Indonesia ám ảnh động đất, sóng thần

Indonesia ám ảnh động đất, sóng thần

“Gió thổi theo nhiều hướng khác lạ, những đợt sóng bất thường xuất hiện, mây thay đổi màu..., đó là những dấu hiệu báo trước của những thảm họa dưới mặt đất và trong lòng biển”. Hiện nay, người dân Indonesia gần như thuộc lòng những cảnh báo trên sau khi hàng loạt vụ động đất liên tiếp xảy ra.

Indonesia ám ảnh động đất, sóng thần ảnh 1

Thị trấn Gunung Sitoli sau động đất, vệ tinh bắt sóng được lắp đặt tại nhiều nơi.

"Không trang bị hệ thống cảnh báo sớm về sóng thần và động đất ở khu vực Ấn Độ Dương là thiếu sót nghiêm trọng khiến hàng trăm ngàn người chết cuối năm 2004”, Phó chủ tịch Indonesia – ông Jusuf Kalla nói sau khi Aceh và đảo Nias bị thiệt hại nghiêm trọng bởi sóng thần và động đất.

Lúc chúng tôi đến Jakarta, đã hơn 4 tháng sau khi Aceh bị tàn phá bởi sóng thần và là tuần thứ 2 kể từ khi đảo Nias bị động đất nhưng đi đến đâu cũng nghe người dân nói về thiên tai. Các cơ quan, công sở đều dán những mẫu tin cập nhật từ báo Jakarta Post hoặc các tờ báo địa phương về tình hình ở đảo Nias.

Đảo Nias nằm cách 125km về phía Tây quần đảo Sumatra băng ngang Ấn Độ Dương, thuộc một phần của tỉnh Sumatra. Ông Binahati Bahea, Trưởng thị trấn Gunung Sitoli cho biết, khi xảy ra động đất, địa phương hoàn toàn bị động, không di tản kịp thời các hộ dân ra khỏi thị trấn nên con số thương vong tăng lên rất nhiều.

Tại cuộc họp với UN (Liên hợp quốc) mới đây, các quốc gia nằm trong khu vực Ấn Độ Dương đã đi đến thỏa thuận: Trong thời gian chờ đợi thiết lập một hệ thống cảnh báo về sóng thần hoàn chỉnh, những quốc gia này sẽ sử dụng hệ thống bắt sóng từ Đài Khí tượng học ở Nhật và Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Thái Bình Dương ở Hawaii.  Vài ngày sau cuộc họp, những thông tin dự báo về dư chấn  được thu thập từ hai trung tâm trên đã được chuyển đến sáu quốc gia đã thiết lập hệ thống nhận thông tin. Trung tâm Chiến lược quốc tế về việc giảm thảm họa của UN tin rằng những quốc gia khác sẽ sớm lắp đặt vệ tinh để bắt thông tin về cảnh báo sóng thần, động đất.

Người dân ở đảo Nias đã bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của việc thiếu thông tin dự báo về dư chấn, do đó hiện nay hầu như tại khu vực trung tâm Gunung, cứ mỗi 1km đều có lắp một vệ tinh bắt sóng. Người người, nhà nhà đều để ý lắng nghe những dự báo về động đất.

Sau động đất, hệ thống đường sá, nước và điện ở Gunung gần như hư hỏng hết, đặc biệt nước sạch thiếu trầm trọng. Dịch bệnh và tiêu chảy đã bắt đầu xuất hiện, do đó, làm sao vận chuyển nước sạch đến cho người dân ở Gunung đang trở thành vấn đề bức thiết.
 
Mặc dù các tổ chức cứu trợ trên toàn thế giới đã đến với người dân ở đảo Nias và Chính phủ Indonesia cũng đã có kế hoạch khôi phục lại thị trấn Gunung nhưng những cảnh báo về các đợt động đất kế tiếp có thể sẽ xảy ra ở quần đảo Sumatra khiến người dân Nias lo sợ. Chính phủ và cả người dân Indonesia đang cảnh giác cao độ trước những bất ổn dưới lòng đất khi liên tiếp sau sóng thần, động đất lại đến núi lửa phun.

Giờ đây, người dân ở thủ đô Jakarta đang lo lắng, liệu trận động đất cấp 6, khoảng 6,5 độ richter từng ảnh hưởng đến Jakarta cách đây 25 năm sẽ lại xuất hiện?

MINH THẢO (Indonesia)

Tin cùng chuyên mục