Theo hãng tin Reuters, quyết định từ chức và kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử sớm của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras gây bất ngờ đối với người dân trong nước và cả các chủ nợ quốc tế.
Bước đi có chủ định
Truyền thông Hy Lạp cho rằng, thời điểm tiến hành cuộc bầu cử trước thời hạn có thể diễn ra vào ngày 20-9 tới. Việc thành lập một chính phủ lâm thời cũng đã được xác định. Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos đã chỉ định thủ lĩnh đảng đối lập Dân chủ Mới Vangelis Meimarakis đứng ra thành lập chính phủ sau khi Thủ tướng Alexis Tsipras tuyên bố từ chức.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tuyên bố từ chức trên Đài Truyền hình quốc gia Hy Lạp.
Theo giới phân tích, việc Thủ tướng Tsipras từ chức và kêu gọi bầu cử sớm được coi là bước đi có chủ định của ông này giữa lúc nhiều nghị sĩ thuộc đảng Syriza cầm quyền phản đối gói cứu trợ quốc tế mới dành cho Hy Lạp. Cuộc bầu cử có thể cho phép ông Tsipras trở lại ghế Thủ tướng ở một vị thế mạnh hơn mà không vấp phải sự phản đối của các thành viên đảng Syriza chống lại thỏa thuận mà ông đã ký với chủ nợ. Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ của cử tri Hy Lạp dành cho đảng Syriza của ông Tsipras là 33,6%. Với tỷ lệ này, Syriza đang là đảng chính trị nhận được sự ủng hộ lớn nhất ở Hy Lạp.
Theo các nhà phân tích, quyết định từ chức của ông Tsipras làm gia tăng bất ổn chính trị ở Hy Lạp vào đúng ngày mà nước này bắt đầu nhận vốn giải ngân từ gói cứu trợ trị giá 86 tỷ EUR (96 tỷ USD). Với số tiền giải ngân này, Hy Lạp trả được khoản nợ đáo hạn ngày 20-8 cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Trong ngày 21-8, 25 nghị sĩ của đảng cánh tả Syriza cầm quyền ở Hy Lạp đã tách ra để thành lập một đảng mới. Đảng mới có tên gọi là “Đoàn kết nhân dân” do cựu Bộ trưởng Năng lượng Panagiotis Lafazanis lãnh đạo. Ông Lafazanis là người trước đó đã bị Thủ tướng Tsipras đưa ra khỏi chính phủ do chống lại thỏa thuận cải cách đổi lấy gói cứu trợ quốc tế. Với 25 nghị sĩ, đảng “Đoàn kết nhân dân” sẽ trở thành lực lượng lớn thứ 3 trong Quốc hội Hy Lạp gồm 300 thành viên.
Phản ứng trái chiều
Sau công bố của ông Tsipras, các lãnh đạo Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) kêu gọi Hy Lạp tuân thủ các cam kết đã đưa ra khi ký kết thỏa thuận cứu trợ. Chủ tịch Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Eurozone (Eurogroup), Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem, cảnh báo Hy Lạp cần phải tuân thủ các điều khoản có trong thỏa thuận cứu trợ bất chấp cuộc tổng tuyển cử sớm, đồng thời kêu gọi Quốc hội Hy Lạp ủng hộ chương trình cứu trợ và các biện pháp cải cách.
Cơ quan đánh giá tín nhiệm Moody’s cho rằng việc làm này của ông Tsipras làm dấy lên những lo ngại trong quá trình giải ngân cũng như tăng mức độ rủi ro đối với những khoản giải ngân trong tương lai. Trong khi đó, Martin Selmayr, Trưởng Văn phòng Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, khá lạc quan khi cho rằng việc tổ chức bầu cử trước thời hạn có thể giúp gia tăng sự ủng hộ dành cho chương trình cứu trợ Hy Lạp. Theo chuyên gia Marcel Fratzscher, người đứng đầu Viện Nghiên cứu kinh tế DIW đồng thời cũng là cố vấn của Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel, hành động của ông Tsipras được coi là một tin tốt đối với nền kinh tế quốc gia này cũng như châu Âu bởi nó sẽ giúp nâng cao triển vọng thực hiện thành công gói cứu trợ và mang lại tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên ông Fratzscher cũng cảnh báo những nguy cơ ngắn hạn khi Hy Lạp thiếu một chính phủ chính thức trong khoảng thời gian chờ tổng tuyển cử.
THANH HẰNG (tổng hợp)