Trương Bảo Cao

Huyền thoại và hiện thực

Huyền thoại và hiện thực
Huyền thoại và hiện thực ảnh 1

Choi Soo-jong (Thôi Tú Chung, sinh năm 1962) trong vai Trương Bảo Cao.

Từ ngày 26-2, HTV7 trình chiếu bộ phim Hải Thần (Haesin, tựa tiếng Anh: Emperor of the Sea, 64 tập, đạo diễn Gang Byeok Taek) do Hãng KBS (Hàn Quốc) sản xuất năm 2005.

Bộ phim nói về một nhân vật lịch sử là Trương Bảo Cao (Jangpogo / Changpogo) xuất thân từ thành phần thấp kém trong nước Silla (Tân La) thống nhất (676-935) thuộc thời đại Tam Quốc của bán đảo Triều Tiên, vươn lên thành một phú thương kiêm chỉ huy quân sự trên vùng biển Đông giữa Silla, Trung Quốc (đời Đường) và Nhật Bản.

  • Nhiều lần lên phim

Trương Bảo Cao được vua Heungdeok (Hưng Đức Vương, cai trị 826-836) tin cậy, phong làm đại sứ trấn Cheong-Hae (Thanh Hải) của đảo Wando (Hoán Đảo), toàn quyền lập một vạn quân để diệt hải tặc. Trương Bảo Cao đấu tranh quyết liệt với phu nhân Jami, một mỹ nhân đầy quyền lực và tham vọng, cấu kết với giai cấp quý tộc và quan lại để khuynh loát nền kinh tế và chính trị của Silla, giành độc quyền mua bán đường biển.

Trương Bảo Cao còn có mối quan hệ bạn và thù với nhân vật Yeomjang, con nuôi của một thủ lĩnh hải tặc. Là bạn vì ngày trước Yeomjang đã dạy võ nghệ cho Trương; là thù vì cả hai cùng yêu tiểu thư Jeong-hwa. Mối quan hệ này lằng nhằng như một nghiệp chướng.

Phim Hải Thần (Haesin) tốn 15 tỷ won này có các diễn viên chính: Choi Soo-jong  (Thôi Tú Chung, sinh năm 1962) trong vai Jangpogo (Trương Bảo Cao), đạt Giải thưởng Nam diễn viên xuất sắc (the Best Actor Award) qua bộ phim này; Chae Si Ra  (Thái Thời Na, sinh năm 1968) trong vai phu nhân Jami; Soo-ae  (Tú Ái, sinh năm 1980) trong vai Jeong-hwa; Song Il Gook  (Tống Nhất Quốc, sinh năm 1971, đạt Giải thưởng Nam diễn viên xuất sắc năm 2002) trong vai Yeomjang.

Đây không phải là lần đầu tiên nhân vật Trương Bảo Cao được đưa lên phim. Năm 1965, Nam Triều Tiên từng sản xuất bộ phim nhan đề Jang Bogo (Trương Bảo Cao) – nhan đề tiếng Anh: Admiral Jang (Tướng hải quân Trương Bảo Cao) – của đạo diễn Ahn Hyeon-cheol, với các diễn viên chính: Shin Yeong-gyun và Lee Min-ja.

Cốt chuyện chi tiết của bộ phim Hải Thần thì suốt một tháng qua phần lớn khán giả đã rõ khi theo dõi mỗi chiều trên kênh HTV7. Đây là một bộ phim hay, nhiều tình tiết ly kỳ gay cấn, diễn viên diễn tả tâm lý rất hay, kỹ xảo võ thuật không kém phim Trung Quốc, cảnh phim hoành tráng và màu sắc tươi đẹp.

  • Thân thế Trương Bảo Cao

Không rõ ông sinh đích xác năm nào. Trong tác phẩm Phàn Xuyên Tập của nhà thơ Đỗ Mục đời Đường có chép rằng nhà Đường phong cho Trương Bảo Cao chức Tiểu Tướng của Vũ Ninh quân (Vũ Ninh nay là Từ Châu, tỉnh Giang Tô) lúc ông 30 tuổi. Có lẽ ông sinh khoảng năm 790.

Theo Tam Quốc Sử Ký của Triều Tiên – tam quốc là: Koguryo (Cao Cú Ly), Paekche (Bách Tế), Silla (Tân La) – khi vua Munseong (Văn Thánh Vương, cai trị 839-857) của Silla muốn lấy con gái của Trương Bảo Cao làm vợ thì các quan lại trong triều đình phản đối với lý do Trương Bảo Cao xuất thân là giai cấp tiện nhân.

Để hiểu chỗ này, chúng ta cần biết rằng xã hội Silla là xã hội phân chia giai cấp, thể hiện rõ nhất qua hệ thống kolp’um (cốt phẩm). Đây là hệ thống giành đặc quyền (từ địa vị chính trị cao cho đến mọi phương diện sinh hoạt thường ngày) căn cứ vào cấp độ tôn quý tức là huyết thống (cốt phẩm) của mỗi cá nhân. Các cốt phẩm khác nhau mang lại các đặc quyền xã hội và chính trị khác nhau cho các cá nhân. Khía cạnh quan trọng nhất của cốt phẩm là sự ấn định quan chức và chức vụ hành chánh.

