Huy động doanh nghiệp tham gia tiêu thụ hải sản an toàn

° Hà Tĩnh: Dán nhãn xác nhận hải sản khai thác vùng an toàn

° Hà Tĩnh: Dán nhãn xác nhận hải sản khai thác vùng an toàn

(SGGP).- Xung quanh vấn đề hỗ trợ ngư dân tiêu thụ cá an toàn tại các tỉnh bị ảnh hưởng bởi cá chết hàng loạt, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 4 của Bộ Công thương chiều 6-5, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Bộ Công thương đã lập các đoàn công tác, lập đường dây nóng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiêu thụ hải sản đánh bắt xa bờ an toàn. Bộ Công thương cũng đã mời các doanh nghiệp, thương lái tham gia hỗ trợ. Cùng với đó, đoàn liên ngành đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát để không có việc kinh doanh cá chết bất thường; hỗ trợ việc xác định vùng biển, lô hàng hải sản an toàn để doanh nghiệp thu mua. Kết quả là từ ngày 29-4 đến 5-5, hải sản an toàn đã được tiêu thụ tại nhiều địa phương như Hà Tĩnh tiêu thụ được 170 tấn hải sản và giá gần phục hồi trở lại so với trước khi xảy ra sự cố cá chết.

Bộ Công thương cũng đã có văn bản hỏa tốc gửi các sở công thương, hiệp hội, doanh nghiệp, đặc biệt các tỉnh có sự cố cá chết tiếp tục thiết lập đường dây nóng, hỗ trợ đánh bắt, thu mua, tạm trữ, mở rộng tiêu thụ... nhằm tăng hơn nữa niềm tin thị trường, tiêu thụ hết cá an toàn cho ngư dân.

Xung quanh vấn đề Công ty TNHH Xuân Thiện đưa ra đề xuất xây dựng tuyến đường thủy xuyên Á từ biên giới Trung Quốc, kéo dài 288km về phía hạ lưu, ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Năng lượng cho biết, đây là dự án giao thông đường thủy, có cần hay không, quy mô ra sao... thuộc trách nhiệm Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vì dự án liên quan đến hạ tầng chứ không phải thủy điện. Hiện dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu nhưng quan điểm của Bộ Công thương là nếu dự án được đầu tư, có đập tạo cột nước và có thể phát điện thì có thể xem xét, ủng hộ, nhất là tận dụng tài nguyên nước, giá điện hợp lý.

° Ngày 6-5, Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh đã cấp cho Chi cục Thủy sản tỉnh hơn 10.000 nhãn mác để chứng nhận hải sản khai thác tại vùng biển an toàn.

Theo đó, nhãn được dán hoặc cặp vào sản phẩm có trọng lượng từ 0,5kg trở lên và lô hàng cùng loại sản phẩm đã được đóng gói từ tàu đánh bắt xa bờ vùng biển xa ngoài 20 hải lý. Tổ chức, cá nhân nào tự ý gỡ bỏ, đánh tráo nhãn từ hải sản đánh bắt vùng biển an toàn sang hải sản không rõ nguồn gốc sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định.

HÀ MY - DƯƠNG QUANG

>> Đường dây nóng hỗ trợ tiêu thụ thủy, hải sản cho ngư dân

Tin cùng chuyên mục