Ngăn chặn việc biến AI thành “vũ khí đen”

Sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) đang bị các thế lực thù địch triệt để lợi dụng, biến thành công cụ gieo rắc những nội dung độc hại trên không gian mạng.

Biến dạng nhận thức từ những clip “giả mà như thật”

Thời gian gần đây, kênh TikTok có tên P.T. (có hàng chục ngàn lượt theo dõi) thường xuyên đăng tải các clip được tạo bằng AI. Những video này nhái giọng nói, hình dáng của một số đồng chí lãnh đạo cấp cao, ghép vào những phát ngôn không đúng sự thật về các vụ việc nhạy cảm, thậm chí có nội dung bôi nhọ danh dự cá nhân.

R3a.jpg
Hàng loạt tài khoản mạng xã hội đăng tải các clip AI nhại giọng nói của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước

Đơn cử là đoạn clip được tạo bằng AI một cuộc trò chuyện giữa 2 nhân vật về vụ tai nạn ô tô nhãn hiệu BMW ở Hà Nội vừa qua, hay clip nói về nguyên nhân vụ cháy tại cư xá Độc Lập (TPHCM)... Mỗi đoạn clip đều gán ghép nội dung xuyên tạc, thu hút hàng trăm ngàn lượt xem và hàng trăm bình luận bị dẫn dắt theo hướng sai lệch, tiêu cực.

Không chỉ sử dụng một tài khoản, các thế lực thù địch tạo rất nhiều tài khoản khác nhau để chia sẻ các đoạn clip có tính chất xuyên tạc, sai sự thật. Nguy hiểm hơn, nhiều kênh mạng xã hội ban đầu được tạo lập tỏ ra “chính thống”, chuyên đăng tải thông tin chính sách pháp luật, tạo lòng tin cho người xem. Sau đó, các trang này đột ngột “quay xe”, đăng các nội dung xuyên tạc trắng trợn. Như kênh N.D.N., sau một thời gian hoạt động, bất ngờ đăng video sai sự thật rằng “Đảng đã phê duyệt Luật Hôn nhân đồng giới” hay “sẽ xử phạt nặng nếu ly hôn do người thứ ba”. Những video này có hàng chục ngàn lượt thích và bình luận vì tưởng là thật. Điều đó cho thấy mức độ lan truyền và thao túng nhận thức rất đáng báo động.

Theo thống kê, chỉ riêng trong năm 2024, mỗi ngày tại Việt Nam có hơn 20.000 tin, bài có nội dung sai lệch được phát tán trên không gian mạng, không ít trong số đó được sản xuất bằng AI. Đáng chú ý, các thế lực thù địch xây dựng cả một mạng lưới tài khoản ảo điều khiển bằng AI, để tự động hóa quá trình bình luận, chia sẻ, “thả cảm xúc” lên các nội dung xuyên tạc. Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) từng thống kê, năm 2023, hơn 60% các kênh lan truyền thông tin sai lệch được vận hành từ nước ngoài, nhiều kênh sử dụng công nghệ deepfake để giả mạo hình ảnh, giọng nói của người nổi tiếng hoặc lãnh đạo.

Không để “tự do ngôn luận” thành lá chắn cho vi phạm

TS Thân Ngọc Anh, Trưởng Khoa Triết học, Học viện Chính trị khu vực 2, nhận xét, các nội dung giả mạo, xuyên tạc, chống phá ngày càng tinh vi khi công nghệ phát triển. Trong đó, việc sử dụng AI tạo ra các nội dung xuyên tạc chính sách, giả mạo lãnh đạo với mục đích tiếp cận người dân một cách dễ dàng hơn, nhất là giới trẻ. Điều đó dẫn đến hàng loạt hệ lụy như làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào chế độ; gây hiểu sai về tình hình đất nước và lệch chuẩn tư tưởng; làm lu mờ hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Điều đặc biệt nguy hiểm là kích động mâu thuẫn nội bộ, tạo nguy cơ bất ổn về chính trị, quốc phòng, an ninh, đúng với âm mưu “cách mạng màu”.

TS Thân Ngọc Anh kiến nghị, trước thực trạng đáng báo động này, Đảng và Nhà nước cần hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là hệ thống an ninh mạng. Cùng với đó là phát huy vai trò các cơ quan truyền thông, đi đầu trong tuyên truyền nhận diện và phản bác thông tin xuyên tạc. Đồng thời, ngành Tuyên giáo (nhất là cấp phường, xã) cần tăng cường truyền thông trực tiếp, lồng ghép vào hoạt động chi bộ, trường học nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về âm mưu, thủ đoạn, hành vi mới của các thế lực thù địch.

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025 của Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao mới đây, lãnh đạo Bộ Công an đã yêu cầu đơn vị này tập trung xây dựng dự án Luật An ninh mạng năm 2025 và các văn bản hướng dẫn thi hành đảm bảo chất lượng, tiến độ, đặc biệt nghiên cứu tham mưu xây dựng các luật tạo nền tảng pháp lý cho các vấn đề mới như AI.

Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc hãng luật Lê Trung Phát (TPHCM), phân tích thêm, Điều 8 của Luật An ninh mạng năm 2018 cấm các hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; xuyên tạc lịch sử, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân…

Như vậy, các tổ chức, cá nhân sử dụng AI tạo hình ảnh, clip có nội dung vi phạm như đã nói trên sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tùy tính chất, mức độ nguy hại của hành vi vi phạm mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10-20 triệu đồng (theo Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP). Nếu vi phạm nghiêm trọng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội làm nhục người khác” (Điều 155 Bộ luật Hình sự), hoặc “Tội vu khống” (Điều 156 Bộ luật Hình sự) hoặc “Tội lợi dụng quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” (Điều 331 Bộ luật Hình sự).

Luật sư Lê Trung Phát cũng thông tin, hiện có nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật với thủ đoạn núp bóng danh nghĩa tuyên truyền pháp luật hoặc cung cấp kiến thức, tư vấn pháp luật miễn phí. Họ thường tư vấn sai pháp luật, định hướng và hướng người xem đến việc tiếp cận sai pháp luật. “Việc tuyên truyền sai, lạm dụng nhằm xuyên tạc, cung cấp sai các quy định của pháp luật không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự của xã hội”, luật sư Lê Trung Phát phân tích.

Tin cùng chuyên mục