Mùa tuyển sinh năm nay, Bộ GD-ĐT đã đưa ra phương án xác định “điểm sàn” ĐH-CĐ mới (thay thế cách tính điểm sàn cũ). Theo đó, sẽ có 3 - 4 mức điểm sàn cho từng khối thi. Dù phương án xác định điểm sàn theo cách nào thì theo ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục, quan trọng nhất là việc ngoài bảo đảm chất lượng đầu ra. Phóng viên Báo SGGP trao đổi với PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ ngoài công lập, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam xung quanh vấn đề trên.
° Phóng viên: Năm nay, Bộ GD-ĐT đưa ra phương án xác định điểm sàn ĐH-CĐ mới, ông đánh giá sao về phương án này?
° Ông TRẦN XUÂN NHĨ: Chúng ta vẫn đang loay hoay vấn đề siết chặt đầu vào, trong khi tự chủ đại học bản chất phải để các trường được chủ động việc tuyển sinh, còn cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức kiểm định cùng bản thân các nhà trường phải lo khâu kiểm định, siết chặt đầu ra để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực. Đào tạo đại học của chúng ta hiện vẫn chỉ lo kiểm soát đầu vào mà thả lỏng đầu ra, đó là đi ngược với xu thế chung của thế giới. Hầu hết các nước trên thế giới đều không tổ chức thi vào ĐH-CĐ nữa, mà họ chỉ lấy kết quả tốt nghiệp THPT để xét tuyển, phỏng vấn vào đại học.
Sau đó, nếu trong quá trình học đại học, sinh viên không bảo đảm chất lượng thì sẽ phải học lại, một sinh viên có thể không phải chỉ mất 4 năm học đại học mà kéo dài tới 6 - 7 năm nếu việc học hành không bảo đảm. Tức là người học phải bảo đảm tiêu chuẩn đầu ra mới được tốt nghiệp đại học. Còn hiện nay, giáo dục đại học Việt Nam đang đi ngược xu thế chung đó, khó khăn để vào đại học, nhưng khi đã vào được rồi thì gần như 100% tốt nghiệp đại học đúng niên hạn. Đó là bất cập lớn.
° Nhưng trong điều kiện của giáo dục Việt Nam hiện nay, Bộ GD-ĐT không thể thả nổi đầu vào đại học thưa ông?
° Dư luận đã từng đặt vấn đề Bộ GD-ĐT làm trái Luật Giáo dục đại học khi không thực hiện giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường một cách hoàn toàn. Tôi nghĩ Bộ GD-ĐT không nên “ôm” việc tuyển sinh. Luật Giáo dục đại học và Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục của Trung ương đều nói giao tự chủ tuyển sinh cho các trường nhưng bộ vẫn đang thực hiện trao quyền tự chủ đó theo kiểu cầm tay chỉ việc.
Còn với nhiều chủ trương hiện nay về giáo dục đại học của Bộ GD-ĐT, tôi cho là đang trái ngược với chủ trương phát triển giáo dục mở. Ví dụ như bộ đang cấm các trung tâm liên kết đào tạo với các trường chẳng hạn, tôi cho là không được. Các trung tâm họ có thể liên kết đào tạo để tận dụng tiềm năng về đội ngũ, cơ sở vật chất để đào tạo với điều kiện các trung tâm đó không được cấp bằng mà phải đến trung tâm kiểm định thi chuẩn đầu ra, sau đó mới được cấp bằng. Nếu trung tâm nào đào tạo 10 nhưng chỉ ra trường được 1 - 2 thì tự thân sẽ phải phá sản. Còn nếu muốn tồn tại thì các trường, các trung tâm sẽ phải bảo đảm chất lượng đào tạo của mình.
° Ông cho rằng nên kiểm định chất lượng đầu ra đại học bằng một kỳ thi của các trung tâm kiểm định?
° Các trung tâm sẽ có một kỳ thi dạng sát hạch tiêu chuẩn của sinh viên, cách làm cụ thể thì có thể nghiên cứu kinh nghiệm của các nước. Nhưng tựu chung là sau khi các trường đại học “sản xuất hàng hóa” thì hàng hóa đó phải được trung tâm kiểm định “gác cửa” đầu ra, sinh viên phải qua được cánh cửa đó thì mới được cấp bằng tốt nghiệp. Làm được như vậy thì sẽ không còn bằng đại học giả nữa. Nói tóm lại, giáo dục đại học Việt Nam phải hướng đến tương lai đầu vào có thể rộng, nhưng đầu ra phải hết sức chặt chẽ. Muốn thế kiểm định giáo dục phải được coi là một trong những biện pháp hàng đầu để bảo đảm chất lượng giáo dục.
° Trở lại với việc tự chủ tuyển sinh hiện nay, nhiều trường đại học ngoài công lập đòi “ra riêng” trong tuyển sinh, nhưng đến khi Bộ GD-ĐT thực hiện trao quyền tự chủ tuyển sinh thì nhiều trường lại “ngại”, vì thế vẫn nương theo kỳ thi đại học chung của bộ. Ông bình luận sao về điều này?
° Tự chủ tuyển sinh phải do quyền của trường chứ. Bộ bắt trường phải tuân thủ điều này điều nọ, vì thế họ rất khó làm. Ví dụ muốn để các trường tự chủ tuyển sinh thì bộ phải tổ chức thật tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, xem đó như một “nhà máy” tạo ra được “nguyên liệu” tốt và các trường sử dụng những “nguyên liệu” đó để “sản xuất”. Tức trách nhiệm của bộ là tạo ra nguyên liệu, còn trách nhiệm của các trường là sản suất ra hàng hóa.
Cuối cùng, bộ phận kiểm định sẽ có trách nhiệm kiểm duyệt chất lượng hàng hóa trước khi đưa ra xã hội. Đó là cách làm ổn nhất. Còn với cách làm như hiện nay thì không trường nào có thể tự chủ tuyển sinh một cách hoàn toàn được.
LÂM NGUYÊN