Thành phố vay hàng ngàn tỷ đồng để giải tỏa nhà ổ chuột và nạo vét nhằm thông thoáng dòng chảy, giảm thiểu ô nhiễm cho hàng loạt tuyến kênh, rạch trên địa bàn. Trong khi đó, nhiều tuyến kênh, rạch ở các huyện ngoại thành đang dần bị xóa sổ.
Lấp kênh xây nhà
Tuyến kênh Trung Ương bắt đầu từ cầu An Hạ đi qua các xã Tân Thới Nhì, Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) băng qua xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) đang xuống cấp trầm trọng, thậm chí nhiều đoạn kênh đã bị biến mất. Từ hương lộ 80 (xã Vĩnh Lộc B) chạy men theo tuyến kênh về hướng xã Xuân Thới Thượng, tuyến kênh bị ngắt quãng nhiều nơi do bị lấp, khiến nước đọng lại không khác gì những vuông nuôi tôm bị bỏ hoang nhiều năm, bốc mùi hôi thối. Hai bên bờ kênh, một bên bị sạt lở nghiêm trọng, bên còn lại nhờ làm đường giao thông nên ít hư hỏng hơn. Hiện có hàng chục đoạn bị lấp để làm lối đi, thậm chí nhiều nơi bị người dân lấp kênh để cất nhà.
Đường dẫn vào nhà dân chắn ngang kênh Trung Ương. Ảnh: CAO THĂNG
Ông Nguyễn Văn Tâm, ngụ ấp 1, xã Xuân Thới Thượng, cho biết: “Tuyến kênh được đào vào khoảng năm 1977, lúc đó mỗi hộ dân phải đóng góp 15 ngày công (tức là phải tham gia đào kênh 15 ngày), 3 năm sau hoàn thành. Trên công trường lúc đó, có ngày, hàng ngàn người làm việc. Thời đó, đào bằng sức người là chủ yếu, vì không có xe cơ giới như hiện nay. Sau khi tuyến kênh hoàn thành, nước được bơm vào từ kênh An Hạ để cấy lúa và tưới hoa màu nhằm phát triển kinh tế. Mùa mưa, tuyến kênh có chức năng thoát nước và rửa phèn. Đến khoảng năm 1986, tuyến kênh ngưng hoạt động vì không có kinh phí và bỏ hoang từ đó đến nay”.
Anh Nguyễn Công Đức (nhà ở ấp 1, xã Vĩnh Lộc A) cho biết: “Những năm qua, người dân các nơi đổ về đây mua đất xây nhà khiến hạ tầng giao thông quá tải. Còn hệ thống thoát nước hầu như chưa có nên cứ trời mưa là nước ngập tràn lên đường, rồi tràn vào nhà dân gây ô nhiễm trầm trọng. Trong khi đó, tuyến kênh Trung Ương là nơi duy nhất để thoát nước, nhưng hiện nay đang bị lấp dần. Ngày xưa dân hiến đất, góp công đào mấy năm mới có được con kênh, vậy mà hiện nay không những bị xuống cấp hư hỏng mà còn bị lấn chiếm, thậm chí nhiều nơi lấp kênh xây nhà. Những năm qua, do đô thị hóa nhanh, nhà cửa xây mới rất nhiều nhưng hệ thống giao thông và thoát nước chưa được chú trọng. Nếu dòng kênh không còn phục vụ cho mục tiêu sản xuất nông nghiệp thì thành phố nên quản lý giữ dòng kênh làm hệ thống thoát nước. Cứ đà này vài năm nữa kênh bị lấp hết, nước không có lối thoát, ngập là chắn chắn”.
Kiểm tra, xử lý
Theo tiến sĩ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TPHCM, quá trình đô thị hóa đã khiến hàng trăm tuyến kênh, rạch của thành phố bị xóa sổ, nhất là các quận có tốc độ đô thị hóa nhanh như quận 7, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn… Nếu điều kiện kinh phí cho phép, nên đào lại các tuyến kênh, rạch đã bị lấp. Kênh, rạch hở kết nối với sông là giải pháp hiệu quả nhất để giúp thoát nước mưa nhanh, chống ngập; cải tạo, làm sạch môi trường nhờ dòng nước chảy, giảm ô nhiễm. Người dân khu vực ven kênh được lợi trực tiếp từ môi trường xanh, sạch và quan trọng hơn là không ngập nước. Ngoài ra một số tuyến đường nằm dọc theo các kênh cần được nâng cấp để kết hợp phục vụ cho giao thông nội đồng và đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân trong khu vực.
Thời gian qua, thành phố nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn để phục hồi, chỉnh trang lại những dòng kênh đã và đang bị lấn chiếm, nhằm đưa những dòng kênh “chết” trở về trạng thái ban đầu (như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé, Bến Cát - Tham Lương, Ba Bò…). Trong khi đó, các tuyến kênh ở các huyện ngoại thành cứ dần bị “xóa sổ”. Mới đây, dư luận từng xôn xao về dự án phục hồi kênh Hàng Bàng đi qua địa bàn quận 5, 6 do bị lấp. Kênh Hàng Bàng hiện nay bị rác ứ đọng, nhà cửa xây dựng san sát, lấn chiếm, có nơi không còn nhìn ra hình hài của con kênh nữa. Vì thế, thành phố dự kiến đào lại đoạn kênh trên và sẽ giải tỏa khoảng 30m hai bên bờ kênh, khơi lại mặt nước rộng khoảng 11m, đáy sâu khoảng 4m. Mỗi bên là dải cây xanh rộng khoảng 9,5m. Để thực hiện được việc trên, thành phố phải giải tỏa trắng 128 hộ trên địa bàn quận 5 và 940 hộ của quận 6, với kinh phí cả ngàn tỷ đồng. Nêu vấn đề trên để thấy rằng, với sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương ở các huyện vùng ven hiện nay, trong tương lai, chúng ta có thể phải trả giá đắt cho câu chuyện hồi sinh những dòng kênh.
Về tình trạng lấn chiếm, san lấp tuyến kênh Trung Ương, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A Trần Quốc Quay cho rằng: “Đây là công trình công cộng, thời gian tới, địa phương sẽ kiểm tra xử lý tình trạng lấn chiếm, san lấp gây ảnh hưởng đến công trình này. Tuy nhiên, để xử lý triệt để cần sự hỗ trợ của cấp trên”.
Thiết nghĩ, chính quyền huyện Bình Chánh cần thường xuyên chủ động hàng năm cho nạo vét kênh, rạch, chứ không nên để đến khi nó bị xóa sổ rồi mới phục hồi, vừa tốn kém ngân sách, vừa bị động trong quản lý.
QUỐC HÙNG