
Đà Lạt không chỉ được thiên nhiên ban tặng một nguồn rau quả ôn đới đặc trưng mà còn là nơi quy tụ cư dân nhiều vùng miền trong cả nước, và ẩm thực Huế như một điểm nhấn ấn tượng đối với du khách đến đây.

Đến trung tâm Đà Lạt, du khách có thể tìm thấy rất nhiều món ăn Huế (ảnh). Đi dọc đường Ánh Sáng, nơi có gần 40 hàng quán ăn uống, thực khách có thể thưởng thức nhiều món từ cơm, bún, các loại bánh cho đến nhiều loại mắm… mang hương vị đặc trưng Huế. Trong đó, có thể nói, bún bò ở đường Ánh Sáng còn bảo lưu được nhiều đặc tính truyền thống của bún bò Huế, từ cung cách nấu nước lèo đến cách chế biến sợi bún.
Chủ quán bún O Hòa - một trong những quán có mặt sớm nhất ở ấp Ánh Sáng - cho biết: “Quán tui tới nay là đời thứ hai nhưng hương vị tô bún vẫn y như trước. Bún bò Huế ngon hay dở tùy vào cách nêm gia vị, đặc biệt là liều lượng sả, ruốc và chất lượng nước hầm”. Sự tổng hợp nhiều yếu tố từ mùi thơm của sả hòa quyện ruốc Huế lẫn với sợi bún trong và dai… đã làm nên hương vị độc đáo của bún bò đường Ánh Sáng.
Chiều về, khi trời Đà Lạt bắt đầu lạnh, hương vị Huế của các loại bánh dân dã như bánh bèo thanh tao, bánh ít dẻo thơm và bánh nậm mềm mại… sẽ làm du khách ấm lòng. Lạ hơn, tại thành phố cao nguyên này, ta vẫn tìm thấy được các loại mắm đặc trưng của vùng đất Thừa Thiên như: tôm chua vùng Cầu Hai-Nước Ngọt, ruốc Bà Mãn nổi tiếng cố đô, mắm Rò vùng đầm phá Tam Giang… O Diệu - vào Đà Lạt từ những năm 60 – chủ một cửa hàng mắm Huế cho biết: “Mấy loại mắm ni đều được đem từ Huế vô vì Đà Lạt không có các loại cá tôm vùng đầm phá nước lợ”.
Một vài quán bán món Huế nữa như các loại nem, tré, bánh in, bánh Tày…, tuy nằm rải rác nhưng nếu tinh ý du khách vẫn có thể tìm thấy ở khu Ánh Sáng. Trong tương lai, ấp Ánh Sáng sẽ được giải tỏa để Đà Lạt đẹp hơn nhưng hương vị Huế chắc chắn không mất đi mà hòa mình vào những hương vị ẩm thực các vùng miền trên phố núi để Đà Lạt luôn là điểm đến lý tưởng trong hành trình của du khách.
ĐĂNG HỰU