Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012

Hút thí sinh bằng học bổng “khủng”?

Tung hứng học bổng
Hút thí sinh bằng học bổng “khủng”?

Với kết quả điểm thi quá thấp cùng việc Bộ GD-ĐT thay đổi cách xét tuyển mới, nhiều trường ngoài công lập lẫn đại học địa phương đứng ngồi không yên vì lo không có thí sinh. Để gây sự chú ý của thí sinh đến với trường mình, hàng loạt trường ĐH đang chạy đua tung học bổng tiền tỷ dành cho những thí sinh có điểm cao đăng ký xét tuyển ở các nguyện vọng tiếp theo sau nguyện vọng 1. Liệu phong trào học bổng có thật sự trải thảm đỏ cho người tài hay chỉ đơn thuần là gây sự chú ý.

Nhiều mức học bổng “khủng” các trường đưa ra liệu những thí sinh xuất sắc có chạm tới được.

Nhiều mức học bổng “khủng” các trường đưa ra liệu những thí sinh xuất sắc có chạm tới được.

Tung hứng học bổng

Là trường ngoài công lập năm đầu tiên tổ chức thi tuyển sinh hệ ĐH, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã lập tức gây sốc khi thông báo dành trên 5 tỷ đồng học bổng cho tân sinh viên. Đối với hệ ĐH, các mức học bổng như sau, học bổng tài năng vượt khó hỗ trợ 100% học phí và 10 triệu đồng/năm với điều kiện điểm đầu vào đạt 22 điểm và thuộc diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn; học bổng tài năng sẽ hỗ trợ 100% học phí cho thí sinh trúng tuyển với mức 22 điểm; học bổng khuyến học áp dụng cho thí sinh xét tuyển sau nguyện vọng 1 năm thứ nhất nếu trên điểm sàn từ 3 - 7 điểm sẽ nhận được học bổng tương ứng từ 3 - 7 triệu đồng.

Trong khi đó, Trường ĐH Tân Tạo (Long An) với mức học phí 3.000USD/năm lại dành đến 500 suất học bổng toàn phần (năm thứ nhất) cho sinh viên trúng tuyển vào trường trong mùa tuyển sinh năm 2012. Học bổng bao gồm: học phí, chi phí ký túc xá, ăn uống và chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, điều kiện mà trường này đưa ra hơi tréo ngoe là thí sinh trúng tuyển phải có điểm thi trên điểm sàn 4 điểm.

Không chịu thua kém, Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM cũng gây sự chú ý cho thí sinh bằng học bổng tuyển sinh. Mỗi thí sinh chỉ có thể nhận duy nhất 1 học bổng trong số 4 loại học bổng sau: Học bổng toàn phần (bao gồm học phí Anh văn) trị giá khoảng 360 triệu đồng cho thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường có điểm thi ĐH năm 2012 từ 21 điểm trở lên; học bổng toàn phần (không bao gồm học phí Anh văn) trị giá khoảng 290 triệu đồng nếu thí sinh đăng ký nguyện vọng 2 có điểm thi ĐH thấp nhất là 21. Ngoài ra, trường còn dành nhiều mức học bổng một lần trị giá từ 30 - 50 triệu đồng cho các thí sinh đăng ký xét tuyển có điểm thi từ 18 - 20 điểm.

Sốc nhất về mức treo học bổng là Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn khi dành 100 suất học bổng “khủng” ĐH toàn phần (4 năm) trong đó 80 suất cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt, mỗi suất trị giá khoảng 168,3 - 193,5 triệu đồng và 20 suất dành cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, mỗi suất trị giá khoảng 437,5 - 479,6 triệu đồng. Bên cạnh đó, đơn vị này còn dành nhiều mức học bổng tương ứng từ 5% - 20% học phí.

