Kết bạn trên sàn

Kết bạn trên sàn

Hồi chưa ra sàn chứng khoán, tôi nghe nói ở sàn có nhiều người không bà con, thân thuộc vậy mà dám gởi tiền cho nhau nhờ chơi giùm. Tôi nghĩ làm gì có chuyện đem tiền trao cho người lạ nhưng sau một thời gian thâm nhập sàn chứng khoán tôi ngộ ra nhiều tình bạn khó tin.

Kết bạn trên sàn ảnh 1

Bạn Nguyệt Anh (giữa) mới ra sàn đang “kết bạn” tìm hiểu thông tin tại sàn Đại Việt. (Ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: THÙY VY

1. Không ở đâu như ở sàn, việc làm quen, kết bạn diễn ra khá dễ dàng. Chỉ cần hỏi một vấn đề nào đó, thậm chí một mã CP, cũng có thể làm quen với nhau. Giống như uống cà phê, NĐT giao dịch ở sàn nào thường quen không khí ở sàn đó. Ít có NĐT nào chơi ở sàn này một thời gian ngắn rồi nhảy qua sàn khác. Bằng chứng là tôi gặp rất nhiều NĐT từ đầu năm đến giờ vẫn “chung thủy” với sàn HSC ở số 6 Thái Văn Lung (Q1). Thậm chí khi sàn chuyển địa điểm như sàn SSI từ Nguyễn Công Trứ dời về số 72 Nguyễn Huệ thì những NĐT quen thuộc cũ cũng chuyển qua theo. Hơn nữa, hiện nay hầu hết các sàn đều o bế khách hàng nên việc “dứt áo ra đi” ít dần. Thế là các NĐT và các nhóm NĐT ngày càng quen mặt, biết tên nhau nhiều hơn. NĐT tên Hùng ở sàn SSI kể: “Vài ngày đầu còn hơi bỡ ngỡ nhưng qua những cuộc bàn luận trên sàn, điện thoại hỏi thông tin, hỏi thăm sức khỏe, thấy “hợp nhãn” rồi lâu ngày có thiện cảm, thế là “kết” nhau. Khi đã quen biết nhau rồi, vài ba ngày không lên sàn là thấy nhớ sàn và nhớ chiến hữu”.

2. Nhiều NĐT thường tập hợp thành nhóm để chơi chung, cũng có nhóm mặc dù phần ai nấy chơi nhưng vẫn hợp lại để trao đổi thông tin, giúp đỡ về kiến thức, có khi an ủi nhau lúc cổ phiếu rớt giá hoặc chia vui lúc “sàn xanh”. Người trong nhóm bận việc không lên sàn được, khi trên sàn có tin gì thì các thành viên khác nhắn tin, gọi điện thoại báo nên người ở nhà vẫn nắm được tin “hot” ở sàn.

Đặc biệt, hôm nay có thông tin gì thì người này “xì” ra cho người kia biết. Đôi khi những thông tin ngoài luồng này lại “trúng phóc” và chính nguồn thông tin không chính thức này tạo ra không khí trên sàn. Vậy mới có chuyện NĐT ở tỉnh giao dịch qua đại lý phân bì rằng ở tỉnh không có không khí mua bán, không kích thích người chơi chứng khoán. Cái hay ở “chợ ảo” này là tiền từ túi người này “chảy” qua túi người khác, thậm chí chạy vào túi chính thành viên trong nhóm nhưng không ai biết rõ là tiền của ai vì tất cả đều thông qua sàn – công ty môi giới và bí mật.
 
3. Chị Hằng - một NĐT kỳ cựu - cũng là bạn của người viết bài này, giải thích việc giao tiền cho người lạ chơi giùm: “Hồi mới ra sàn ai cũng dè chừng nhau nhưng qua thời gian kết bạn, người này mời người kia đến nhà chơi và ngược lại. Khi biết nhà cửa, công việc, cơ quan làm việc của nhau, xem đó là “bảo chứng” uy tín của từng người để tin tưởng nhau nên chuyện gửi tiền nhờ một người có kiến thức chơi giùm là chuyện bình thường, chưa kể một số thành viên trong nhóm còn “bắt tay nhau” làm ăn nhiều thứ ngoài sàn”. Chị Hằng cho biết thêm, từ chỗ cùng chia vui khi “sàn xanh” hoặc an ủi nhau những lúc sàn “đen tối”, thế là có anh chị đồng cảm nhau từ đó xuất hiện “tình yêu trên sàn”.

Tuy nhiên trên sàn cũng có những NĐT “chảnh”, một mình một ngựa, không thèm chơi với ai. Họ âm thầm, lặng lẽ, có lúc còn làm mặt ngầu, ra vẻ bí hiểm, đôi khi còn thể hiện phong cách “đại gia”. Quan sát từ thực tế chúng tôi thấy, những NĐT ít hiểu biết về chứng khoán và ít tiền thường dễ làm bạn với nhau và kết bạn khá “chung thủy”.

KHÁNH KHÔI

Tin cùng chuyên mục