Trong tuần qua, thông tin về một số công ty xử lý rác gây ô nhiễm môi trường đã khiến dư luận bất bình. Để làm rõ hơn thông tin trên, chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo Sở Tài nguyên-Môi trường (Sở TN-MT) TPHCM.
Chôn lấp song song với tái chế
Theo Sở TN-MT, trên địa bàn thành phố hiện có 7 công ty đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác đô thị: Công ty Môi trường Đô thị TPHCM, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước thuộc Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS), Công ty CP Vietstar, Công ty Tâm Sinh Nghĩa, Công ty Thành Công, Công ty Keppel Seghers Engineering, Công ty CP Năng lượng Môi trường. Trong số đó, dự án xử lý rác do Công ty Môi trường Đô thị TPHCM, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, Công ty CP Vietstar làm chủ đầu tư, đã đi vào hoạt động. Những dự án còn lại đang được gấp rút triển khai.
Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc Sở TN- MT, cho biết, lãnh đạo TP luôn chủ trương phát triển bền vững, trong đó gắn bảo vệ môi trường với chất lượng cuộc sống. Do vậy, trong kế hoạch bảo vệ môi trường của TP, phải thực hiện từng bước đổi mới công nghệ xử lý rác theo hướng tiên tiến, hiện đại. Rác thải phải được xem là nguồn nguyên liệu sản xuất có thể được khai thác, tái chế, tái sử dụng để chuyển hóa thành năng lượng để phát điện.
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng khối lượng chất thải ở TP hiện rất lớn: 6.500 tấn/ngày. Với tốc độ gia tăng 6%-8%/năm, dự báo đến năm 2020, lượng chất thải sẽ đạt gần 14.000 tấn/ngày, nên khó tránh khỏi việc sử dụng công nghệ chôn lấp.
Theo kế hoạch đến năm 2020, công nghệ xử lý rác phải đạt tỷ lệ 40% chôn lấp hợp vệ sinh, 10% đốt, 40% sản xuất phân compost và 10% tái chế. Có thể nói, công nghệ nào cũng có ưu và khuyết điểm. Việc áp dụng các công nghệ này phải dựa vào hoàn cảnh kinh tế của thành phố. Nếu người dân còn khó khăn mà sử dụng công nghệ hiện đại như đốt hoàn toàn chất thải rắn đô thị, e rằng khó kham nổi chi phí xử lý chất thải. Thực tế, nhiều nước phát triển vẫn đang áp dụng biện pháp xử lý rác thải bằng cách chôn lấp hợp vệ sinh song song với công nghệ xử lý hiện đại khác như đốt, tái chế, sản xuất điện…
Đo đạc nồng độ khí thải để xác định ô nhiễm
Trên cơ sở đó, hiện tại Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam đã sử dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh, phân loại tái chế và làm phân compost. Đến nay, hạng mục phân loại tái chế và làm phân compost của công ty này đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng và sẽ đi vào hoạt động trong năm 2010.
Dự án xử lý rác của Vietstar cũng dùng công nghệ về xử lý chất thải hữu cơ thành phân compost. Hiện, các hạng mục công trình của nhà máy còn thiếu hoặc chưa hoàn thiện. Theo các chuyên gia, đây cũng là tình hình chung của bất kỳ nhà máy nào ở giai đoạn bắt đầu vận hành khi phải điều chỉnh thiết bị, dây chuyền sản xuất để đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định. Do vậy, việc nhà máy phát sinh mùi, ảnh hưởng đến người dân là điều khó tránh khỏi. Hiện các cơ quan chức năng đã phối hợp với UBND xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi tìm hiểu nguyên nhân.
Trước mắt, yêu cầu công ty có ngay biện pháp khống chế mùi hôi; phát thuốc diệt ruồi và chế phẩm khử mùi cho người dân; thực hiện đo đạc nồng độ khí thải tại 9 điểm: kênh 17, đối diện UBND xã Thái Mỹ, hộ dân Thiệu Văn Triệu, hộ dân Lê Văn Danh, hộ dân Trần Thị Bích Hạnh và các khu vực: tiếp nhận rác, trạm xử lý nước thải, ủ chính, nhà ủ phân compost.
Mặt khác, theo kết quả kiểm tra nhà máy của các cơ quan chức năng, đống rác mà Vietstar để ngoài trời không phải là rác tươi mà là phân compost đã qua ủ chín. Các chất hữu cơ dễ phân hủy đã phân hủy hết và không còn phát sinh nước rỉ rác. Rác sau khi ủ được chất thành luống ngoài trời chờ sàn phân loại và đóng bao. Đây cũng là giải pháp tình thế trong thời gian chờ xây dựng nhà xưởng chứa rác đã ủ (dự kiến hoàn thành chậm nhất trước ngày 15-7). Tuy nhiên, để đảm bảo khối lượng rác đã ủ không ảnh hưởng đến môi trường, các cơ quan chức năng đã yêu cầu công ty phủ bạt nhựa toàn bộ luống rác; lót đáy HDPE để nước rỉ (nếu có) không thấm vào đất và hoàn thành vào ngày 26-6.
Huệ Lam