Kết nạp Đảng trong lao tù

Với những chiến sĩ cộng sản từng bị tù đày tại nhà tù Côn Đảo, nơi mệnh danh “địa ngục trần gian”, sự kiên định với lý tưởng, một mực trung thành với Đảng đã giúp họ vượt qua những trận đàn áp dã man của địch. Cũng chính tinh thần đấu tranh anh dũng của mình, họ đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam ngay tại nhà tù ác liệt ấy.
Kết nạp Đảng trong lao tù

Với những chiến sĩ cộng sản từng bị tù đày tại nhà tù Côn Đảo, nơi mệnh danh “địa ngục trần gian”, sự kiên định với lý tưởng, một mực trung thành với Đảng đã giúp họ vượt qua những trận đàn áp dã man của địch. Cũng chính tinh thần đấu tranh anh dũng của mình, họ đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam ngay tại nhà tù ác liệt ấy.

Quyết không chào cờ, hô khẩu hiệu địch

Nhớ lại khoảng thời gian đấu tranh nơi lao tù khắc nghiệt, những trận đàn áp dã man của địch, ánh mắt ông Châu Mường Thanh (tự Bảy Thanh), tên trong tù là Châu Văn Cưu (sinh năm 1949, tại Bến Tre) vẫn rực lửa căm hờn. Chuyện bị đánh đập như cơm bữa chỉ là chuyện nhỏ. Những trận tra tấn, hành hạ của dịch bằng đời sống tinh thần như khi bị nhốt trong chuồng cọp, 1 tuần hoặc 1 tháng mới được tắm 1 lần bằng những xô nước cai ngục tạt ào vào mặt khiến cơ thể các chiến sĩ đầy ghẻ lở; đi vệ sinh có giờ, nếu sai giờ mà ngồi vào thùng gỗ sẽ bị đánh; cùm chân, thức ăn chỉ có khô mục hoặc mắm ủ chưa chín, hoàn toàn không có rau hay thịt cá; ác nhất là những lần địch rải vôi bột liên tục và đổ nước xuống chuồng cọp khiến thân thể tù nhân bỏng rộp, đau đớn… vẫn không làm lung lay ý chí của những người chiến sĩ cộng sản. Trong tù, họ cương quyết không chào cờ và hô khẩu hiệu địch.

“Dù mỗi lần chống đối, chúng lại dùng đòn roi tra tấn hết sức tàn bạo, mà ác nhất là dùng roi da có quấn gai đánh vào lòng bàn chân, nhưng chúng tôi quyết chỉ đi theo lý tưởng của mình”, ông Cưu nhớ lại.

Bà Nguyễn Thị Sàng luôn nâng niu những kỷ vật như quyển sổ, túi thêu ngày kết nạp Đảng và bức thư viết cho gia đình khi còn ở nhà tù Côn Đảo.

Chính nhờ vào truyền thống cách mạng của gia đình, dù dịch có tra tấn thế nào trong suốt 7 năm tù đày với hơn 4 năm bị nhốt ở chuồng cọp, ông Khâu Văn Nhứt (sinh năm 1950, quê Củ Chi, TPHCM) quyết không hé răng khai báo nửa lời. Biết không thể lung lay ý chí người chiến sĩ này, chúng nhốt ông vào chuồng cọp để tra tấn. Ông bảo rằng dù bị cùm chân, bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần, nhưng chính nhờ đó ông được tiếp cận những đồng chí với tư tưởng lớn lao, được dìu dắt, học tập để nâng cao ý thức về Đảng, về Bác Hồ kính yêu, vai trò đấu tranh của tập thể và thêm ý chí để chiến đấu.

Với những nữ chiến sĩ bị tù đày càng khó khăn hơn. Các hình thức tra tấn của địch cũng vô cùng tàn bạo như: đánh tứ trụ, chích điện vào các đầu ngón tay, ngón chân hay chỗ hiểm, đổ nước xà bông vào miệng rồi đạp lên bụng, cho ăn cơm với đường để mau chết,… nhưng bao đau đớn thể xác cũng không khuất phục được tinh thần những nữ chiến sĩ cộng sản. Mặc dù khi mới bị bắt, bà Nguyễn Thị Sàng (sinh năm 1944, tại Bến Tre) chưa phải là đảng viên nhưng bà thấy mình chỉ có một con đường, một chí hướng là làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính niềm tin ấy đã giúp bà có thêm sức mạnh chống lại kẻ thù.

Vững vàng khi có Đảng

Dù bị bắt, bị tù đày khi tuổi đời còn rất trẻ, tinh thần chiến đấu quật cường của những người chiến sĩ ấy lại vô cùng lớn lao. Ở trong tù, họ đấu tranh theo các hình thức: chống đối, hô khẩu hiệu, tuyệt thực, mổ bụng,… để đòi quyền lợi cho tù nhân. Tinh thần đoàn kết đã giúp họ vượt qua gian khó. “Không ai bảo ai, nhưng khi nghe khẩu hiệu vang lên từ các phòng giam khác thì tức khắc các phòng đều hô theo để tăng thêm sức mạnh và để “chia lửa đàn áp” cùng nhau”, ông Nhứt cho biết.

Niềm vinh hạnh của những người cộng sản trẻ ngày ấy chính là được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam trong chính nhà tù đang giam giữ họ. Nhớ lại buổi lễ kết nạp Đảng vào đúng ngày 3-2-1971 tại chuồng cọp, ông Khâu Văn Nhứt vô cùng hãnh diện: “Lần đó được cho ra ngoài tắm, tôi được các đồng chí gọi vào và thực hiện nghi thức kết nạp. Buổi lễ có tôi và 2 đồng chí nữa. Với lá cờ Đảng nhỏ trong lòng bàn tay, tôi đọc lời thề thiêng liêng và thấy mình rực lửa khí thế đấu tranh”.

Còn bà Nguyễn Thị Sàng, kỷ niệm không thể nào quên chính là thời khắc được kết nạp Đảng trong nhà tù vào đêm 20-7-1969. “Đêm đó khi tất cả đã ngủ, chị Trương Mỹ Hoa và Trần Thị Bạch Mai đến chỗ tôi nằm kêu ngồi dậy kết nạp Đảng. 3 chị em ngồi trong mùng, nói thì thầm cùng nhau lời tuyên thệ. Tôi thì nhìn thẳng vào lá cờ Đảng trong lòng bàn tay chị Hoa, đưa tay lên đọc lời tuyên thệ khẽ khàng. Với tôi, giờ khắc đó vô cùng ý nghĩa”, bà Sàng nhớ lại.

Điểm chung của những buổi kết nạp Đảng trong lao tù là diễn ra nhanh chóng, bí mật nhưng vô cùng thiêng liêng. Ông Châu Văn Cưu chia sẻ: “Ở tù, tôi được học tập tư tưởng của các đồng chí, hiểu thêm về đường lối đấu tranh, mà nhất là được kết nạp vào Đảng. Ngày đó, nếu không có lý tưởng của Đảng, tôi và nhiều đồng chí có lẽ không còn cơ hội để trở về”.

Cả quãng đời tuổi trẻ, họ đã để lại trong lao tù, nhưng với bà Sàng, ông Nhứt, ông Cưu hay những người chiến sĩ cộng sản khác, họ thấy mình đã không bỏ phí quãng thời gian đẹp nhất cuộc đời, bởi nhờ đó họ đã được giác ngộ và đi theo con đường của Đảng, vì nước, vì dân, dù biết rằng có thể sẽ chết nhưng quyết không lùi bước.

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục