Huy động vốn từ đâu?

Vấn đề nóng hiện nay là nên hay không nên phát hành trái phiếu Chính phủ để bù đắp ngân sách thiếu hụt và kích hoạt đầu tư công. Nhiều chuyên gia cho rằng trước khi quyết định phát hành trái phiếu Chính phủ, đừng quên rằng vẫn còn rất nhiều nguồn lực khác có thể khơi thông tạo vốn đầu tư; đồng thời nên phân bổ nguồn lực xã hội một cách hiệu quả nhất. Đó mới là phương cách căn cơ, bền vững để bù đắp thâm hụt ngân sách.

Là một trong những người ủng hộ quan điểm phát hành thêm trái phiếu Chính phủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song TS Trần Du Lịch cũng rất trăn trở: “Hiện nay nhà nước còn rất nhiều nguồn lực, phải rà lại toàn bộ vốn nhà nước đang nằm ở hàng trăm doanh nghiệp, ở những ngành công nghiệp nhẹ không cần thiết, ngành khách sạn, nhà hàng... Tại sao chúng ta để hàng trăm ngàn tỷ đồng nằm ở đây, trong khi không có tiền làm quốc lộ và nhiều nhu cầu khác? Hàng năm chủ đầu tư - nhà nước - không thu về một đồng xu cổ tức nào cho ngân sách. Đây là một sự lãng phí nguồn lực. Thoái vốn ở những doanh nghiệp như thế này không ảnh hưởng gì đến vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước cả”.

Kiến nghị giải pháp “không cần phát hành trái phiếu mà vẫn có tiền”, GS-TS Trần Ngọc Thơ góp ý cách làm cụ thể: Những khoản đã hứa như gói cứu trợ 30.000 tỷ đồng cho bất động sản hoặc đã chi rồi còn nợ dưới dạng nợ xây dựng cơ bản cần thanh toán thì trang trải bằng cách thu hồi về khoản tiền mà Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang gửi ngân hàng. Nếu vẫn thiếu, tiếp tục thu hồi cổ tức lên đến cả chục ngàn tỷ đồng từ phần vốn của nhà nước ở các doanh nghiệp nhà nước. “Chỉ riêng hai khoản này là đủ giải quyết nguồn tiền thiếu hụt của Chính phủ năm nay, thậm chí còn dư”, ông Trần Ngọc Thơ quả quyết.

Các chuyên gia cũng không quên nhắc đến “một ngăn khác của chiếc túi ngân sách nhà nước” đôi khi bị lãng quên. Đó là rà soát lại tiến trình cổ phần hóa. Việc này nhà nước vẫn đang làm, nhưng chưa quyết liệt. Giới đầu tư cho rằng đã bán thì phải “chọn món có giá trị mới có tính thanh khoản cao, thu về tiền nhiều”, đơn cử như Vinamilk, chứ bán những doanh nghiệp như Vinashin thì chỉ được giá... sắt vụn, hoặc thậm chí không người mua nào ngó ngàng tới. Mặt khác, khi đã xác định nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối, thì nên bán dứt khoát, thoái vốn dứt khoát nếu không thì không những không giải quyết được vấn đề thu hồi vốn nhà nước, mà ngược lại tiếp tục chôn vốn tại các doanh nghiệp. Để chống suy giảm kinh tế, hiện nay các nước đều tạo cơ chế khuyến khích thành phần tư nhân tham gia đầu tư kinh doanh, chứ không phải chỉ đẩy mạnh đầu tư công hoặc tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước mở rộng hoạt động.

Ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới cũng chia sẻ quan điểm về những giải pháp mà ông gọi là “khuyến khích khu vực tư nhân mở hầu bao”. Ông nói: “Trong tương lai gần thì đầu tư công vào những lĩnh vực cơ sở hạ tầng khó thay thế ngay được, nhưng rất cần thiết kế khung pháp lý để thay thế dần nguồn đầu tư công thông qua các hình thức đầu tư mới: BOT, PPP... Kinh nghiệm Nhật Bản cho thấy có tới 90% vốn đầu tư vào các lĩnh vực này là vốn ngoài nhà nước”.

Cuối cùng, những nỗ lực cải cách thể chế cũng có thể tạo ra nguồn tiền rất đáng kể. Theo ước tính sơ bộ của một số chuyên gia kinh tế, với mức chi tiêu lên đến 21% GDP và chiếm tới 72,1% tổng chi ngân sách nhà nước, nếu Chính phủ có thể cắt giảm chi thường xuyên xuống còn khoảng 16% - 17% GDP như những năm 2006 trở về trước, thì hàng năm Chính phủ sẽ có được từ 100.000 - 150.000 tỷ đồng để đầu tư công. Không những thế, đây còn là cách tốt nhất để tạo ra hiệu ứng kích thích đầu tư tư nhân; tạo ra sức mạnh cộng hưởng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục