Kết nối giải pháp để phát huy tiềm năng về dược liệu Việt Nam

Tại Hà Nội, Viện Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) vừa tổ chức Diễn đàn công nghệ lần thứ 2 với chủ đề “Các hợp chất có hoạt tính sinh học từ nguồn thiên nhiên Việt Nam: Tiềm năng và ứng dụng”. 

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt Thanh, cần chú ý việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, vì có quá nhiều bài học đã xảy ra gây tổn thất cho cả nhà khoa học lẫn doanh nghiệp. Đối với mỗi kết quả nghiên cứu có thể thương mại hóa, nên xem xét việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trước khi công bố bài báo. Các nhà khoa học cũng thừa nhận, vẫn còn khoảng cách giữa nghiên cứu đến sản suất và thương mại hóa. Nhà khoa học không biết cách giới thiệu công nghệ, từ đó sinh ra tâm lý ngại ngần. Doanh nghiệp thì chưa “mặn mà” với sự chào mời công nghệ Việt… Tiềm năng về nguồn cây dược liệu và nguồn tri thức về sử dụng dược liệu của Việt Nam là rất lớn, nhưng ứng dụng chưa hiệu quả.

Đại diện Traphaco và Nam Dược (2 doanh nghiệp khá thành công khi khai thác nguồn dược liệu Việt Nam) cho rằng, để đưa sản phẩm nghiên cứu ra thị trường thành công, cần có sự hợp tác giữa viện nghiên cứu và doanh nghiệp. Kết quả điển hình của mô hình kết nối viện nghiên cứu - doanh nghiệp là sản phẩm Hoạt huyết dưỡng não và Boganic của Traphaco. Doanh thu của 2 sản phẩm này đạt khoảng 400 tỷ đồng/năm.

Theo đại diện Trapaco, doanh nghiệp dược liệu rất cần đổi mới công nghệ, tiếp cận các công nghệ chiết xuất tốt hơn, mới có thể đảm bảo được chất lượng sản phẩm. TS Kum Dongwha, Viện trưởng VKIST, cho biết thời gian tới, viện sẽ bắt tay cùng doanh nghiệp cung cấp các giải pháp công nghệ và là cầu nối giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm chiếm lĩnh thị trường. 

Tin cùng chuyên mục