  • Hoạt động của Trương Bảo Cao tại Trung Quốc đời Đường

Nguyên quán Trương Bảo Cao là trấn Cheong-Hae (Thanh Hải) thuộc đảo Wando (Hoán Đảo) nằm ở phía Tây Nam của bán đảo Triều Tiên. Khi lớn lên, ông cùng với người bạn là Jeongyeon (Trịnh Niên) đi sang Trung Quốc, khoảng năm 810. Nhờ tài võ nghệ, ông được phong làm tiểu tướng của Vũ Ninh quân, giúp triều đình dẹp phản loạn.

Khi nắm quyền quân sự ở Vũ Ninh, Trương Bảo Cao có nhiệm vụ dẹp tan cuộc phản loạn của Bình Lô quân do tiết độ sứ Lý Sư Đạo cầm đầu mong cướp ngôi nhà Đường, đời vua Hiến Tông (tức Lý Thuần, cai trị 805-820). Bấy giờ Sơn Đông có hàng ngàn người Silla sinh sống, buôn bán và làm nô lệ. Trương Bảo Cao thống lĩnh quân lính gốc Silla và quân lính Trung Quốc dẹp tan loạn Lý Sư Đạo năm 819 tại căn cứ của chúng là phiên trấn Bình Lô ở Sơn Đông.

Sau khi dẹp xong loạn Lý Sư Đạo năm 819, triều đình nhà Đường (năm 821) giảm bớt lực lượng quân sự để giảm bớt gánh nặng quân lương. Theo đó, Vũ Ninh quân cũng bị giải thể, và Trương Bảo Cao cũng giải ngũ. Sau đó ông thống nhất người Silla sống dọc theo bờ biển Sơn Đông và vùng Đại Vận Hà (kênh lớn).

Đồng thời ông xây dựng một ngôi chùa tên là Pháp Hoa Viện trên núi Xích Sơn (tỉnh Sơn Đông) để cầu xin chư Phật bảo hộ sự nghiệp buôn bán trên biển của ông được thịnh đạt. Ông chịu hết mọi phí tổn về y phục, lương thực, v.v... cho sư tăng tại đây.

Nỗ lực của Trương Bảo Cao bấy giờ nhằm tạo ra sức mạnh kinh tế dựa trên hoạt động thương mại và ảnh hưởng của Phật giáo. Từ kinh nghiệm quân sự, ông thiết lập một trật tự trên biển Đông Á và tạo ra con đường thương mại trên biển giữa Silla (Tân La), Trung Quốc (đời Đường), và Nhật Bản.

  • Trương Bảo Cao lập căn cứ ở trấn Cheong-Hae (Thanh Hải)

Từng chứng kiến người Silla bị hải tặc bắt làm nô lệ và bán sang Trung Quốc, Trương Bảo Cao rất phẫn nộ nên quyết định trở về Silla để đánh dẹp các tàu buôn nô lệ.

Theo Tam Quốc Sử Ký, Trương Bảo Cao hồi hương tháng 4 năm 828, nhằm năm thứ 3 đời vua Heungdeok (Hưng Đức Vương, cai trị 826-836) của Silla. Vua tin cậy ông, phong làm đại sứ trấn Cheong-Hae (Thanh Hải) của đảo Wando (Hoán Đảo), toàn quyền lập một vạn quân để diệt hải tặc.

Trấn Cheong-Hae (Thanh Hải) được độc lập về kinh tế, quân sự, và hành chính; và nó trở thành trung tâm của một mạng lưới buôn bán quốc tế. Với thế lực này, Trương Bảo Cao bảo đảm sự an toàn của đảo Wando (Hoán Đảo), biến nó thành nơi trung gian cho các giao dịch thương mại trên biển Đông Á bấy giờ.

  • Trương Bảo Cao can dự việc tranh đoạt ngai vàng tại Silla

Năm 836, vua Heungdeok (Hưng Đức Vương) của Silla băng hà nhưng trước đó vua không chỉ định người kế vị. Việc này bùng nổ sự tranh chấp của hai phe đảng. Một phe do Kim Woo-jing và Kim Yang cầm đầu, ủng hộ đại quan Kim Gyun-jeong. Phe kia do Kim Myeong và Kim Yee-hong cầm đầu, ủng hộ Kim Jae-ryoong vốn là cháu trai của vua Heungdeok. Kim Gyun-jeong bị giết chết và Kim Jae-ryoong lên ngai vàng thành vua Heegang (Hi Khang Vương, 836-838).

Thất bại, tháng 5 năm 837 Kim Woo-jing cùng gia quyến đào tẩu đến trấn Cheong-Hae (Thanh Hải). Năm 838, Kim Yang cũng trốn đến trấn Cheong-Hae, cùng với Kim Woo-jing nương dựa Trương Bảo Cao. Kim Woo-jing hứa hẹn Trương Bảo Cao rằng nếu sau này ông ta lên làm vua thì sẽ cưới con gái của Trương Bảo Cao.

Kim Myeong – kẻ ủng hộ Kim Jae-ryoong lên ngai vàng – sau đó giết vua, cướp ngôi, trở thành vị vua thứ 44 của Silla, tên là vua Minae (Mẫn Ai Vương, 838-839).

Kim Woo-jing giết vua Minae, lên ngôi, tên là vua Sinmoo (Thần Vũ Vương, 839). Trả ơn Trương Bảo Cao che chở, vua phong cho Trương làm tướng của Cấm Vệ Quân và quyền thu thuế 2.000 hộ dân (gọi là Sikup: thực ấp). Tuy nhiên, vua Sinmoo bị bệnh và đột tử sau khi lên ngôi mới có 6 tháng, do đó chưa kịp lấy con gái của Trương Bảo Cao làm vợ. Con vua Sinmoo kế vị cha, thành vua Munseong (Văn Thánh Vương, cai trị 839-857). Để thực hiện lời hứa của cha, vua Munseong quyết định lấy con gái của Trương Bảo Cao làm vợ. Tuy nhiên, các quan lại trong triều cực lực phản đối việc này với lý do Trương Bảo Cao xuất thân là giai cấp tiện nhân. Sợ Trương Bảo Cao trả thù làm loạn, bọn quý tộc trong triều phái Yeomjang (Diêm Trường) đi ám sát Trương Bảo Cao.

  • Trương Bảo Cao bị ám sát

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vụ ám sát Trương Bảo Cao. Chủ yếu là giới quý tộc muốn gạt bỏ thế lực và ảnh hưởng của Trương Bảo Cao; ngoài ra các thương đoàn nhỏ bị mất quyền lợi ở bờ biển Tây Nam, nhất là mất đi các lợi nhuận từ vụ buôn nô lệ.

Các sử gia Triều Tiên và Nhật Bản vẫn chưa xác quyết năm Trương Bảo Cao bị ám sát. Có thuyết cho là năm 846, phần đông cho là tháng 11 năm 841. Các cận tướng của Trương Bảo Cao không chống cự nổi kẻ ám sát là Yeomjang (Diêm Trường), bèn bỏ trốn sang Trung Quốc và Nhật Bản. Dân chúng đảo Wando từng chịu sự bảo bọc của Trương Bảo Cao cũng nổi dậy chống lại Yeomjang nhưng vô vọng.

Triều đình Silla triệt hạ trấn Cheong-Hae (Thanh Hải) vào tháng 2 năm 851, nhằm năm thứ 13 đời vua Munsoong, và cưỡng chế dân chúng đảo Wando (Hoán Đảo) đến Byeokgolgun (nay là Kimje, tỉnh Jeonbook). Từ đó trấn Cheong-Hae (Thanh Hải) mất hẳn chức năng là hải cảng buôn bán quốc tế.

  • Các đánh giá của lịch sử về Trương Bảo Cao

Đánh giá đầu tiên về Trương Bảo Cao là nhà thơ Đỗ Mục (803-852) của Trung Quốc trong tác phẩm Phàn Xuyên Tập. Tác phẩm này Đỗ Mục viết lúc Trương Bảo Cao đang sống, nên nó được xem là gần với sự thực nhất. Đỗ Mục so sánh Trương Bảo Cao với nhân vật Quách Phần Dương, một phụ tá tài ba của An Lộc Sơn. Ông khen ngợi Trương Bảo Cao thông minh, tài trí và là một bậc kiệt xuất của phương Đông. Điều này cho thấy Trương Bảo Cao là người Silla nổi tiếng và được trọng vọng tại Trung Quốc đời Đường.

Tân Đường Thư khen Trương Bảo Cao là bậc lỗi lạc, giống như quan đại phu Kỳ Hề của đời Tấn và Quách Phần Dương đời Đường.

Kim Boo-sik (Kim Phú Thức) viết trong Tam Quốc Sử Ký rằng nếu không nhờ sử sách của Trung Quốc ghi chép thì người ta sẽ không biết được sự lỗi lạc của tướng Ất Chi Văn Đức (Ulji Moon-deok) và Trương Bảo Cao.

Giáo sư Edwin O. Reichauer của Đại học Harvard University, từng làm Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, đã gọi Trương Bảo Cao là “ông vua kinh doanh của vương quốc thương mại đường biển” (The Trade Prince of the Maritime Commercial Empire).

Gần đây giới trí thức của Hàn Quốc cho rằng hầu hết các quốc gia hùng cường trong lịch sử thế giới đều là các nước mạnh về hàng hải và khống chế được đại dương. Trương Bảo Cao được đánh giá lại là người tiền phong đã nhìn thấy tầm quan trọng của thương mại bằng đường biển.

Giáo sư Kim Sang-gi (Kim Tường Cơ) của Hàn Quốc ca ngợi Trương Bảo Cao là người tạo lập vương quốc biển và chứng thực câu nói danh tiếng: “Ai khống chế được biển thì sẽ khống chế được thế giới.”

LÊ ANH MINH

Tin cùng chuyên mục