Trong khi đó, ngay cả các trường ĐH công lập cũng chạy theo phong trào treo thưởng này. Phòng Đào tạo quốc tế Trường ĐH Bách khoa TPHCM (ĐH Quốc gia TPHCM) đưa ra nhiều mức học bổng khá hấp dẫn cho các chương trình liên kết quốc tế. Cụ thể, tài trợ 33.600.000 đồng/học kỳ cho thí sinh có điểm thi đầu vào cao nhất, nhì khóa của trường; tặng 50% học phí (khoảng 16,8 triệu đồng/học kỳ) cho thí sinh có điểm thi ĐH năm 2012 đạt từ 27 thuộc ĐH Bách khoa và 28 điểm trở lên thuộc các trường khác…  

Điều kiện quá khó

Nhìn kỹ vào những điều kiện trao học bổng của các trường thì những suất học bổng này chủ yếu để quảng cáo, thu hút sự quan tâm của thí sinh hơn là muốn trao cho thí sinh giỏi.

Thủ khoa năm nay của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thi khối D1 vào ngành tài chính ngân hàng đạt 20,5 điểm. Như vậy, nếu tính theo điều kiện mà trường đưa ra thì ngay cả thủ khoa của trường cũng không thể chạm đến học bổng của trường. Đó là chưa nói đến điều kiện phải có hoàn cảnh khó khăn.

Một điều khá lạ nữa ở cách treo thưởng học bổng của Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM đó là treo thưởng theo quy trình ngược. Để đạt được học bổng toàn phần trị giá khoảng 360 triệu đồng của trường đưa ra, thí sinh vừa phải có điểm thi ĐH từ 21 điểm trở lên và mỗi năm học đạt điểm trung bình các môn học từ 7,0 điểm trở lên. Với cách treo thưởng này, thí sinh dù đạt 21 điểm cũng phải đợi hết năm học đầu tiên đạt 7,0 điểm thì mới nhận được học bổng.

Trong khi đó, mức học bổng sốc nhất là Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn khi mỗi suất đến gần 500 triệu đồng. Thế nhưng, trường lại đưa ra 2 điều kiện không thể đó là phải đạt điểm thi 26 điểm (chưa tính điểm ưu tiên) và có kết quả học tập 3 năm liền từ lớp 10, 11 và 12 đạt từ 9,5 trở lên, đồng thời có chứng chỉ TOEFL 61 iBT của ETS - Hoa Kỳ không quá 2 năm. Thực tế cho thấy, năm nay ngay cả thủ khoa nhiều trường ĐH tốp giữa cũng chưa đạt đến mức điểm 26 và lại cực kỳ bất hợp lý khi yêu cầu 3 năm ở THPT phải có điểm trung bình 9,5 điểm trở lên.

Với điều kiện phải đạt TOEFL tối thiểu 520 điểm, học lực trung bình từ năm lớp 10, 11 và 12 đạt 7,0 điểm trở lên, không có môn dưới 5 và đồng thời phải vượt qua kỳ thi phỏng vấn do nhà trường tổ chức thì ngay cả thủ khoa thi khối B, D1 đạt 23,5 điểm của Trường ĐH Tân Tạo cũng không thể nhận được học bổng này. Trao đổi về cách đưa ra điều kiện học bổng này, đại diện nhà trường cho rằng: “Sau năm đầu tiên tuyển sinh, trường mới nhận ra rằng học sinh phổ thông quá yếu về ngoại ngữ. Gần một năm học tiếng Anh với các giáo viên nước ngoài, rất ít sinh viên thi đạt yêu cầu về trình độ tiếng Anh. Do đó, trường sẽ xem xét lại điều kiện tiếng Anh đối với thí sinh”.

Một nhà giáo ưu tú từng nhận được nhiều học bổng của các trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ, Pháp cho rằng: “Học bổng là một nguồn trợ giúp về kinh phí dành cho những người có kết quả thi, học tập xuất sắc để họ có động lực phấn đấu học tập và nâng cao trình bộ bản thân, thậm chí giúp họ trở thành nhân tài thật sự. Tuy nhiên, cái cách mà các trường treo thưởng hiện nay dường như đi ngược lại với ý nghĩa thật sự của học bổng.

Thanh Hùng

Tin cùng chuyên mục