Hương vị táo xanh

Hương vị táo xanh

Những thằng bạn của tôi mỗi đứa đều có một cuốn sách “gối đầu giường”. Đứa mê tiểu thuyết tình cảm, đứa mê sách học võ, đứa mê sách học nhạc… Còn tôi “gối đầu giường” cuốn sách Tự học nấu ăn. Không phải tôi muốn thực tập nấu ăn để dự thi chương trình truyền hình Master Chef - Vua đầu bếp. Từ khi má tôi mất, trong nhà còn lại chỉ có hai cha con. Nếu tôi không tự học nấu ăn bằng sách thì biết nhờ ai chỉ bảo? Không lẽ chuyện nấu ăn bình thường đó tôi cũng phải nhờ ba tôi, một giáo sư Đại học Kinh tế, giảng dạy?

Thú thật, tôi không phải là người có thú vui thích tự tay nấu các món ăn. Một buổi trưa, tôi đi học về trễ, bụng đói cồn cào, tôi chạy vội xuống bếp. Theo quy định ngầm trong gia đình tôi, ai về trễ cứ xuống bếp lấy cơm nguội chiên ăn. Nếu không còn cơm nguội thì nấu mì gói ăn cho qua bữa. Không ai kỳ kèo chuyện phải để phần cơm cho người về trễ. Cha con tôi thực hiện đúng câu châm ngôn “Ăn để sống chứ không phải sống để ăn”.

Trưa đó, tôi ngạc nhiên thấy ba tôi cởi trần nấu ăn ở bếp, lưng ông lấm tấm những giọt mồ hôi. Thường vào giờ này, ông đã lên lầu nằm ngủ trưa để có sức đi dạy buổi chiều. Ông đang làm một con cá lóc. Nghe tiếng chào của tôi, ông quay lại và vô ý để dao cứa vào ngón tay, máu chảy đỏ lòm trên mình con cá lóc đã đánh vẩy trắng ởn. Tôi vội chạy lên nhà trên, lấy bông gòn xuống băng vết thương cho ông. Tôi nói:

- Ba mua cá lóc làm gì, về làm mất công.

Ba tôi cười nói:

- Bỗng dưng ba thèm món canh chua cá lóc nên mua về nấu ăn.

Nghĩ cũng tội cho ba tôi. Từ ngày má tôi mất, mỗi khi thèm những món ăn khoái khẩu như mắm kho quẹt, cá bống kho tộ, lươn um rau ngổ…, ba tôi phải nuốt nước miếng nhịn thèm vì trong nhà không có ai biết nấu các món đó. Thỉnh thoảng cha con tôi cũng đi ăn cơm tiệm và gọi các món trên. Món nào tôi cũng khen ngon, trái lại ba tôi cứ lắc đầu thở dài. Mãi sau này tôi mới hiểu, thiếu bàn tay nấu nướng của má tôi, thiếu bữa cơm gia đình đoàn tụ đầy đủ, đối với ba tôi món ăn nào cũng không ngon.

Trưa đó, ba tôi đã đứng chỉ đạo cho tôi nấu món canh chua cá lóc. Khi hai cha con ngồi vào bàn ăn, tôi ngạc nhiên thấy ông thích thú ăn món canh chua “đầu tay” của tôi rồi gật gù khen ngon. Không biết ông muốn khuyến khích “tài năng nấu nướng” tiềm ẩn trong thằng con trai duy nhất của ông, hay vì đó là món canh chua đã khiến ông phải… đổ máu?

Từ đó, để làm vui lòng người cha tóc đã bạc, tôi đi tìm mua những cuốn sách dạy nấu ăn về thực tập. Tôm hảo nguyệt nguyên, Kim hoa bạch hạc, Satế lưỡng long…, tên mấy món ăn đó hay như những câu thơ chữ Hán, nhưng chẳng bao giờ tôi làm được. Lý do không phải tôi dốt chữ Hán mà vì tôi không có tiền để mua  đủ các vật liệu về tập nấu. Điều đó đã làm hạn chế “tài năng nấu nướng” của tôi. Nhưng bù lại nó đã thúc đẩy óc sáng tạo của tôi phát triển. Chỉ cần 1 ký rau muống và 100gr thịt bò, tôi có thể chế biến thành rau muống bảy món và món thịt bò bít-tết.

Bạn bè tới nhà chơi, thấy tôi làm bếp đã chế giễu tôi là bà nội trợ. Gọi riết thành tên. Gặp nhau ở trường, chúng vẫn thường nói: “Bà nội trợ, chiều nay không đi chợ mà đi uống cà phê nha”. Lúc đầu tôi cũng nổi sùng muốn đánh lộn với chúng. Nhưng khi nhớ lại hình ảnh ba tôi ngồi bên mâm cơm, mặt ông rạng rỡ tươi cười khi thưởng thức những món ăn do tôi nấu, cơn giận bạn bè bất chợt tan biến. Mặc cho chúng chế giễu. Tôi chưa báo hiếu được gì cho ba tôi, người đã chịu sống cảnh gà trống nuôi con, nên chỉ cần làm cho ông nở được nụ cười, tôi cũng cảm thấy hạnh phúc.

Chiều nay, từ sân tập bóng rổ về nhà, đi ngang chợ Ông Tạ thấy cá lóc đang bơi trong chậu bày bán ở ngay lề đường, tôi ghé mua một con, rồi nhờ đánh vẩy, làm ruột. Trong khi chờ lấy cá, tôi đi mua rau ngổ, bạc hà, cà chua… Tôi muốn nấu một tô canh chua cá lóc thật ngon để bồi dưỡng cho ba tôi sau mấy ngày ông chấm thi mệt nhọc.

