Láng - một cô gái xinh đẹp vùng đất mía Bình Lợi - Sài Gòn, đưa tôi đi viếng đài tưởng niệm liệt sĩ căn cứ cũ Vườn Thơm. Ở đó, Láng đã kể cho tôi nghe về câu chuyện tình yêu của ba má mình…
“Năm đó quê em chặt hết tràm và thơm để trồng mía. Lúc nhổ thơm, má em nói: “Thế là căn cứ Vườn Thơm sẽ chỉ còn lại cái tên thôi con ạ!”… Lúc chạy xuồng theo kênh Rau Răm, đến ngã ba gặp kênh Xáng Nhỏ, má bảo ghé bờ cho má thắp nhang. Má cắm nhang lung tung trên các gò đất.
Nơi đây thời đánh Mỹ, là căn cứ của Tiểu đoàn 6. Nhiều chiến tích anh hùng, nhưng cũng lắm đau thương. Anh em hy sinh, ông Bảy Mập và bà con mình đều đem về đây chôn cất. Dũng sĩ Tư Đen ở Tiểu đoàn Quyết tử của Biệt động Thành cũng nằm xuống chỗ này. Má bảo cứ cắm nhang như vầy, không phải mộ ba của con thì cũng trúng đồng đội của ổng, đều là chiến sĩ hy sinh vì dân, vì nước, vì Sài Gòn yêu quý của mình.
Em nhớ lúc chặt thơm thì má tiếc, nhưng khi chặt tràm thì má khóc. Má mân mê cái bông tràm đã héo úa, đưa lên mũi hít hít mà nước mắt ràn rụa. Em hiểu cái rừng tràm, cây tràm, hương tràm đã đi sâu vào kỷ niệm đời má. Em lớn lên từ thuở nằm nôi cho đến lẫm chẫm tập đi, bập bẹ tập nói chỉ thấy có má. Khi em đã biết hỏi đến ba thì má chỉ lặng lẽ khóc. Nhưng dần dà em cũng nhận ra được hình bóng của người cha thân yêu của mình.
Lúc tròn tuổi 18, vác mía mệt quá muốn nghỉ, em bèn nằm vùi đầu lên đùi má. Má ngồi ôm lấy em, áp cả mặt em vào bộ ngực căng tròn của má, rồi kêu lên: “Ui chao anh Hoài có biết Láng nhà mình giống anh như khuôn! Láng ơi, con lấy chồng đi rồi sinh cho má một bé trai nghen. Cháu của bà nhất định phải giống ông ngoại như đúc”… Má ôm mặt em mà hôn hít, mà xuýt xoa và nói như mê, như sảng. Em nhìn má mà ứa nước mắt. Ba Hoài của em là người như thế nào mà cuốn hút má đến thế. Mối tình ngắn ngủi bất hạnh của hai người sao mà da diết, đắm đuối đến nhường ấy!” …
* * *
Thời đánh giặc, người Bình Lợi sơ tán khắp nơi. Chị du kích Nguyễn Thị Lê được cấp ủy cử đi Vàm Cỏ Tây dự lớp huấn luyện biệt động. Người trực tiếp chỉ bảo cách đánh giặc cho Lê là anh Hoài. Hai người tập lăn lê bò toài trong rừng tràm. Tình bạn chiến đấu gắn bó đã đưa họ đến tình yêu. Sau khi học tập xong, Lê được trở về công tác tại địa phương mình. Ít lâu sau đó, đơn vị biệt động của Hoài cũng được tăng cường về Bình Chánh.
Tổ chiến đấu của Hoài được cử về Bình Lợi đã làm cho lũ giặc mất ăn, mất ngủ. Bị thiệt hại nặng, chúng càng hung hăng bố ráp hòng trả thù. Đêm đêm đi hoạt động trở về, Hoài đã ém quân giữa những bụi tràm rậm rạp quanh Láng Le, Bàu Cò. Lê đã cùng chị em du kích tiếp tế, chăm sóc anh em biệt động.
Thường xuyên sống cạnh kề cái chết Hoài - Lê càng yêu nhau thắm thiết và họ đã dâng hiến cho nhau tất cả. Thế rồi, một đêm đi công tác nội thành trở về qua miếu Ông Lão, tổ của Hoài bị phục kích. Hai bên đánh nhau dữ dội. Nhiều tên giặc bị bắn chết, nhưng chúng đã kịp tiếp viện đến bủa vây tổ của Hoài.
Sáng hôm sau, cơ sở nội thành báo ra địch đưa 3 anh biệt động - một đã chết và 2 bị thương nặng về bốt cầu Bình Lợi. Từ đó Hoài mất tích. Bên ta đã cho người đi dò la khắp nơi vẫn không tìm ra dấu vết tổ biệt động của Hoài. Người thì bảo địch đã chở cả 3 về trại giam Hố Nai, kẻ lại nói mấy ông ấy đều chết trong rừng tràm. Lê như người điên dại, đêm ngày ngơ ngẩn đi tìm Hoài và đồng đội của anh. Rồi đơn vị biệt động Bình Chánh chuyển qua địa bàn khác. Lê đành chịu mất tin tức Hoài.
Cuộc tình ngắn ngủi nhưng để lại một hình hài nảy nở trong Lê như nhụy hoa đã kết quả. Lê chê cơm, tanh cá suốt cả tháng trời nhưng vẫn bươn bả, lặng lẽ đi tìm Hoài khắp những vùng tràm quanh Bàu Cò, Láng Le. Lê lại đến cái gò nhỏ nổi lên mặt nước mọc đầy tràm - nơi cái đêm hạnh phúc Hoài đã bẻ lá tràm xếp xuống cỏ làm nệm, xây tổ cho một đêm sống bên nhau.
Mãi đến bây giờ, bên tai Lê vẫn còn vang rõ giọng Bắc ngọt ngào tha thiết của Hoài: “Lê ơi! Anh làm vậy có lỗi với Lê không? Nhưng nhỡ mai kia anh chết mà không gửi được kỷ niệm cho Lê, anh khổ lắm!”…
Đêm đó, trên lá tràm êm, trong hương tràm ngây ngất, Lê nằm lặng lẽ nhìn bầu trời đầy sao và lắng nghe giấc ngủ ngon lành của Hoài. Gió nổi lao xao trên mặt nước Láng Le và đàn le le ăn đêm kêu lên những tiếng “kẹc kẹc”, âu yếm gọi nhau. Xa xa ngoài kênh Năm Căn vọng đến tiếng bìm bịp báo con nước lớn, ròng. Ánh pháo sáng như ngái ngủ rọi chập chờn.
Tiếng máy bay phản lực ầm ầm vút qua bầu trời làm Hoài tỉnh giấc. Lê ôm hôn anh và âu yếm hỏi: “Cái “kỷ niệm” anh gửi em mà thành thì đặt tên con là gì?”. Hoài cười thích chí: “Nhất định thành chứ. Mình cùng chiến đấu ở đây, có con với nhau ở đây thì nhất định tên con là Láng rồi. Con Láng, em Lê - Láng Lê!”. Lê mỉm cười, cốc nhẹ vào đầu anh, giải thích cho Hoài nghe - là cái bàu nước nhưng rộng bao la hơn bàu thì gọi là láng.
Láng có nhiều gà nước, vịt trời, le le đến ăn ở thì gọi là Láng Le. Hoài hiểu ra, cười rúc rích và hỏi vặn lại: “Vậy nhỏ hơn cái bàu thì gọi là cái gì. Cái vũng, cái hồ hay cái ao?”. Họ lại ôm ghì lấy nhau mà mơ ước ngày độc lập sẽ về dựng nhà cạnh Láng Le mà trồng thơm, trồng mía, trồng tràm …
Sau khi mất tin tức của Hoài, tiếp đến là những ngày chiến đấu ác liệt và công tác căng thẳng. Lê vẫn không nguôi thương nhớ và lặng lẽ lao vào cuộc tìm kiếm Hoài. 9 tháng sau, Lê sinh ra bé Láng. Ngày đất nước độc lập, thống nhất thì bé Láng được 8 tuổi. Thời gian vẫn lặng lẽ nặng nề trôi, nhưng Lê vẫn hy vọng một ngày nào đó người yêu sẽ trở về. Chiến tranh đã chấm dứt, Láng đã bước vào tuổi 17, xinh đẹp hơn cả má ngày xưa.
