
Những ngày này, Trường Đại học Đà Lạt đang nhộn nhịp các hoạt động kỷ niệm 30 năm thành lập trường. Phóng viên Tuần san SGGP Thứ Bảy đã trao đổi với PGS – TSKH Nguyễn Hữu Đức (Hiệu trưởng nhà trường) về những kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng trong giai đoạn hội nhập sắp tới.
- Xin giáo sư cho biết trong số những thành quả mà nhà trường đã đạt được, lĩnh vực nào là quan trọng nhất?
- Trong giai đoạn từ năm 1976 – 1985, với vai trò là một trường đại học tổng hợp, Đại học Đà Lạt hàng năm đã đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ và kỹ năng nghiên cứu khoa học cơ bản ở nhiều ngành như toán học, vật lý, hóa học, ngữ văn, sinh học… Kết quả đào tạo nhân lực trong giai đoạn này đã cung cấp được nguồn nhân lực khoa học chủ chốt cho các địa phương trong vùng Nam Tây Nguyên, Nam Trung bộ và giữ nhiều vị trí chủ chốt trong đội ngũ cán bộ quản lý và khoa học của địa phương.

Năm 1986, mốc thời gian quan trọng trong quá trình phát triển đào tạo, Trường Đại học Đà Lạt đã kịp thời nắm bắt chủ trương đổi mới của ngành giáo dục đại học, chủ động mở rộng ngành nghề và quy mô đào tạo, tạo ra tiền đề phát triển trong những năm tiếp theo.
Nhà trường đã mạnh dạn liên kết với các trường đại học khác, đặc biệt là các trường ở đại học TP.HCM để tổ chức đào tạo một số ngành học mới vượt ra khỏi khuôn khổ của các ngành khoa học cơ bản và bắt đầu tiếp cập với hoạt động đào tạo phi chính quy.
Đại học Đà Lạt là 1 trong số ít các trường đại học đã có bước đi tiên phong đầy năng động trên lộ trình mới.
Vào cuối thập niên 80, Trường Đại học Đà Lạt chỉ có quy mô đào tạo hàng năm khoảng 500 sinh viên với chỉ 8 ngành đào tạo, thì đến năm 1996 tổng số sinh viên của trường đã tăng lên gấp 10 lần và ngành nghề đào tạo là 16 ngành.
Từ năm 2000 đến nay Đại học Đà Lạt đã trở thành 1 trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, có quy mô đại học vùng với chỉ tiêu tuyển sinh gần 3.000 sinh viên/năm, nâng tổng số sinh viên của trường lên 23.000.
- Được biết, gần đây trường có cam kết về việc cải tiến hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2000 và vươn tới tầm một trường đại học của khu vực trong thời gian tới . Vậy nhà trường sẽ làm gì để đạt được mục tiêu này và lộ trình thực hiện như thế nào?
- Từ nay đến 2010, Đại học Đà Lạt sẽ tiếp tục phấn đấu để hoàn thiện mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực và xây dựng năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Để thực hiện được chiến lược này, nhà trường tập trung vào 1 số mục tiêu và giải pháp như: Về cơ sở vận chất thì triển khai xây dựng khu thí nghiệm liên hợp, tăng cường thêm các phòng học đa chức năng, xây dựng thêm ký túc xá, tăng cường số đầu sách mà đặc biệt là số đầu sách điện tử cho thư viện.
Trong lĩnh vực đào tạo thì mở rộng theo các loại hình đào tạo từ trung cấp đến tiến sĩ, mở rộng các ngành nghề đào tạo thiên về công nghệ và ứng dụng.
Về đội ngũ cán bộ, không chỉ tăng cường về số lượng mà cần có chất lượng, cọ sát trong đội ngũ giảng dạy qua nhiều tiêu chí khác nhau như: Năng lực giảng dạy, nghiên cứu, trình độ, phương pháp giảng dạy, có sự đánh giá các giáo viên và sinh viên.
Về hợp tác quốc tế, nhà trường đã và đang phối hợp với một số trường đại học nước ngoài đào tạo cán bộ có trình độ quốc tế (đại học, thạc sĩ, tiến sĩ) và chuyển giao công nghệ giáo dục đại học và sau đại học cho địa phương. Thành lập các trung tâm đào tạo sau đại học, nghiên cứu khoa học đáp ứng cho vùng Đông Nam Á.
Để đạt được những lĩnh vực này, về tài chính cần thu hút nguồn lực tài chính khác nhau, ví như ngân sách Nhà nước, học phí, các đề tài nghiên cứu khoa học, các dự án v.v…
- Xin cảm ơn PGS-TS. Nguyễn Hữu Đức hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt.
Văn Phong – Võ Đình