đây là dự án phát triển đô thị lớn nhất từ trước đến nay của Hà Nội.

Theo quy hoạch này, phạm vi của dự án TP Sông Hồng sẽ rộng khoảng 7.000ha kéo dài trên 35km từ địa phận Chèm (huyện Từ Liêm) qua Đông Anh, Tây Hồ, Gia Lâm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng đến hết cầu Thanh Trì (huyện Thanh Trì).

Trong số này, khoảng 3.000ha đất nằm sát sông sẽ dành để làm đê, kè bê tông theo quy mô đê cấp đặc biệt. Khu vực này có mật độ xây dựng rất thấp để không cản trở dòng chảy của sông Hồng. Phần diện tích chính (khoảng 4.000ha) sẽ được quy hoạch thành những đô thị mới đồng bộ, hiện đại. Mỗi đô thị mới này sẽ có diện tích từ 300ha đến 500ha.

Vậy diện mạo TP Sông Hồng trong tương lai sẽ ra sao? Đồ án đề xuất: Khu vực Võng La, Từ Liêm sẽ trở thành đô thị sinh thái ven sông; Đông Anh sẽ trở thành công viên thể thao; Gia Lâm sẽ trở thành Trung tâm đào tạo và nghiên cứu sinh thái, khu vực này có nhiệm vụ lọc nước thực vật ven sông; Tây Hồ và Hoàn Kiếm sẽ phát triển đô thị theo hướng kết hợp công viên văn hóa lịch sử.

Sẽ có các khu nhà ở, căn hộ chất lượng cao để có thể đón 97.000 hộ dân vào ở trong tương lai. Và khoảng 2.500ha đất được tạo ra từ việc chỉnh trang sông Hồng sẽ dành để xây dựng phát triển công nghệ cao, xây dựng trung tâm tổ chức các sự kiện quốc tế, trung tâm thương mại, làng Olympic…

Góp phần để Hà Nội an toàn trước lũ

Đó là mục tiêu lớn nhất mà dự án này hướng đến. Trong buổi làm việc mới đây giữa Bộ Xây dựng với Sở Quy hoạch TP Seuol (Hàn Quốc) – đại diện đơn vị tài trợ tiền nghiên cứu dự án – Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính khẳng định: “Việc thực hiện quy hoạch TP Sông Hồng sẽ góp phần quan trọng giúp Hà Nội an toàn trước lũ. Sông Hồng sẽ trở thành trục cảng quan, trục phát triển của Hà Nội”. Đó cũng là ước nguyện và tâm huyết của nhiều thế hệ các nhà quy hoạch và người dân thủ đô.

TP Sông Hồng góp phần chống lũ như thế nào? Theo đề án, toàn bộ chiều dài của sông Hồng đoạn qua Hà Nội (trên 35km) sẽ được xây dựng kè đê vĩnh cửu với tần suất chống lũ trên 500 năm. Như vậy con sông Hồng hung dữ nhất miền Bắc sẽ “hiền hòa” khi đi qua thủ đô.

Theo các chuyên gia thủy văn môi trường, việc xây dựng đê kè kiên cố sẽ giúp Hà Nội an toàn trước mỗi mùa lũ lớn. Bên cạnh đó, dự án cũng có một số điều chỉnh như: tăng cường mở rộng lòng sông để hợp lý dòng chảy, tăng khả năng thoát lũ, hạ thấp mực nước…

Dự án này cũng đề xuất không tổ chức giao thông cơ giới nặng sát dòng sông, các công trình kiến trúc phải được bố trí theo kiểu khác cốt, bảo vệ mối quan hệ tự nhiên, hài hoà giữa tự nhiên và nhân tạo…

Việc đảm bảo khu vực nội thành và Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì không bị đe dọa bởi nguy cơ vỡ đê trong tương lai sẽ giúp các tập đoàn yên tâm đầu tư vào các đô thị mới ven sông thộc TP Sông Hồng trong tương lai. Ông In-Keun Lee, Giám đốc Sở Quy hoạch Seoul khẳng định: “Hà Nội sẽ an toàn trước lũ và trở thành một đô thị quốc tế có sức cạnh tranh cao và môi trường sống tốt”.

Sẽ di dời trên 35.000 hộ dân

Nếu dự án TP Sông Hồng được thông qua, trong tương lai sẽ có 35.000 hộ dân tương đương với 180.000 nhân khẩu phải di dời để phục vụ cho dự án. Công tác di dời sẽ bắt đầu vào năm 2008 và kéo dài đến khoảng năm 2020 (khi kết thúc dự án).

Dự kiến, việc di dời được chia thành 3 giai đoạn: từ 2008 đến 2012 di dời 4.500 hộ từ khu vực Chèm đến cầu Thăng Long; từ 2013 đến 2016 sẽ di dời gần 24.000 hộ từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì và khoảng 6.700 hộ sẽ di dời từ năm 2016 đến trước năm 2020. 

Tin cùng chuyên mục