Theo ông Daryll Dong, quyền Giám đốc quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào, đầu tư của IFC, khoản đầu tư này là một phần trong nỗ lực phục hồi chăn nuôi sau dịch tả heo châu Phi tại Việt Nam; đồng thời tăng cường khả năng chống đỡ cho ngành chăn nuôi heo tại Việt Nam bằng việc đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn sinh học và tăng cường năng lực sản xuất thịt heo sạch.
Theo ông David John Whitehead, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mavin, bằng khoản đầu tư của IFC, tập đoàn này sẽ phát triển 3 trang trại chăn nuôi heo gồm: trang trại quy mô 62ha tại huyện K’Bang (Gia Lai), trang trại quy mô 100ha tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và trang trại quy mô 45ha tại huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp).
Với sự hỗ trợ của IFC, đến năm 2025, dự kiến quy mô đàn heo giống của tập đoàn này sẽ tăng lên 7.500 heo cụ kị (GGP) và ông bà (GP), đạt tổng số là 15.600 con; quy mô đàn heo bố mẹ (PS) tăng lên 72.000 con, đạt tổng 87.400 con.
Với số lượng đàn heo giống tăng vọt này sẽ giúp quy mô trang trại chăn nuôi heo thịt thương phẩm tăng lên 3 lần, đạt khoảng 150 trang trại, tăng năng lực cung cấp của Mavin cho thị trường lên khoảng 900.000 heo thịt mỗi năm.
Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành chăn nuôi ở Việt Nam đang tăng trưởng mạnh, thời gian qua đã thu hút được nhiều doanh nghiệp trong nước và FDI đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao (trong đó có chăn nuôi).
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng nếu nông nghiệp Việt Nam thu hút được cả hệ sinh thái từ các doanh nghiệp FDI đến trang trại, hợp tác xã và bà con nông dân cùng tham gia đầu tư cho ngành chăn nuôi thì không chỉ đủ thực phẩm đáp ứng cho 98 triệu người dân mà còn hướng tới xuất khẩu, mang lại công ăn việc làm cho người lao động, hiện thực hóa chiến lược chăn nuôi, đảm bảo sự bền vững cho nền kinh tế.