KCN Lê Minh Xuân gây ô nhiễm: Cần xử lý triệt để

Ngay sau khi kết thúc đợt làm việc của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM về vấn nạn ô nhiễm xung quanh Khu công nghiệp (KCN) Lê Minh Xuân, hôm sau 9-9, tại cuộc làm việc với các cơ quan chức năng, Phó Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Hữu Tín đã yêu cầu phải xử lý thật nghiêm các cơ sở sản xuất vi phạm quy định về môi trường, trước mắt các cơ quan chức năng phải kiểm tra ngay vấn đề môi trường xung quanh KCN Lê Minh Xuân.
KCN Lê Minh Xuân gây ô nhiễm: Cần xử lý triệt để

Ngay sau khi kết thúc đợt làm việc của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM về vấn nạn ô nhiễm xung quanh Khu công nghiệp (KCN) Lê Minh Xuân, hôm sau 9-9, tại cuộc làm việc với các cơ quan chức năng, Phó Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Hữu Tín đã yêu cầu phải xử lý thật nghiêm các cơ sở sản xuất vi phạm quy định về môi trường, trước mắt các cơ quan chức năng phải kiểm tra ngay vấn đề môi trường xung quanh KCN Lê Minh Xuân.

Điều này cho thấy TP dứt khoát “nói không” với ô nhiễm. Tăng trưởng kinh tế sẽ không còn nhiều ý nghĩa khi sức khỏe người dân bị bào mòn bởi môi trường độc hại. Đây chính là thực hiện việc đưa nghị quyết vào cuộc sống: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ IX về Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011 - 2015, được UBND TPHCM cụ thể bằng Quyết định số 27/2011/QĐ-UBND. Mặt khác, việc xử lý này cũng để hiện thực hóa chủ trương Đề án xây dựng nông thôn mới: xã Tân Nhựt trở thành xã nông thôn mới của TP - lại đang nằm trong vòng vây ô nhiễm bởi KCN Lê Minh Xuân!

Dòng nước đen tại một con kênh trong KCN Lê Minh Xuân. Ảnh: THANH TÂM

Dòng nước đen tại một con kênh trong KCN Lê Minh Xuân. Ảnh: THANH TÂM

Vậy việc xử lý bắt đầu từ đâu? Theo Ban quản lý KCN và Khu chế xuất TPHCM, quy định của pháp luật thời điểm năm 1997 là lấp đầy 75% KCN mới xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung! Đến nay KCN đã có nhà máy xử lý nước thải, nhưng lịch sử để lại nhiều di chứng vì quy định lạc hậu ban đầu. Vấn nạn thứ hai, chính là Khu tiểu thủ công nghiệp (TTCN) Lê Minh Xuân, tiếp giáp với KCN. KCN có diện tích 100ha đã thu hút 159 cơ sở sản xuất đang hoạt động; còn TTCN chỉ có 17ha nhưng số cơ sở hoạt động sản xuất lên tới 127 đơn vị.

Sự manh mún, nhỏ lẻ của các cơ sở trong TTCN gần như là căn nguyên gây ô nhiễm: cơ sở nhỏ đi liền với công nghệ lạc hậu, hoạt động “thô sơ” như đốt dây đồng để lấy lõi đồng, nấu nhôm đốt bằng củi… dẫn đến khói bụi bay mù mịt. Chủ cơ sở chấp nhận phạt vì gây ô nhiễm rồi tái phạm còn hơn là đầu tư công nghệ xử lý nước thải, khí thải. Ngoài ra, tại đây có hiện tượng lén xả thải - chưa rõ “tác giả” là từ KCN hay TTCN. Tóm lại, nếu nhận định nơi đây trở thành nơi “ô nhiễm số một” của TP hay “tụ điểm ô nhiễm” cũng không sai, nói nôm na như ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM, là: “Hồi trước mình không cho xả thải trong nội thành thì nay đem ra ngoại thành xả”!

Với lịch sử hình thành như vậy, việc xử lý vấn nạn ô nhiễm môi trường tại khu vực này phải thấu tình đạt lý. Cần phải đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết và khắc phục ngay hậu quả của “tầm nhìn” lạc hậu… TP cần “đẩy” xa các khu dân cư khỏi KCN, tạo vành đai xanh cho các KCN và sớm đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn, lỏng, các chất độc hại. Cần có giải pháp giúp đỡ các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ di dời từ nội thành trước đây để chủ cơ sở mua sắm công nghệ hiện đại sản xuất và xử lý ô nhiễm, hoặc sáp nhập những ngành nghề giống nhau nhằm tăng quy mô sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế và hoàn vốn.

Tiếp đó, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về pháp luật, cụ thể hóa việc xử lý ô nhiễm. Ví dụ rút giấy phép kinh doanh nếu cơ sở nào bị phạt đến lần thứ 3. Một vấn đề khác là nạo vét, khơi thông lại hệ thống kênh rạch trong khu vực, để tránh nước tù đọng - cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm, bệnh dịch. Cuối cùng là quy hoạch lại khu dân cư, xây dựng cụm nhà lưu trú cho công nhân, sử dụng nước sạch, có hệ thống xử nước thải…

Có như thế, sự tồn tại của KCN mới không là “của nợ”, góp phần xây dựng đô thị văn minh, hiện đại - mục tiêu thành phố chúng ta đang hướng tới!

LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục