Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng cận Đông (ISIL) tuyên bố thành lập một “Khalifah”, tức Nhà nước Hồi giáo, tại lãnh thổ đã chiếm được của Syria và Iraq, trải dài từ thành phố Aleppo ở miền Bắc Syria tới tỉnh Diyala ở miền Đông Iraq. Thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi, 43 tuổi, của tổ chức này được phong là Khalib - chức danh cao nhất đối với tín đồ Hồi giáo trên thế giới và được xem là vua chung của tất cả các nước có quốc giáo là đạo Hồi.
Nhà nước Hồi giáo mới sản sinh từ đâu?
Theo các chuyên gia, tổ chức thánh chiến cuồng tín này được sản sinh từ al-Qaeda và chiến dịch quân sự Anh-Mỹ năm 2003, lật đổ cựu Tổng thống Iraq Saddam Husein. Sau khi Mỹ rút quân, chính quyền Tổng thống Maliki với quyền lực giao cho cộng đồng Shiite, kỳ thị người Sunni và nạn tham nhũng đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho tổ chức Nhà nước Iraq phát triển lực lượng.
Khi phong trào đòi dân chủ tại Syria biến thành nội chiến thì Nhà nước Iraq đưa chiến binh sang Syria, đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo Iraq và Trung Đông, công khai hóa mục tiêu chiến lược thành lập một quốc gia Hồi giáo của người Sunni, bao trùm phần lớn Iraq và Syria.
Theo nhiều nguồn tin, thân thế của Abu Bakr al-Baghdadi đầy bí ẩn. Y sinh ra ở phía Đông Iraq, được mệnh danh là “Al-Shabah” - tức là bóng ma. Người ta chỉ biết đến y qua một tấm ảnh được FBI đăng và treo giá 10 triệu USD và một tấm ảnh khác được Bộ Thông tin Iraq đăng.
Hiện vẫn chưa rõ việc ISIL tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tình hình ở Syria và Iraq. Nhưng các nhà phân tích cho rằng nó sẽ có sức ảnh hưởng toàn cầu như mạng lưới khủng bố al-Qaeda và ảnh hưởng lớn đến các nhóm cực đoạn vốn muốn thành lập các nhà nước Hồi giáo để cai trị.
Phương Tây báo động
ISIL tuyên bố ly khai với al-Qaeda hồi đầu năm 2014, đã chiếm được nhiều khu vực ở phía Tây và Bắc Iraq, đang lăm le tiến đến thủ đô Baghdad. Trong gần 1 tháng kể từ khi bùng phát các cuộc giao tranh, đã có ít nhất 900 dân thường thiệt mạng và gần 700 người bị thương tại các vùng chiến sự ác liệt là các tỉnh Nineveh, Salahudin và Diyala, trong khi số người thiệt mạng trên cả nước Iraq vào khoảng 1.300 người.
Trước tình hình chiến sự leo thang tại Iraq, ngày 29-6, Đại sứ Ấn Độ tại các nước vùng Vịnh gồm Qatar, Oman, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) đã thảo luận chiến lược sơ tán an toàn khoảng 20.000 công dân Ấn Độ đang cư trú tại Iraq và hiện còn khoảng 100 người bị kẹt tại vùng xung đột. Hãng hàng không quốc gia Ấn Độ đã cho 3 máy bay sẵn sàng làm nhiệm vụ sơ tán công dân khỏi Iraq khi được yêu cầu. Trong khi đó, hải quân Ấn Độ triển khai tàu chiến INS Mysore và tàu INS Tarkash tới vùng Vịnh sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã cảnh báo rằng những người châu Âu “hiếu chiến” tham gia phong trào thánh chiến ở Syria và Iraq đang đe dọa Mỹ vì hộ chiếu của những đối tượng này giúp họ có thể nhập cảnh Mỹ mà không cần thị thực. Điều này có nghĩa là họ có khả năng sẽ tránh được khâu khám xét. Tổ chức khủng bố này có khoảng 7.000 quân tại Syria và 6.000 tại Iraq, trong đó có nhiều chiến binh Hồi giáo người Đức, Anh, Pháp và các nước châu Âu khác. Ngoài 800 người Pháp đã tham gia cuộc nội chiến ở Syria, còn có 400 người Anh và Bỉ là 200.
HẠNH CHI (tổng hợp)
- Lực lượng thánh chiến ở Syria, Iraq tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo