Kế hoạch tuyên truyền ATGT trong thời gian tới - Phải thiết thực, hiệu quả

Giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, giảm bớt xe cá nhân và “kích cầu” sử dụng phương tiện công cộng đã được TPHCM xác định là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban An toàn giao thông (ATGT) TPHCM (ảnh), về những vấn đề liên quan.

- Phóng viên: Tháng đầu tiên của Quý II đã đến những ngày cuối cùng, công tác tuyên truyền ATGT sắp tới sẽ phải thế nào để đạt được chỉ tiêu đề ra cả năm, thưa ông?

- Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG: Trước hết cũng cần nhắc lại, chỉ tiêu đề ra cho năm 2011 là thành phố cần phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương, trong đó kéo giảm ít nhất 5% số người chết đồng thời kéo giảm ùn tắc giao thông kéo dài. Trọng tâm trước mắt của chúng tôi là đẩy mạnh các giải pháp vận động, tuyên truyền, giáo dục phổ biến sâu rộng và có hiệu quả đến mọi tầng lớp nhân dân thành phố, trọng tâm vẫn là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh sinh viên.

- Kỳ vọng là thế còn giải pháp cụ thể sẽ thế nào?

- Chúng tôi đã vạch ra nhiều hình thức thực hiện phong phú nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức tự giác chấp hành tốt pháp luật về trật tự ATGT, mà điểm nhấn là phong trào xây dựng “Văn hóa giao thông” và “Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ”. Bên cạnh đó không thể thiếu việc tăng cường các biện pháp tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự ATGT, nhất là các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT và ùn tắc giao thông.

- Có gì mới trong công tác vận động tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về trật tự ATGT trong thời gian tới?

- Trong năm nay, công tác tuyên truyền phổ biến và hướng dẫn thực hiện pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT sẽ tập trung vào các nội dung: nồng độ cồn đối với người điều khiển phương  tiện cơ giới đường bộ; tốc độ lưu thông của phương tiện cơ giới đường bộ; ATGT đò ngang và quy tắc giao thông đường thủy nội địa; ATGT tại các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt và tại các đường ngang; quy tắc giao thông đường bộ cho học sinh sinh viên; tuyên truyền xây dựng văn hóa giao thông cho người tham gia giao thông, người kinh doanh vận tải lẫn người thi hành nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT… Một số hoạt động mới sẽ được chúng tôi triển khai như thực hiện DVD tình huống trật tự ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa; điều tra xã hội học về hiệu quả tác động của việc áp dụng xử phạt thí điểm theo Mục 7, Chương II của Nghị định 34/2010/NĐ-CP. Nói tóm lại, tất cả mọi biện pháp, phương cách thực hiện đều phải nhắm tới mục đích thiết thực, hiệu quả.

- Thành phố có kế hoạch thế nào để phát triển vận tải hành khách công cộng bằng buýt?

- Đầu tiên sẽ tổ chức thí điểm đối với cán bộ, đảng viên, công chức - viên chức, công nhân, học sinh sinh viên… yêu cầu phải sử dụng xe buýt hoặc phương tiện không có động cơ để đi làm, ít nhất một ngày/tuần, bắt đầu từ đầu tháng 6 tới. Sau đó, từ đầu tháng 9 trở đi sẽ mở rộng cuộc vận động người dân đi xe buýt đến tất cả các tầng lớp nhân dân thành phố, vẫn theo công thức “ít nhất một ngày/tuần”

TRUNG KHANH

Tin cùng chuyên mục