Chọn dịp cuối tháng 5, khi biển còn êm ả, chúng tôi quyết định tổ chức chuyến đi khám chữa bệnh cho dân nghèo đảo Phú Quý (Bình Thuận) sau bao lần lỗi hẹn với bà con. 32 y bác sĩ (Chi hội Thiện Nhân) cùng các phóng viên của Báo SGGP xuống tàu Bình Thuận 16.
Quan sát chung quanh, ngoài dụng cụ thuốc men, nhà tàu còn chở theo 30 con heo, mấy bội gà to đùng và nhiều thứ khác như: trái cây, gạch xây dựng, xi măng, quần áo…
Thuyền phó Nguyễn Đức an ủi: “Thôi, các anh chị cũng không có lựa chọn nào khác đâu. Cả đảo chỉ có 2 chuyến tàu ra vào, cứ 2 ngày khởi hành 1 lần, toàn tàu chợ cả. Chịu khó đi cho… đỡ nhớ thời bao cấp nhé!”.
Thấy đoàn bác sĩ-nhà báo làm từ thiện, nhà tàu không soát vé vì danh sách đoàn có chữ ký của bà Lê Thị Vân, Chi hội trưởng Chi hội Thiện Nhân (nguyên Phó Chủ tịch UBND TPHCM). Các thuyền viên khi xem qua danh sách của đoàn đã ồ lên thích thú, bởi 3/4 thành viên đều ở lứa U60.
Bác sĩ Nguyễn Văn Quang, phụ trách y tế, nói: “Chi hội Thiện Nhân gồm các y bác sĩ công an, quân đội đã nghỉ hưu nhưng tấm lòng với người nghèo thì chưa hưu. Chính vì vậy khi Báo SGGP tổ chức đi đảo, ai nấy đều hăm hở xung phong và cùng nhau gom góp để tài trợ 100% thuốc men, dụng cụ y tế cho bà con”.
Không có ghế ngồi, boong tàu lại chật kín người nằm la liệt, phóng viên Báo SGGP, các y bác sĩ và chị Nguyễn Thị Hoa, đại diện đơn vị tài trợ chính là Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đều ngồi bó gối trên nóc tàu, xen lẫn các bao hàng hóa và phao cứu sinh.
Sau một đêm trên đảo, UBND huyện Phú Quý cử 4 xe, 5 cán bộ địa phương hỗ trợ chúng tôi dọn dẹp địa điểm khám bệnh. Cục Chính trị - BTL Bộ đội Biên phòng còn nhanh hơn, cử 10 cán bộ, chiến sĩ ra điểm khám giữ trật tự, gọi loa đọc tên, hướng dẫn bệnh nhân…
Bà Trần Thị Lệ Hải, phụ trách dược, nói: “Nhờ có Bộ đội biên phòng nên nhóm dược sĩ phát thuốc cho bệnh nhân nhanh, gọn. Chưa bao giờ chúng tôi được hỗ trợ nhiệt tình đến thế, nên cái mệt do đi tàu chợ đã tan biến”.
Theo phiếu mời đã được phân phát, từng bệnh nhân khám bệnh, rồi mới đến khâu nhận thuốc miễn phí cho 7 ngày. Tuy nhiên, do đoàn có mang theo máy siêu âm và một phòng nha thu nhỏ ra đảo, nên nhiều bà con yêu cầu được siêu âm, khám răng dù là có bệnh hay không. Tình thế này buộc các bác sĩ khám tổng quát phải mất thêm thời gian để phân tích cho bệnh nhân biết người nào cần siêu âm, người nào cần khám mắt, người nào cần trám-nhổ răng...
Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nga tâm sự: “Chưa khi nào tôi đi khám bệnh từ thiện tận ngoài đảo xa thế này. Ra đây thấy bà con khó khăn quá, tôi mong Báo SGGP tổ chức thêm nhiều chuyến đi nữa ra các hải đảo. Lực lượng y bác sĩ tình nguyện muốn chăm sóc bệnh nhân nghèo nhiều hơn”.
Một ngày làm việc quá sức, chúng tôi kiểm đếm được tổng cộng 1.500 toa thuốc đã phát ra, đồng nghĩa với 1.500 bệnh nhân đã được khám bệnh. Thượng tá Hồ Văn Hệ (Cục Chính trị-BTL Bộ đội biên phòng) xúc động nói: “Chính lực lượng biên phòng cũng không ngờ các nhà báo, các y bác sĩ lại dẻo dai, tận tình đến thế. Mong các đồng chí dành thêm nhiều chuyến tàu nghĩa tình nữa cho nhân dân các đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Tất cả chúng ta sát cánh, cùng nhau làm cho biển đảo quê hương bình an, giàu đẹp”.
MINH ANH - TƯỜNG LỘC