Một lần nữa, Nhà máy Hyundai Vinashin (HVS) lại gây sốc và thách thức dư luận với việc tiếp tục đổ nix thải ra môi trường, trong khi cả “núi” nix thải khổng lồ vẫn chưa xử lý xong. Rõ ràng HVS vi phạm môi trường có hệ thống nhưng các đơn vị bảo vệ môi trường tại địa phương lại dùng dằng trong xử lý.
Liên tiếp tái phạm
Chỉ mới hoạt động hơn chục năm nay, HVS đã trở thành một điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Không ít lần, HVS bị các cơ quan chức năng xử phạt hành chính. Nhưng đến nay khi vấn đề ô nhiễm chưa được khắc phục triệt để, HVS lại liên tiếp tái phạm.
Năm 1999, Bộ Khoa học Công nghệ – Môi trường đã có quyết định cho HVS sử dụng hạt nix, với điều kiện phải có biện pháp xử lý khí thải, dùng phương pháp đốt mảnh vụn sơn từ việc làm sạch vỏ tàu bằng lò chuyên dụng. Thế nhưng, từ năm 1999 đến giữa năm 2007, HVS nhập khoảng 809.000 tấn hạt nix, đã sử dụng gần 800.000 tấn. Số hạt nix này do không có biện pháp xử lý theo yêu cầu trước đây của bộ nên đành ủ thành đống tại thôn Mỹ Á (xã Ninh Thủy, huyện Ninh Hòa). Cũng liên quan đến nix, năm 2003, Chính phủ đã có quyết định 64 yêu cầu trong giai đoạn từ năm 2003-2006, HVS phải hoàn tất xử lý tình trạng ô nhiễm hạt nix. Trong đó, cụ thể xử lý ô nhiễm bụi và nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động. Sau khi có chỉ đạo này, HVS ký kết hợp đồng xử lý chất thải với một số công ty. Nhưng đến đầu 2008, lượng nix mà các đơn vị ký kết hợp đồng xử lý mới chỉ được 16.000 tấn, bằng 2% tổng số thải ra.
Không dừng lại đó, năm 2008, Phòng PC36 Công an tỉnh Khánh Hòa đã bắt quả tang HVS đổ trộm chất thải có chứa chất độc nguy hại. Liên quan đến những hành vi vi phạm môi trường trên, tính đến nay, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có Quyết định 21 về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với HVS, tổng số tiền phạt là 85 triệu đồng.
Tưởng chừng số hạt nix khổng lồ trên sẽ nhanh chóng được xử lý khi cuối năm 2008, lễ động thổ nhà máy xử lý nix thải của Công ty CP Luyện kim và khoáng sản Hà Nội tiến hành. Nhưng mãi đến cuối năm 2009, dự án này mới bắt đầu khởi công. Theo báo cáo của HVS, Công ty CP Luyện kim và khoáng sản Hà Nội và tỉnh Khánh Hòa, đến năm 2011 nhà máy mới hoạt động và sẽ hoàn thành xử lý gần 1 triệu tấn nix thải trong vòng 3 năm. Thế nhưng, cuối quý 1-2011, nhà máy mới chỉ thực hiện các công đoạn san ủi mặt bằng. Hiện chủ đầu tư đang “bí” vốn triển khai dự án, việc thỏa thuận vay vốn ngân hàng xem như rất khó.
Bóc tem niêm phong 21.000 tấn nix?
Qua những thông tin nói trên, có thể nói hành vi vi phạm môi trường của HVS trong hơn chục năm nay đã quá rõ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là các cơ quan quản lý môi trường tại Khánh Hòa chưa hoàn thành nhiệm vụ. Điều đó thể hiện qua việc giám sát, “bật đèn xanh” cho HVS được nhập nix, phun nix, đổ chất thải nix... quá nhiều lần, thay vì các ràng buộc, chế tài mạnh.
Trao đổi với báo chí trước thông tin HVS lại đổ nix thải vào ngày 7-3, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng cho biết, trong đợt đến làm việc với HVS vào đầu năm 2011, HVS có đặt vấn đề xin chuyển toàn bộ số hạt nix ra bãi chứa để thuận tiện cho hoạt động của nhà máy. Thấy HVS tuyên bố chuyển hẳn sang đóng mới, chấm dứt hoàn toàn hoạt động sửa chữa và quan trọng nhất là HVS không còn gây ô nhiễm môi trường từ việc phun nix, UBND tỉnh đồng ý với đề xuất của HVS và Sở TN-MT về việc cho phép chở nix ra khỏi khuôn viên nhà máy để đổ tại bãi thải ở thôn Mỹ Á. Ông Thắng nhấn mạnh, việc HVS đã gây ô nhiễm trước đây thì HVS phải chịu trách nhiệm chính. Nay HVS quyết tâm chuyển sang đóng mới hoàn toàn, đó là cố gắng đáng ghi nhận, đáng khuyến khích. Trong khi đó, bãi tập kết nix nguyên liệu và nix qua sử dụng chiếm diện tích khá lớn. Trước sau số nix này phải được đưa ra ngoài, nay cho HVS giải phóng sớm cũng là điều hợp lý. Tỉnh cũng yêu cầu HVS phải gia cố vững chắc khu tập kết nix thải và khẩn trương hoàn thành khu xử lý nước chảy ra từ nix thải để hạn chế ô nhiễm trong khi chờ nhà máy xử lý nix thải đi vào hoạt động.
Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Tuấn Dũng, Phó Giám đốc HVS, cho biết trong thời gian qua, tỉnh và Sở TN-MT đã đồng ý cho HVS sử dụng một phần nix cho việc sửa chữa tàu (không rõ số lượng là bao nhiêu – PV) trong số 21.000 tấn đã nhập về. Tuy nhiên, chiều ngày 9-3, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Lê Mộng Điệp, Giám đốc Sở TN-MT Khánh Hòa, cho biết chưa bao giờ cho phép HVS phun nix, sử dụng số nix 21.000 tấn nhập về hồi tháng 12-2009. Hiện kho nix vẫn được niêm phong an toàn. Sở cũng cử cán bộ chi cục bảo vệ môi trường trông coi thường xuyên. Như vậy, vấn đề đặt ra là liệu kho nix 21.000 tấn đang niêm phong và cấm sử dụng theo chỉ đạo của Bộ TN-MT liệu đã bị “bóc” tem?
Trong lúc hàng ngàn người dân trong khu vực lân cận đã và đang bị ô nhiễm do HVS gây ra Khu kinh tế Vân Phong - điểm nhấn để phát triển kinh tế cho tỉnh khánh Hòa và cả khu vực đang cố gắng kêu gọi nhiều dự án du lịch đầu tư, cả núi nix thải như quả bom nổ chậm, vẫn đang tàn phá môi trường và chưa được xử lý rốt ráo.
Văn Ngọc
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP vào ngày 9-3, ông Lê Kế Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường), người dẫn đầu đoàn thanh tra của bộ về vụ việc này tại HVS năm 2010 cho biết, ông chưa nhận được bất cứ thông tin nào về việc Nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin (HVS) đem hạt nix ra khỏi nhà máy, đổ vào bãi thải. Ông Lê Kế Sơn hứa sẽ chỉ đạo thanh tra tổng cục kiểm tra ngay thông tin và sẽ có ý kiến chính thức với báo chí trong ngày hôm nay 10-3. A.Thư
Hơn 1 triệu tấn nix thải chưa qua xử lý đang đổ ra môi trường chất thành núi tại tỉnh Khánh Hòa. Lượng bụi phát sinh từ những núi nix thải này đã và đang giết dần giết mòn hàng ngàn người dân trong khu vực. Thế nhưng, không hiểu sao cho đến nay các cơ quan chức năng vẫn không thể giải quyết triệt để vấn đề này. Trở lại lịch sử của những núi nix này mới thấy sự tráo trở của Công ty Hyundai Vinashin (HVS) và sự bất lực của cơ quan chức năng. Tráo trở của HVS được bắt đầu từ việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Theo đó, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, đơn vị này đã cam kết đề ra biện pháp xử lý nix thải. Nhưng từ năm 2005, tức sau khi đánh giá tác động môi trường được cơ quan chức năng phê duyệt cho đến năm 2009, gần 1 triệu tấn nix thải vẫn không được xử lý và đổ tràn ra môi trường. Đến khi dư luận bức xúc, Bộ Tài nguyên - Môi trường vào cuộc, HVS mới cho biết đang đầu tư dự án xử lý hạt nix thải. Tuy nhiên, đây chỉ là màn kịch của HVS nhằm đánh lừa dư luận. Vì nhà máy xử lý nix thải được khởi công từ năm 2009 đến nay vẫn còn là bãi đất trống. Còn cơ quan chức năng bất lực như thế nào? Vào thời điểm năm 2009, trước sự bức xúc của hơn 2.000 người dân xã Ninh Yển (tỉnh Khánh Hòa), Bộ Tài nguyên - Môi trường đã phối hợp cùng UBND tỉnh Khánh Hòa xử phạt, đồng thời buộc công ty này phải đề ra những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để xử lý triệt để hạt nix thải, tránh tổn hại đến sức khỏe của người dân. Theo đó, giải pháp cấp thiết là công ty phải làm kè ngăn, đồng thời phủ bạt núi nix thải để bụi nix không phát tán trong không khí. Về lâu dài, công ty phải đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nix thải để xử lý triệt để toàn bộ lượng nix thải đang tồn đọng. Đến khi nào HVS chưa xử lý hết lượng nix thải ngoài môi trường cũng sẽ không được hoạt động. Nhưng công ty chỉ thực hiện giải pháp trước mắt còn giải pháp lâu dài thì khởi công để làm “kiểng”. Tuy nhiên, không hiểu sao, khoảng 2 tháng sau, dù chưa xử lý một hạt nix thải nào, công ty này lại được UBND tỉnh Khánh Hòa “tiếp sức” để tiếp tục hoạt động. Hàng ngàn tấn nix thải lại được đổ thêm ra môi trường, đe dọa môi trường sống của người dân. Phải chăng cơ quan chức năng đang bất lực trước hành vi vi phạm của HVS? Các nhà khoa học rất nhiều lần cảnh báo, người dân nếu tiếp xúc nhiều với loại chất thải này có nguy cơ mắc các bệnh như viêm họng, phổi, phế quản, xoang; nặng có thể dẫn đến các bệnh ung thư… Trên thực tế, đã và đang có quá nhiều người dân mắc các chứng bệnh trên nhưng có lẽ chưa đủ nặng để được cơ quan chức năng quan tâm? Mặt khác, theo các chuyên gia môi trường, để xử lý hết lượng nix thải đang tồn đọng, HVS cần hơn 1.000 tỷ đồng. Vậy với sự bất lực của các cơ quan chức năng và sự tráo trở của HVS, liệu HVS có đầu tư 1.000 tỷ đồng để xử lý chất thải nguy hại do chính mình thải ra? Ái Vân |