Đường Hoàng Sa và Trường Sa sẽ đưa vào sử dụng toàn tuyến vào cuối tháng 8. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ trong xanh. Mong ước này sắp thành hiện thực, khi dự án vệ sinh môi trường trên lưu vực tuyến kênh này hoàn thành trong những ngày tới.
Con đường rợp bóng cây
Những ngày này, công trình dự án Vệ sinh môi trường TPHCM lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang hối hả những phần việc cuối cùng để đưa hai con đường Hoàng Sa và Trường Sa vào sử dụng. Chạy dọc theo hai trục đường ven kênh thấp thoáng cây xanh đang dần tỏa bóng phủ kín con đường, những khu hoa kiểng đâm chồi nảy lộc, mọi người có thể cảm nhận một sự đổi thay của con kênh trước đây đầy rác rưởi này. Chiều về, đâu đó từng nhóm người câu cá.
Bác Nguyễn Bá Trào, nhà trong khu chung cư Miếu Nổi, phấn khởi: Cuộc đời bác từ khi sinh ra đã gắn liền với lịch sử con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè này. Cách đây khoảng 50 năm, lúc ấy tui mới ngoài 25 tuổi, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nước trong xanh lắm, chiều nào tui cũng ra câu cá. Tuy nhiên, do nhu cầu nhà ở phát triển nên hàng chục ngàn hộ dân, chủ yếu dân nghèo ở các nơi đổ về đây lấn chiếm, cất nhà tạm ven kênh để làm nơi cư ngụ. Lần hồi theo thời gian, nước thải sinh hoạt hàng ngày của các hộ đổ trực tiếp ra kênh biến dòng nước màu xanh năm xưa trở nên đen ngòm, hôi thối.
Để có được hai con đường tuyệt đẹp như ngày nay, từ năm 1993 - 1998, TPHCM cho chỉnh trang dòng kênh bằng dự án giải tỏa hàng ngàn căn nhà lụp xụp ven kênh và làm hai tuyến đường song song dọc kênh. Đến năm 2003, dự án “Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè” bằng vốn vay 317 triệu USD của Ngân hàng Thế giới với các hạng mục chính: Nạo vét bùn dưới dòng kênh; lắp đặt tuyến cống bao chạy dọc ven kênh đến trạm bơm xử lý nước thải; lắp đặt khoảng 70km cống thoát nước trên nhiều tuyến đường đã hoàn thành. TP tiếp tục cải tạo, mở rộng, chỉnh trang hai tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa với mục tiêu biến hai con đường này trở thành tuyến đường đẹp của TP.
Ông Ngô Bá An, Phó Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, Sở GTVT - chủ đầu tư dự án cho biết các công việc của dự án này bao gồm cải tạo và mở rộng 2 bên đường dọc kênh, lắp đặt đèn chiếu sáng và trồng cây xanh từ thượng lưu (giáp đường Út Tịch quận Tân Bình) đến cầu Nguyễn Hữu Cảnh quận Bình Thạnh. Các đơn vị thi công đang khẩn trương thực hiện các phần việc cuối cùng để đưa toàn bộ công trình vào sử dụng trong tháng 8.
Việc cải tạo đường ven kênh (Trường Sa - Hoàng Sa) từ vài mét ban đầu lên thành 16m góp phần quan trọng vào việc nâng cao mỹ quan kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và giảm ùn tắc giao thông khu vực này.
Hiện tại, các đơn vị khẩn trương thực hiện công đoạn cuối như trải nhựa hai bên đường đoạn từ chung cư Miếu Nổi đến cầu Nguyễn Hữu Cảnh quận Bình Thạnh. Trồng các loại cây xanh, tạo những thảm cỏ kết hợp các loại hoa. Sắp tới, ngoài trồng cây xanh, dọc hai đường Hoàng Sa và Trường Sa, sẽ bố trí những vị trí đẹp để trồng bàng vuông và cây phong ba được mang về từ Trường Sa.
Nước kênh xanh lại
Nước kênh sẽ xanh lại, Ban Quản lý dự án nhiều lần khẳng định như vậy. Ông Phan Châu Thuận, Giám đốc Ban Quản lý dự án Vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè cho biết khi dự án đi vào vận hành, toàn bộ nước thải sinh hoạt trên lưu vực sẽ không đổ xuống kênh nữa mà chảy vào tuyến cống bao, như một tuyến kênh ngầm để chảy về trạm bơm xử lý. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chỉ tiếp nhận nước mưa và nước từ sông Sài Gòn chảy vào. Như vậy, dự kiến trong khoảng một năm, nước kênh sẽ trong xanh trở lại.
Mục tiêu của Trạm bơm Nhiêu Lộc - Thị Nghè tiếp nhận toàn bộ lượng nước thải và một phần nước mưa được thu gom thông qua tuyến cống bao để đưa về trạm bơm có thiết bị lược rác. Nước mưa và nước thải từ các hộ dân trong lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè được kết nối vào tuyến cống bao dài 8,9km, đưa về trạm bơm để xử lý rồi bơm ra sông Sài Gòn. Dự kiến tháng 8 sẽ đưa vào vận hành để lược rác cho lưu vực 33km² với 1,2 triệu dân trước khi thải ra sông Sài Gòn. Đây là một trong những hạng mục của dự án Vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 1) nhằm giảm ô nhiễm và ngập úng 7 quận gồm: 1, 3, 10, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp. Trạm bơm đặt tại số 10 đường Nguyễn Hữu Cảnh quận Bình Thạnh. Nước thải sẽ được bơm ra sông Sài Gòn qua miệng xả ngầm bằng 12 máy bơm chìm có công suất 64.000m³/giờ. Như vậy, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không bao lâu nữa sẽ là “dòng kênh xanh” vì không tiếp nhận nước thải từ các cống trên lưu vực chảy đến. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm nguồn nước ô nhiễm trên phải chờ dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải ở quận 2 (dự án giai đoạn 2).
| |
QUỐC HÙNG - LƯƠNG THIỆN