Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

Chiều 28-9, Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức diễn đàn “Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến” nhằm đánh giá 3 năm triển khai Nghị định số 109/2018 về nông nghiệp hữu cơ và triển khai Quyết định số 885/QĐ-TT Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030.
Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ảnh 1 Trang trại hữu cơ Nhất Thống (huyện Nhà Bè, TPHCM) sản xuất rau hữu cơ

Theo Bộ NN-PTNT, tính đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố triển khai và nông nghiệp hữu cơ đang lan tỏa ngày càng mạnh mẽ trên khắp cả nước. Năm 2021, diện tích đất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã trên 174.000 ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á. Trong đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ hơn 63.000 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ hơn 100.000 ha, diện tích thu hái tự nhiên nông nghiệp hữu cơ hơn 12.000 ha. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt 335 triệu USD/năm, xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới. Số lượng nhà sản xuất nông nghiệp hữu cơ hơn 17 ngàn đơn vị, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu.

Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ảnh 2 Trang trại hữu cơ Nhất Thống nuôi vịt hữu cơ

Mục tiêu đến năm 2030 diện tích đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 2,5 -3 % tổng diện tích đất nông nghiệp, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất hữu cơ cao gấp 1,5 -1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ.

Doanh số bán lẻ sản phẩm hữu cơ trên toàn cầu đã tăng 15% lên 129 tỷ USD vào năm 2020. Thị trường sản phẩm hữu cơ đã tăng mạnh lên 188 tỷ USD vào năm 2021, và ước đạt 208 tỷ USD năm 2022. Bắc Mỹ và Châu Âu chiếm hầu hết doanh số bán hàng, với 90% thị phần. Tuy nhiên, thị trường hữu cơ đang tăng trưởng đến từ các khu vực khác, đặc biệt là châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan…

Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Hồng Lam, nhà nước cần định hướng, chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ hiện nay rất đầy đủ, rộng mở, vấn đề là cách thức tổ chức, triển khai thực hiện. Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng được lòng tin với người sản xuất, tiêu dùng, các cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, địa phương...

Hệ thống chính trị địa phương cùng nhau vào cuộc quyết liệt, thực sự phát triển nông nghiệp hữu cơ thì địa phương đó sẽ triển khai thành công, phát triển mạnh mẽ. Về lâu dài, nhà nước phải xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất; đặt hàng doanh nghiệp, nhà khoa học, thậm chí là nông dân, bởi lẽ, chỉ có đặt hàng mới có thể sản xuất theo tín hiệu thị trường, đảm bảo được niềm tin cho sản phẩm.

Các sản phẩm hữu cơ TPHCM được nhiều người dân quan tâm
Để phát triển thị trưởng hữu cơ tại Việt Nam, ông Nguyễn Minh Tiến Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), nhìn nhận phải xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối và chính người tiêu dùng. Ngoài ra, các sản phẩm hữu cơ cần đa dạng chủng loại, mẫu mã để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần nắm bắt được các xu thế tiêu dùng nói chung và xu thế tiêu dùng sản phẩm hữu cơ nói riêng như sự chuyển dịch sang mua sắm tại nhà hay gia tăng số lượng các tiêu chuẩn bền vững và quy trình ghi nhãn mác sản phẩm về kiểm dịch động thực vật hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục