Dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đang bị một số người dân thiếu ý thức cố tình vứt rác thải xuống kênh, biến con kênh mới chớm sạch có nguy cơ quay về thời cách đây chục năm: Dòng kênh đầy rác.
Thiếu ý thức
Sau đợt triều cường dâng cao mấp mé bờ kè, trông nước kênh sạch hơn, tuy nhiên những hình ảnh này chỉ được vài hôm. Khi triều cường rút xuống, hình ảnh còn lại dưới lòng kênh là rác, nhất là khu vực gần các cây cầu. Bịch ni lông, hộp xốp, chai lọ nổi lềnh bềnh dày đặc. Hiện nay vẫn còn đó một bộ phận không nhỏ những người dân vô ý thức vẫn ngang nhiên xả rác, vứt chai lọ xuống dòng kênh này.
Trong nhiều ngày, chúng tôi chứng kiến cảnh đổ xà bần, vứt những bịch rác xuống sát mé kênh ngay tại khu vực hai đầu cầu đường sắt.
Tương tự tại chân cầu Lê Văn Sỹ đầy rác. Điều đáng nói là tại đây một cơ sở buôn bán vật liệu xây dựng sử dụng hành lang của bờ kè làm nơi chứa cát xây dựng. Những trận mưa vừa qua, bãi cát này đã trôi xuống kênh.
Tại khu vực gần cầu Bông có vô số các loại rác thải lớn nhỏ, thậm chí người dân vứt cả tấm nệm cũ xuống dòng kênh coi đây như là bãi rác. Một nơi được xem là văn minh như Câu lạc bộ bơi lội Yết Kiêu, số 1 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, quận 1 (ngay chân cầu Thị Nghè) buôn bán lấn chiếm cả hành lang và xả nước thải trực tiếp xuống dòng kênh.
“Tình trạng người dân vứt rác xuống kênh diễn ra thường xuyên bất kể ngày đêm. Hiện nay rác có phần nhiều hơn trước, chuyện vứt ly nhựa, bịch ni lông là chuyện nhỏ, nhiều hôm tôi thấy cả chiếu, mền gối… nổi lềnh bềnh dưới dòng nước. Thậm chí nhiều người đang chạy xe trên đường tấp vào tè thẳng xuống dòng kênh, mặc cho người đi đường dòm ngó họ vẫn xem như chốn không người. Người dân vô trách nhiệm khiến dòng kênh mất đi vẻ đẹp” - anh Nguyễn Minh Hưng, nhà gần cầu Lê Văn Sỹ nói.
Bà Trần Hồng Nga ngụ gần khu vực Thảo Cầm Viên bức xúc: “TP đầu tư hàng chục năm mới hình thành được tuyến kênh đẹp như vậy, nhưng rác rưởi trôi khắp nơi. Nguyên nhân do người dân vô ý thức khiến dòng kênh nhiễm bẩn. Không chỉ vứt rác xuống kênh, nhiều người dân còn vứt cả xác thú nuôi chết xuống dòng kênh, làm cho môi trường vốn ô nhiễm chưa bớt lại gây nặng thêm”.
Tình trạng cả trăm quán nhậu bày bán lấn chiếm cả vỉa hè hai bên tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa làm mất đi vẻ văn minh như mục tiêu TP đưa ra. Chiều về, hàng quán dọc hai bên tuyến đường bắt đầu kê bàn ghế bày ra trên vỉa hè, nhân viên tràn xuống đường để đón khách ăn nhậu. Điểm chung của các quán này sử dụng triệt để vỉa hè làm điểm kinh doanh. Ở những quán ốc, thực khách đã quẳng cả vỏ ốc ra đường.
Sao không xử lý?
Bên cạnh việc tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức người dân sống ven kênh, TP cần xử lý thật nghiêm, xử phạt nặng những người xả, đổ rác thải xuống kênh mới mong dòng kênh được trong sạch.
Ông Nguyễn Ngọc Công, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, cho rằng để không còn tình trạng xả rác ra sông, kênh rạch, biện pháp tuyên truyền, vận động người dân cần làm sâu rộng trong thời gian tới. TP cần phối hợp với các sở, ngành đưa vấn đề chống xả rác vào giáo dục phổ cập trong cộng đồng, trường học để tăng ý thức bảo vệ môi trường cho mọi người. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp đổ rác, xà bần, kinh doanh lấn chiếm vỉa hè trái phép, chấm dứt việc tập kết các bô rác làm điểm trung chuyển rác dọc tuyến đường gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đường phố.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó ban Kinh tế - ngân sách HĐND TPHCM cho rằng, bên cạnh một số bộ phận người dân xả rác do kém hiểu biết, cũng có những người có trình độ cũng vô tư xả rác. Hiện tại, Sở Tài nguyên - Môi trường đã tham mưu cho UBND TP một số phương án phạt nóng các hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Việc xử phạt hành vi xả rác bừa bãi có nêu trong Nghị định 73/2010/NĐ-CP của Chính phủ, quy định rõ mức phạt từ 100.000 - 300.000 đồng. UBND TPHCM cũng chỉ đạo chủ tịch UBND các quận - huyện xử lý triệt để tình trạng xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Vấn đề là lãnh đạo các quận đã làm tròn trách nhiệm của mình chưa? Vì rất nhiều trường hợp người dân vô tư xả rác xuống dòng kênh đã có địa chỉ hẳn hoi.
| |
Quốc Hùng