Kết nối Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Theo chân những bạn trẻ của Đoàn Thanh niên, chúng tôi tìm đến căn phòng nhỏ trong ngôi “nhà cộng đồng” nằm giữa khu phố sầm uất bên cạnh chợ Bến Thành và một Thánh đường Hồi giáo của cộng đồng người Chăm ở phường 17 (quận Phú Nhuận). Qua đó ghi nhận những câu chuyện ân tình, kết nối trong không gian văn hóa được người dân trân trọng gọi: “Văn hóa Hồ Chí Minh”.

Ông Kariemlos (giữa) giới thiệu đến cộng đồng Chăm theo đạo Hồi về tư liệu, sách ảnh về Bác Hồ tại tiểu Thánh đường Nourl - Ehsan
Ông Kariemlos (giữa) giới thiệu đến cộng đồng Chăm theo đạo Hồi về tư liệu, sách ảnh về Bác Hồ tại tiểu Thánh đường Nourl - Ehsan

1. Căn phòng nhỏ trên lầu 1 tại số 51 đường Lưu Văn Lang, phường Bến Thành (quận 1) luôn tấp nập người ra vào, từ sáng sớm đến 9, 10 giờ đêm. “Mới có quyển “Những chuyện kể về tinh thần yêu nước của Bác Hồ” nè chị Hà, lên ngồi đọc đi. Nay có bưởi da xanh đứa cháu dưới quê mới mang lên cho, ngon lắm, mời chị ăn lấy thảo”, chủ nhà - chú Phan Trung Trinh, 80 tuổi, Bí thư Chi bộ 6.3, khu phố 6, phường Bến Thành, mời một đảng viên trong chi bộ.

Giữa căn phòng nhỏ trong ngôi nhà của chú Trinh đặt một chiếc bàn dài hình chữ nhật, xung quanh xếp 25 chiếc ghế, đủ chỗ cho 25 đảng viên trong chi bộ ngồi sinh hoạt hàng tháng. Góc nhỏ phía trên căn phòng được chú bố trí 2 tủ sách, bày gần 1.000 quyển sách, tư liệu, hình ảnh về Đảng, Bác Hồ...

Chú Trinh giới thiệu: “Đây là “Tủ sách gia đình học tập, làm theo Bác”, nhà đảng viên nào trong chi bộ cũng có. Nhà tôi được gọi là “nhà cộng đồng”, nơi sinh hoạt, hội họp của chi bộ Đảng, các tổ chức Hội, Đoàn thanh niên, người dân trong khu phố. Mọi sự kiện, những diễn biến tư tưởng, dư luận xã hội, phản ánh về tình hình cán bộ, đảng viên trong chi bộ và Đảng bộ, thông tin thời sự… đều được chi ủy nắm rõ từ “nhà cộng đồng” này”.

Cũng theo chú Trinh, từ những thông tin nắm được trong “nhà cộng đồng”, chi bộ đã kịp thời tuyên truyền, gặp gỡ, giải thích cho nhiều trường hợp cán bộ, đảng viên và người dân khu phố. “Qua tuyên truyền, giáo dục từ sớm các biểu hiện sai trái, suy thoái về tư tưởng, giúp chi bộ thời gian qua phát hiện, ngăn chặn, tháo gỡ được nhiều vụ việc phức tạp nổi lên trên địa bàn”, chú Trinh cho biết.

2. Cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi tại tiểu Thánh đường Nourl - Ehsan (thường gọi là chùa Chăm, phường 17, quận Phú Nhuận) thường nhắc về việc mỗi lần vào Thánh đường lại biết thêm một câu chuyện đẹp về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ và những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước qua mô hình “Tủ sách gia đình học tập, làm theo Bác” đặt ngay trước sảnh tiểu Thánh đường. Ông Kariemlos, thành viên Ban quản trị tiểu Thánh đường Nourl - Ehsan, sau mỗi buổi lễ trong ngày lại đứng ra giải thích với các tín đồ ý nghĩa của những hình ảnh, quyển sách, câu nói nổi tiếng của Bác được treo, dán, trưng bày trên tường và trên kệ sách.

Chỉ tay lên tấm bảng treo, trên tường, ông Kariemlos nói: “Đây là tiểu sử về Bác Hồ. Phía dưới là hình ảnh minh họa những giai đoạn lịch sử hoạt động của Bác, từ khi còn ở nước ngoài và sau đó. Còn câu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, Bác dạy người Việt Nam, dù dân tộc nào, tôn giáo, thành phần nào cũng phải đoàn kết, yêu thương nhau. Có như vậy, mọi khó khăn, trở ngại mới thành công, đất nước mới phát triển được”.

Với những quyển sách nói về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đặt trang trọng trên kệ sách, ông Kariemlos cho biết thêm: “Chúng tôi đã nhờ dịch sang chữ Chăm, rồi in thành tài liệu phát đến từng gia đình. Một số chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo cũng được dịch, in ra để bà con khi cần là có để đọc, hiểu và góp phần tuyên truyền đến mọi người trong khu phố”.

Theo Chủ tịch UBND phường 17, quận Phú Nhuận Nguyễn Thị Thanh Trâm, đồng bào Chăm theo đạo Hồi trên địa bàn phường chiếm hơn 10% dân số. Nhằm tuyên truyền hiệu quả hơn, Đảng ủy phường triển khai mô hình “Dịch tài liệu về Đảng, Bác Hồ qua tiếng Chăm nhằm tuyên truyền, giới thiệu đến đồng bào Chăm”. Mô hình này còn triển khai góc hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ tại Thánh đường và treo ảnh Bác tại các gia đình cán bộ, đảng viên và đồng bào Chăm, đem lại nhiều hiệu quả tích cực.

Cách tiểu Thánh đường Nourl - Ehsan không xa là Thánh đường Hồi giáo Jamiul Musilimin, phường 15 (quận Phú Nhuận), thời gian qua cũng có nhiều hoạt động, triển lãm hình ảnh, tư liệu về Không gian văn hóa Hồ Chí Minh; tuyên truyền, giới thiệu các ấn phẩm văn hóa bằng tiếng Chăm và tiếng Việt đến các tín đồ, người dân trong khu vực.

Qua đó kết nối được giá trị cốt lõi của Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, những tư tưởng, đạo đức, tình cảm của Bác Hồ đối với đồng bào các tôn giáo, dân tộc trong khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, cũng như góp phần lan tỏa các chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo, dân tộc của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

Từ sự kết nối thông tin trong không gian văn hóa này đã giúp đồng bào Chăm trong cộng đồng gắn bó nhau hơn, thường xuyên phản ánh đến Ban Mặt trận khu phố và chính quyền tâm tư, nguyện vọng chính đáng, cũng như cập nhật những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Ban Tuyên giáo Quận ủy quận Phú Nhuận cho biết, đến nay quận đã tổ chức ra mắt trên 50 Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Nổi bật là việc xây dựng không gian văn hóa trong đồng bào dân tộc Chăm tại các thánh đường, tiểu thánh đường Hồi giáo và các cơ sở tôn giáo trên địa bàn, trụ sở UBND các phường trong quận, các tổ chức Công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục