Hiện nay, trung bình mỗi ngày Việt Nam phát sinh 12 triệu tấn rác thải sinh hoạt. Dự kiến đến năm 2020, lượng rác thải đô thị phát sinh là 20 triệu tấn/ngày.
Phần lớn lượng rác phát sinh chủ yếu tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng… Việc quản lý và xử lý chất thải rắn đô thị nước ta đang còn rất lạc hậu, chủ yếu là chôn lấp. Do đó, theo cảnh báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), đến năm 2020 nếu không thay đổi cách thức xử lý chất thải rắn đô thị hiện nay, Việt Nam sẽ không còn đủ diện tích đất đáp ứng cho hoạt động chôn lấp rác thải.
Trước thực tế đó, Chính phủ đã có quyết định về việc yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất có trách nhiệm thu hồi sản phẩm thải bỏ sau sử dụng. Theo đó, quy định các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải thiết lập các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ, tiếp nhận sản phẩm thải bỏ do doanh nghiệp đã bán sản phẩm đó ra thị trường Việt Nam; người tiêu dùng chuyển giao sản phẩm thải bỏ tại điểm thu hồi.
Riêng các cơ quan quản lý nhà nước về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ có trách nhiệm “tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng tham gia vào hoạt động thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thiết lập điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ tại các địa điểm phù hợp trên địa bàn và thực hiện quản lý sản phẩm thải bỏ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường”.
Sự ra đời của quyết định này là cơ sở để khuyến khích người dân và các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào công tác bảo vệ môi trường của thành phố, hỗ trợ cơ quan quản lý trong việc thu gom và xử lý chất thải rắn, tạo điều kiện cho hoạt động phân loại rác tại nguồn. Trước hết sẽ áp dụng vận động các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm như ắc quy và pin; thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp; hóa chất sử dụng trong công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản và thuốc sử dụng cho người; dầu nhớt, mỡ bôi trơn; săm, lốp; phương tiện giao thông. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp thì việc thực hiện thu hồi không phải dễ.
Lý giải thực tế này, nhiều doanh nghiệp cho rằng hiện tại họ chỉ có chức năng sản xuất và phân phối sản phẩm, chưa có chức năng thu gom sản phẩm thải bỏ sau sử dụng. Để có thể thu gom sản phẩm thải bỏ sau sử dụng, họ sẽ xây dựng kế hoạch thiết lập các điểm thu gom. Mặt khác, với những doanh nghiệp sản xuất sản phẩm mà sau khi thải bỏ được liệt vào loại chất thải nguy hại thì phải tuân thủ theo quy định thu gom chất thải nguy hại. Tức là những đơn vị muốn có chức năng này phải được kiểm tra có đủ điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất để được cấp phép thu gom chất thải nguy hại do Bộ TN-MT hoặc Sở TN-MT tại địa phương cấp. Không chỉ vậy, về phía Sở TN-MT TPHCM cho biết, sở đã phối hợp với các quận huyện thiết lập các điểm thu gom chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình. Thế nhưng, người dân chỉ tham gia vào mỗi đợt thực hiện tuyên truyền cao điểm, còn sau đó thì thường trộn lẫn chất thải sinh hoạt thải bỏ ra môi trường. Không chỉ vậy, hạ tầng tiếp nhận và xử lý chất thải thu hồi sau thải bỏ chưa đồng bộ. Riêng tại TPHCM chủ yếu do các cơ sở tư nhân có quy mô nhỏ, rất nhỏ tiếp nhận và xử lý nên không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.
Có thể nói, chất thải rắn đô thị phát sinh tăng nhanh chóng đã tạo áp lực rất lớn lên quản lý đô thị. Tình trạng thiếu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, hạn chế về nguồn nhân lực quản lý và vận hành, hạn chế trong ý thức của người dân và doanh nghiệp đối với việc bảo vệ môi trường, hoạt động tái chế còn phân tán… khiến cho công tác quản lý chất thải chưa thực sự hiệu quả như mong muốn. Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đồng thời kêu gọi xã hội hóa với sự tham gia của cộng đồng vào công tác quản lý chất thải rắn, chú trọng vào việc tiết giảm, phân loại, thu hồi để tái sử dụng, tái chế là rất cần thiết. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được mục tiêu giảm thiểu chất thải phát sinh, trước hết các địa phương cần hoàn thiện hạ tầng tiếp nhận xử lý theo hướng tăng cường tái chế đạt tiêu chuẩn môi trường. Kế đến, thực hiện nâng cao nhận thức, hình thành thói quen phân loại và thải bỏ đúng chất thải rắn cho người dân, góp phần tăng khả năng thu hồi các vật liệu có thể tái sinh, tái chế. Cuối cùng là cần thiết phải có biện pháp chế tài thích hợp với những trường hợp cố tình không thực hiện yêu cầu bảo vệ môi trường. Có như vậy mới mong giảm thiểu thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng nhanh như hiện nay.
Ái Vân