Tôi đang lui cui nấu ăn ở dưới bếp chợt nghe có tiếng gõ cửa. Không phải ba tôi đã về vì ông có chìa khóa riêng để mở cửa. Chắc một thằng bạn của tôi đến chơi. Tôi rửa sơ đôi tay rồi chạy lên nhà, mở cửa. Tôi ngạc nhiên thấy Minh Châu, cô bạn gái học Đại học Mỹ thuật mà tôi mới quen mấy tháng nay. Châu mặc quần jean bạc trắng và áo thun màu vàng nghệ, tay nàng cầm một bịch nylon đựng đầy những trái táo xanh. Những trái táo chỉ to bằng ngón tay cái, chua giòn mà tôi thích ăn hơn táo Mỹ. Châu đưa bịch táo cho tôi và nói:

- Châu mới ở quê Mỹ Tho lên. Tặng anh những trái táo đầu mùa, mới hái ở vườn.

Tôi cầm bịch táo, nói cám ơn và mời Châu ngồi uống nước trà ở phòng khách.

- Châu ngồi chơi đợi chút nha. Tôi đang dở tay làm cá lóc.

Châu cười:

- Anh nói thiệt chớ?

- Thật mà.

- Vậy để Châu xuống bếp xem anh mần có giỏi không?

- Thôi khỏi. Châu nhìn khiến tôi mắc cỡ không chừng để dao cứa vào tay.

- Anh nấu món gì vậy?

- Canh chua cá lóc.

- Đó là món ruột của Châu mà. Anh dân Bắc nấu món đó sao ngon hơn con gái Nam bộ được. Vậy để
Châu nấu giúp anh.

Tôi buộc lòng phải dẫn Châu xuống bếp. Tôi tiếp tục làm cá trong khi Châu lặt rau và quan sát tôi. Một lúc sau Châu nói:

- Mai sau, cô nào làm vợ anh thiệt khỏe, khỏi phải lo chuyện làm bếp.

Tôi rửa sạch những lát cá lóc và trả lời:

- Còn khuya. Tôi chỉ nấu ăn cho ba tôi, chứ vợ tôi thì phải nấu ăn cho cả nhà.

- Anh ích kỷ ghê!

- Tôi đâu có ích kỷ. Đấy là công việc của cô ấy mà.

- Nhưng anh làm bếp được, tại sao anh không giúp đỡ vợ anh?

- Nếu phải làm bếp luôn thì tôi lấy vợ làm gì? Ở một mình cho khỏe.

Châu bật cười.

- Anh lại ích kỷ rồi.

- Ích kỷ chuyện gì?

- Ở một mình cho khỏe, không phải là ích kỷ à?

Nồi nước đã sôi, tôi bỏ những lát cá đã xào sơ qua vào nồi. Châu hỏi:

- Me chua anh để ở đâu?

Tôi nhìn quanh rồi nói:

- Chết rồi. Tôi đã quên mua me.

- Anh phóng xe đi mua ngay. Thiếu me làm sao nấu canh chua.

Chợ ở khá xa nhà tôi, vì ngại đi nên tôi nói:

- Khỏi phải đi đâu xa xôi. Cần phải sáng tạo và thử nghiệm.

Tôi lấy dao bằm nát những trái táo xanh Châu vừa tặng, rồi bỏ vào nồi canh cá lóc. Châu hét lên:

- Anh điên rồi!

Tôi cười nói:

- Những trái táo này cũng chua vậy. Biết đâu nấu canh chua với những trái táo xanh sẽ ngon hơn nấu với me.

Châu lẳng lặng đi lên nhà trên. Tôi hỏi:

- Châu đi mua me à? Chợ xa lắm.

- Không. Châu đi về.

- Trời tối rồi. Đợi chút nữa ba tôi về, chúng ta cùng ăn cơm.

- Châu không dám ăn món canh chua thử nghiệm của anh.

- Trong khi vẽ tranh, Châu có quyền sáng tạo và thử nghiệm. Tại sao lại cấm tôi quyền đó trong khi nấu ăn?

- Bộ chuyện gì anh cũng muốn thử nghiệm à?

- Đúng vậy.

- Trong tình yêu anh cũng muốn thử nghiệm?

- Đúng vậy.

- Châu không muốn làm một trái táo xanh cho anh thử nghiệm.

Nồi canh chua sôi, trào bọt xuống bếp gas kêu xèo xèo. Tôi quay lại tắt bếp gas, khi ngó lại thì Châu đã ra về. Ba tôi dạy, nên giữ người ở lại chứ không nên giữ người muốn ra đi. Vì vậy tôi không đuổi theo Minh Châu để giữ nàng ở lại.

Tôi múc một muỗng canh chua nếm thử. Hương vị táo xanh khiến canh có vị là lạ. Tôi nếm thử một lần nữa và cảm thấy hương vị táo xanh thật ngon. Tôi tiếc Minh Châu đã vội vã bỏ đi trước khi nếm thử hương vị đặc biệt này. Tôi mong khi ba tôi về, ăn món canh chua cá lóc này, ông cũng nhận ra hương vị đặc biệt của những trái táo xanh. Ba tôi sẽ thích hương vị đó, chứ không vội vã bỏ đi như Minh Châu.

ĐOÀN THẠCH BIỀN

Tin cùng chuyên mục