* * *
Ngày xưa ấy, má vốn nổi tiếng đẹp người, đẹp nết nhất trong đám nữ du kích Bình Lợi. Bây giờ vẫn còn nhiều người theo đuổi nhưng má Lê chỉ lặng lẽ cười. Láng bảo má chọn lấy một người trong số đó cho đỡ cô đơn, nhỡ ra Láng phải theo người yêu về Củ Chi xa. Má vẫn lặng lẽ lắc đầu và có khi còn hãnh diện khoe: “Ba mày ngày đó đẹp trai và dũng cảm hết sẩy!”…
Mùa gió chướng năm rồi, má đưa Láng đi tìm ba ở ven hai bờ Vàm Cỏ Tây. Giáp mặt với rừng tràm đầu tiên, má khuỵu xuống không bước nổi nữa. Láng phải dìu má đi từng bước. Gió chướng rùng rùng nổi lên làm rối tung mái tóc dài của má. Rừng tràm lắt lay ngàn lá như chào đón má. Nơi đây là chỗ hò hẹn, là mối tình đầu, là nụ hôn đầu đời má gửi cho ba. Bây giờ má còn đây mà ba đi đâu. Có một bài hát mà khi ca sĩ Thu Hiền cất giọng lên là má khóc: “Bầu trời thì cao, cánh đồng thì rộng. Hương tràm bên em mà anh đi đâu?!”. Hẳn là trong đầu má, trong tim má đã vang lên giai điệu buồn thương, nhung nhớ mà má đã tự hẹn với lòng mình:
Dù đi đâu và xa cách bao lâu
Em vẫn có hình anh, giữa bóng tràm bát ngát
Em vẫn thấy mắt anh trên lá tràm xanh ngắt
Em vẫn nghe tình anh trong hương tràm xôn xao …
Khi nén hương Láng cắm trên đài tưởng niệm các liệt sĩ ở Vườn Thơm đã tắt, Láng đứng dậy bảo tôi: “Thôi! Ta về đi anh!”. Lúc tôi gạn hỏi về cuộc sống của người mẹ bây giờ, Láng nói tránh sang chuyện khác: “Bình Lợi quê em đã là xã anh hùng trong kháng chiến, nay trong lao động hòa bình cũng giữ vững được truyền thống tốt đẹp xưa của người Sài Gòn”.
- Còn mẹ của Láng thì …
- Thì chẳng sao hết. Má em vẫn là một lao động xuất sắc trong nghề trồng mía. Nhưng có điều má vẫn không nguôi thương nhớ và chờ đợi ba. Có khi bắt gặp má khóc thầm, em gặng hỏi, má nói: “Má trồng lên cây ngọt cho đời, nhưng lòng má đắng cay đau khổ vì chưa tìm được ba của con”. Rồi má hỏi có phải người làm bài thơ Đi trong hương tràm là đồng đội của ba hay sao mà tả đúng bóc chuyện yêu đương của ba má. Má đã thuộc nằm lòng bài thơ ấy và nhiều khi lẩm nhẩm hát thầm theo giọng người ca sĩ, nhưng lại cố ý thay đổi một vài từ:
Dù đi đâu và xa cách bao lâu
Dù gió mây kia đổi hướng thay màu
Dù trái tim em không theo anh được
Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau…
* * *
Tôi không hiểu người làm ra bài thơ và người phổ nhạc bài thơ đó có phải là đồng đội của Hoài hay không. Nhưng tôi trân trọng và vô cùng thông cảm với người đàn bà ở Láng Le phải chịu bao nỗi đau riêng, hàng chục năm qua, lặng lẽ đi tìm kiếm lại hình bóng mối tình son sắt của mình…
Trần Công Tấn
Thân tặng nhà thơ Hoài Vũ