Indonesia đang trên đà trở thành nền kinh tế có quy mô 1.000 tỷ USD đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo Bloomberg, trên một số phương diện, nền kinh tế lớn nhất khu vực này vẫn đang gặp nhiều thử thách. Indonesia hiện có khoảng 28 triệu dân sống dưới ngưỡng nghèo. Số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ nghèo ở Indonesia tính đến tháng 3 năm nay là 10,6%, chỉ giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, theo World Bank, hơn 60 triệu người Indonesia đang đứng trước nguy cơ tái nghèo. Tiền lương tháng trung bình ở Indonesia đã tăng 24% trong vòng 1 năm, tính đến tháng 2 năm nay. Tuy nhiên, những người thuộc nhóm thu nhập cao hơn vẫn có thu nhập tăng nhanh hơn những nhóm thu nhập thấp.
Mặt khác, theo báo cáo của nhóm chuyên gia FT Confidential Research (FTCR) của Anh, tỷ lệ thất nghiệp cao trong khi mức lương tăng chậm đang đe dọa triển vọng của giới trẻ ở 5 quốc gia ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Lo ngại nhất là về việc làm và thu nhập trong bối cảnh nhiều tân cử nhân bị thất nghiệp. Ngoài ra, tự động hóa sẽ cướp đi nhiều việc làm từ tay giới trẻ Đông Nam Á.
Theo Cơ quan thống kê trung ương Indonesia (BPS), số người thất nghiệp ở Indonesia đã tăng từ 7,03 triệu người từ tháng 8-2016 lên đến 7,04 triệu người trong tháng 8-2017.
Ông Suhariyanto, người đứng đầu BPS cho biết sự gia tăng của số người thất nghiệp cũng có phần của số người tìm việc mới. Trong vòng 1 năm mà số người thất nghiệp tăng thêm 10.000 người. Số người tìm kiếm việc làm mới được ghi nhận là 3 triệu người trong năm ngoái, trong đó có tới 11,41% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, chiếm tỷ lệ phần trăm lớn nhất trong số lao động.
Đứng trước thực trạng này, báo Jakarta Post cho biết, Chính phủ Indonesia đang nghiên cứu thành lập Quỹ của người lao động, được xem như là một quỹ đệm tài chính tạm thời cho những ai đang bị mất việc và trang trải chi phí cho các khóa đào tạo nhằm trang bị cho những người thất nghiệp hay lao động nghèo những kỹ năng để kiếm việc mới.
Bộ trưởng nguồn nhân lực Hanif Dhakiri cho biết quỹ này sẽ ưu tiên cho những người bị sa thải và những người đang làm việc nhưng không thể đáp ứng gia đình. Những người thất nghiệp sẽ được đào tạo kỹ năng và các thành viên trong gia đình của họ cũng được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo ông Hanif Dhakiri, đôi khi việc đào tạo mất một thời gian dài và đó là lý do tại sao những thành viên trong gia đình cũng cần có sự hỗ trợ tài chính.
Theo kế hoạch, chương trình sẽ tài trợ cho người thất nghiệp và gia đình họ trong vòng 1 năm. 6 tháng trong khi lao động chính đang được đào tạo và 6 tháng trong khi họ đang trong quá trình tìm kiếm việc làm. Bộ Tài chính Indonesia sẽ cân nhắc nguồn tài trợ cho quỹ này từ ngân sách nhà nước hay thông qua chương trình bảo hiểm xã hội để có quyết định cuối cùng vào tháng sau.
Tiến sĩ Percaya, Tổng Vụ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương và châu Phi, Bộ Ngoại giao Indonesia, cho biết, năm nay là năm Indonesia đang tập trung thúc đẩy chương trình nghị sự về các vấn đề phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo, trong đó nỗ lực tạo hàng triệu việc làm và đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo.