Kênh Đông và thách thức chia sẻ nguồn nước

Hầu hết nguồn nước TPHCM sử dụng đều từ các địa phương khác, trong đó chủ yếu từ hệ thống sông Sài Gòn, Đồng Nai và sông Vàm Cỏ. Vì vậy, việc phối hợp với các tỉnh trong việc cùng sử dụng nguồn nước sao cho hiệu quả là yếu tố hàng đầu trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu làm thời tiết trở nên cực đoan hơn.
Kênh Đông và thách thức chia sẻ nguồn nước

Hầu hết nguồn nước TPHCM sử dụng đều từ các địa phương khác, trong đó chủ yếu từ hệ thống sông Sài Gòn, Đồng Nai và sông Vàm Cỏ. Vì vậy, việc phối hợp với các tỉnh trong việc cùng sử dụng nguồn nước sao cho hiệu quả là yếu tố hàng đầu trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu làm thời tiết trở nên cực đoan hơn.

Ít bị khô hạn

Từ khi có hệ thống thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh và trước đó là hệ thống kênh Đông từ hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh), vùng đất khô cằn ngoại thành, nhất là huyện Củ Chi như được “tắm mát”, không chỉ số vụ sản xuất trong năm tăng lên mà năng suất cũng được cải thiện, nguồn nước ngầm khu vực có hệ thống kênh Đông thêm phần dồi dào. Năm nay nhiều khu vực bị khô hạn gay gắt như Tây Nguyên, các tỉnh ven biển Nam Trung bộ, hay vấn nạn xâm nhập mặn vào sâu đất liền ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng nặng nề đến việc sản xuất và nước sinh hoạt của người dân. Khu vực hưởng lợi từ hồ Dầu Tiếng như Tây Ninh, Long An, Bình Dương và TPHCM với diện tích mặt hồ 27.000ha, dung tích hồ gần 1,7 tỷ m³, lớn nhất khu vực Đông Nam Á, trừ biển Hồ (Tonlé Sap - Campuchia), nhờ tích nước mùa mưa 2014 đạt mực thiết kế 24,4m nên nguồn nước có thể nói dồi dào, cùng với việc phối hợp ngay từ đầu mùa khô giữa các địa phương và lãnh đạo hồ Dầu Tiếng nên tác động của khô hạn không đáng kể.

Vớt rong, cỏ trên kênh Đông.

Đơn vị quản lý, khai thác hệ thống thủy lợi TP là Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TPHCM cho biết đã đảm bảo nguồn nước tưới cho việc sản xuất trên 22.000ha vụ đông xuân, vụ sản xuất chính của bà con 2 huyện Củ Chi và Bình Chánh và gần 10.000ha vùng ven sông khi vào cao điểm mùa khô. Bên cạnh đó còn đảm bảo nguồn nước thô cấp cho Nhà máy nước Kênh Đông mỗi ngày khoảng 180.000m³ nước hòa vào hệ thống cấp nước chung của TP. Đến giữa tháng 4 đã cấp 15 triệu m³ nước thô hòa vào Nhà máy nước Tân Hiệp. Để làm được việc này là nhờ có cơ chế phối hợp tích cực từ lãnh đạo hồ Dầu Tiếng, các tỉnh, thành qua các cuộc họp giao ban định kỳ để thống nhất phương thức vận hành. Bên cạnh đó, việc duy tu sửa chữa công trình cũng được tiến hành thường xuyên. Theo ông Nguyễn Văn Đam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TPHCM, nếu không làm tốt chắc chắn sẽ không được như hiện nay.

Thách thức từ chia sẻ nguồn nước

Có thể nói, hồ Dầu Tiếng ngày càng đóng vai trò quan trọng, không chỉ đảm bảo vai trò trữ nước, cắt lũ mùa mưa, cung cấp nước tưới mùa khô, xả nước ngăn mặn vùng hạ vào cao điểm mùa khô mà còn cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho các khu công nghiệp, đặc biệt là TPHCM, thành phố có dân số đông nhất nước và nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên sẽ yên tâm hơn nếu như những phát sinh xảy ra trong thời gian tới có thể tác động ít nhiều đến TPHCM, địa phương ở cuối nguồn hưởng lợi của hồ Dầu Tiếng. Nhận thức vai trò này, từ lâu Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã lên kế hoạch xây dựng thêm hồ thủy lợi Phước Hòa (giữa Bình Phước và Bình Dương).

Hồ Phước Hòa có nhiệm vụ điều tiết nước cho hồ Dầu Tiếng với chiều dài kênh dẫn 40,5km, đồng thời cung cấp nước tưới cho hàng chục ngàn hécta thuộc tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, TPHCM và Long An. Từ năm 2012, hồ Phước Hòa bắt đầu đi vào hoạt động, tạo thành công trình liên hoàn thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa.

Về lý thuyết, nhờ thủy lợi Phước Hòa nên hồ Dầu Tiếng đủ nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt và tưới tiêu theo nhu cầu của cả khu vực. Tuy nhiên, do nhiều lý do, công trình Phước Hòa tuy đã đi vào hoạt động nhưng chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế nên việc cung cấp nước cho hồ Dầu Tiếng không như mong muốn.

Là người có nhiều kinh nghiệm trong quản lý nguồn nước ở ngoại thành, ngay từ đầu năm 2015, ông Nguyễn Trường Xuân, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TPHCM cảnh báo, nếu không có giải pháp trong việc quản lý nguồn nước giữa các địa phương, trong trường hợp hồ Dầu Tiếng tích nước không đủ thiết kế, TPHCM sẽ là địa phương dễ thiếu hụt nguồn nước vào mùa khô. Trước nay, kênh Đông xây dựng chủ yếu cấp nước cho TP, nay cũng với con kênh này sẽ có thêm huyện Đức Hòa (Long An) sử dụng nước như theo thiết kế khi xây dựng thủy lợi Phước Hòa.

Việc chia sẻ nguồn nước trong bối cảnh nguồn nước chuyển tiếp từ hồ Phước Hòa chưa như mong muốn, như vậy cũng với bấy nhiêu nguồn nước, nay phải chia bớt sẽ ảnh hưởng khu vực sử dụng, đặc biệt ở cuối nguồn. Đây thực sự là thách thức. Dự kiến việc đưa nước từ kênh Đông về huyện Đức Hòa ngay trong năm nay, khi đủ nguồn nước không có gì để nói, nhưng nếu nước đầu nguồn từ hồ Dầu Tiếng yếu, cuối nguồn sẽ không còn nước.

Theo ông Nguyễn Văn Đam, phải có nhiều giải pháp trong vận hành công trình, nhất là trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nước các địa phương đều tăng. Trước mắt, bàn với lãnh đạo hồ Dầu Tiếng để đảm bảo các nhu cầu phục vụ không thay đổi. Kênh Đông phải được duy tu, không để rong rêu, cỏ bám vào làm thu hẹp dòng kênh, không làm thất thoát nhằm giúp đảm bảo năng lực và khả năng tải nguồn nước ở mức tốt nhất. Cần vận hành khoa học và hợp lý. Bên cạnh đó phải sử dụng nước hết sức tiết kiệm. Ứng dụng khoa học công nghệ để giám sát và kiểm soát bằng hệ thống SCADA. Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, đủ cho từng loại cây trồng.

Về lâu dài, TP cần nâng cấp kênh Đông (Củ Chi) để đảm bảo năng lực tưới, trong đó có chính sách cho việc khuyến khích đầu tư mở rộng diện tích tưới tiết kiệm trong dân thành nhiều ngàn hécta thay vì chỉ sử dụng trong Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP và một số nơi khác, phù hợp với việc hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn ngoại thành.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục