

Một nhà hàng thịt rừng trương biển công khai trên phố Lê Văn Hưu, quận Hai Bà Trưng, HN.
Vườn thú Thủ Lệ (Hà Nội) đang rất tự hào về 4 hổ Đông Dương con được sinh ra ngay tại vườn thú này. Mặc dù bọn hổ được sinh ra từ ngày 30-12-2006, nhưng đến nay, khi chúng gần đầy 3 tháng, nặng hơn 7kg mỗi con, vườn thú mới dám khẳng định chắc chắn thành công của việc cho hổ sinh sản. Mẹ của chúng, hổ Mi, cũng đã được sinh ra tại vườn thú này và là con của hổ Lâm Nhi, vốn được cứu thoát từ tay lâm tặc cách đây 9 năm.
Ba anh chị em khác của hổ Mi hiện có 2 con đang được nuôi dưỡng tại Vườn thú Thủ Lệ và 1 con đã được chuyển cho Thảo Cầm viên Sài Gòn và 1 đã qua đời. Theo các cán bộ Vườn thú Thủ Lệ, việc cho hổ sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt là một kỳ công. Khi mang bầu, hổ Mi được áp dụng chế độ chăm sóc đặc biệt với khẩu phần ăn mỗi ngày là 5 kg thịt bò, 1,5 kg sườn, bổ sung thêm vitamin hoặc 1 con thỏ sống lột da.
Trước thời điểm hổ đẻ 10 ngày, các bác sĩ thú y của vườn phải trực chiến 24/24 giờ. Camera được lắp đặt để theo dõi tình hình mẹ con hổ Mi từng phút một… Tuy nhiên, việc tìm ra “đối tác” thích hợp để phối giống cho hổ nuôi nhốt là cả một vấn đề. Muốn phối giống được với hổ Đông Dương của các cơ sở khác thì ngoài việc phải được cơ sở đó đồng ý, cần phải có giấy phép vận chuyển đặc biệt của Chi cục Kiểm lâm các tỉnh đối với cơ sở nuôi hổ trong nước hoặc phải có giấy phép do Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cấp, nếu là hổ của cơ sở nuôi ở nước ngoài. Chính do khó khăn này mà bố của các hổ con lần này lại là một hổ đực cùng huyết thống với hổ Mi.
Trong khi biết bao công sức, tiền của đổ ra trong hàng năm trời mới cho kết quả là 4 cá thể động vật, thì đáng buồn thay, những số liệu ghi nhận được trên địa bàn cả nước cho thấy các loài động vật hoang dã vẫn đang bị tàn sát với tốc độ chóng mặt! Gần đây nhất, nhiều người dân phường Mường Thanh TP Điện Biên Phủ đã chứng kiến cơ quan chức năng kiểm tra ô tô mang biển số 29U-4489, thu giữ hơn 70kg động vật hoang dã trong đó có 12 con tê tê, 39 con rùa... Một kilôgam tê tê ở Điện Biên có giá trên dưới 700.000 đồng, về đến Hà Nội có thể lên đến 1,2 triệu, thậm chí 1,5 triệu đồng. Ngay tại Hà Nội, nhiều nhà hàng đặc sản cả nội thành lẫn ngoại thành vẫn buôn bán thịt rừng các loại. Cầy hương 1,5 triệu đồng/kg, nhím 700.000 đồng/kg, hoẵng xào 120.000 đồng/ đĩa… Đa số các nhà hàng thận trọng, chỉ phục vụ khách quen đặt trước, nhưng cũng có nhà hàng trương biển công khai mà không thấy cơ quan chức năng có ý kiến gì!
Nghịch lý trên chẳng phải là rất đáng suy nghĩ hay sao?
ANH THƯ