Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản còn lỏng lẻo

 Ký kết 13 hợp đồng cung ứng và tiêu thụ nông sản
Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản còn lỏng lẻo

 Ký kết 13 hợp đồng cung ứng và tiêu thụ nông sản

Ngày 13-9, tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, gần 300 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương đã tham dự hội thảo kết nối giao thương và tiêu thụ hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh Long An với các doanh nghiệp (DN), hệ thống phân phối, chợ đầu mối TPHCM.

Hội nghị nhằm tạo không gian mua - bán cho các nhà sản xuất và kinh doanh, qua đó hình thành kênh phân phối sản phẩm nông sản an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Theo nhận định của ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, dù đang có nhiều lợi thế trong cung ứng sản phẩm cho TPHCM nhưng tỉnh Long An vẫn chưa tận dụng tốt. Nguyên nhân chính là tỷ lệ sử dụng giống chất lượng cao còn hạn chế, quá trình thu hoạch và chế biến còn lạc hậu, tỷ lệ thất thoát cao dẫn đến thu nhập của người dân còn thấp. Trong sản xuất còn sử dụng khá phổ biến các loại thuốc bảo vệ thực vật, gây mất an toàn nông sản cũng như môi trường. Đó là chưa kể việc kết nối hàng hóa luôn trong tình trạng đứt đoạn, lỏng lẻo, thiếu hẳn tính bền vững sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa làm cho giá thành sản phẩm cao, thiếu tính cạnh tranh.

Kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản còn lỏng lẻo

Phát biểu tại hội thảo, hầu hết các DN chủ lực tại TPHCM khẳng định, sẽ bao tiêu tất cả các mặt hàng nông sản cho Long An, với điều kiện phải đưa sản xuất gắn với nông nghiệp công nghệ cao. Bà Bùi Thị Minh Thu, Phó Giám đốc kinh doanh ngành hàng thực phẩm tươi sống của Saigon Co.op, cho biết, Long An hiện đang cung ứng khá nhiều mặt hàng nông sản cho Saigon Co.op. Tuy vậy, trong quá trình hợp tác vẫn phát sinh nhiều vấn đề cần chấn chỉnh. Đã xuất hiện tình trạng các hợp tác xã (HTX) áp dụng quy trình VietGAP trong thời gian đầu, sau đó lại thôi, dẫn đến chất lượng hàng hóa không đồng đều, thậm chí bị “bể kèo”. Để khắc phục, các sở, ngành của Long An cần theo dõi, hỗ trợ để các DN thực hiện và duy trì tốt quy trình VietGAP trong sản xuất. Ngay trong HTX cũng cần có sự điều phối, luân phiên giữa các hộ xã viên trong sản xuất để tránh việc sản xuất ồ ạt, ứ đọng ở cùng một mặt hàng trong cùng thời điểm.

Cùng quan điểm này, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vissan, cũng cho rằng Long An phải thay đổi nhanh, mạnh mẽ hơn, phải đặt chuẩn mực cao hơn trong sản xuất các mặt hàng nông sản để cung ứng cho TPHCM. Nói cách khác, sản xuất phải được đặt trong chiến lược liên kết vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ để thúc đẩy phát triển. Ông Văn Đức Mười mong muốn, sắp tới, khi Cụm công nghiệp Vissan đặt tại Long An đi vào hoạt động thì địa phương này sẽ trở thành nơi cung ứng nguồn nguyên liệu chủ lực cho việc giết mổ và chế biến của Vissan. Trên thực tế, mỗi đêm Vissan giết mổ khoảng 3.000 con heo, nhưng hiện Long An mới chỉ đáp ứng được tỷ lệ rất nhỏ nên rất khó cho chiến lược hợp tác dài hạn giữa DN và địa phương.

Ở góc độ quản lý, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết trong định hướng phát triển ngành thương mại, TPHCM sẽ ưu tiên phân phối các sản phẩm đạt chuẩn an toàn, đồng thời thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm thịt heo từ các trại nuôi đến quy trình giết mổ tại nhà máy đến các cửa hàng cung ứng. Do vậy, trong hoạt động sản xuất, Long An cần có chính sách hỗ trợ DN, HTX phát triển sản xuất, nuôi trồng theo hướng an toàn, theo các quy trình VietGAP, GlobalGAP…

Dịp này, 26 DN chủ lực của TPHCM và Long An đã thực hiện ký kết 13 hợp đồng hợp tác cung ứng và tiêu thụ các mặt hàng nông sản của Long An. Các mặt hàng được DN TPHCM ký kết bao tiêu gồm chanh không hạt, bò thịt, heo hơi, gà thịt, trứng gia cầm, rau củ quả các loại, trái cây…

 Theo Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, để ngành nông nghiệp Long An phát triển, không còn cách nào khác là phải có sự liên kết chuỗi, trong đó cần phân vai rõ trách nhiệm của từng bên. Có nhiều việc như kết nối, mở thị trường thì Nhà nước phải làm, DN không thể tự làm. Còn với DN, HTX phải thực hiện liên kết trên tinh thần tự nguyện, phải tuân thủ chặt chẽ các điều kiện về sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn… Chỉ như vậy, sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Long An mới thoát khỏi vòng luẩn quẩn “được mùa, mất giá”, hướng đến phát triển bền vững.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục