Kết nối TP Thủ Đức với Vùng đô thị động lực Đông Nam bộ

Ngày 9-12-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức biểu quyết thông qua Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM. Đây là một cột mốc mới trên con đường phát triển của TPHCM nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề về tầm nhìn quy hoạch để TP Thủ Đức phát triển xứng tầm là đô thị động lực (ĐTĐL) của cả vùng Đông Nam bộ. 

Thành phố Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức, diện tích tự nhiên khoảng 211,5 km2, quy mô dân số hiện nay khoảng 1,1 triệu người và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong tương lai. Đây là khu vực có nhiều tiềm năng lợi thế và có triển vọng trở thành hạt nhân của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của TPHCM, trên nền tảng phát triển kinh tế tri thức và khoa học công nghệ.

Mục tiêu của đề án là xây dựng Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao ở phía Đông TPHCM, nhằm phát huy các lợi thế sẵn có về hạ tầng dịch vụ như các trường đại học - đào tạo nhân lực chất lượng cao, Khu Công nghệ cao - sản xuất tiên tiến, Khu đô thị mới Thủ Thiêm - trung tâm tài chính cùng với hạ tầng giao thông đang được hoàn thiện như xa lộ Hà Nội, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Phạm Văn Đồng, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên... 

 Kết nối TP Thủ Đức với Vùng đô thị động lực Đông Nam bộ ảnh 1 Cảnh ùn ứ xe cộ kéo dài trên cao tốc TPHCM - Long Thành, đoạn đi qua quận 2, quận 9

Theo TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn, thành phố phía Đông (TP Thủ Đức) cần có các định hướng chiến lược là: Cần được quy hoạch với vai trò là ĐTĐL trung tâm, kết nối với tổ hợp các ĐTĐL ở phía Bắc (Bình Dương) và phía Đông (Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu); không giới hạn tầm nhìn quy hoạch các khu ĐTĐL theo địa giới hành chính; hình thành hạ tầng trọng điểm với giá trị liên kết vùng ĐTĐL cho mỗi địa phương để kích thích phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương trong tương quan kết nối vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ được quy hoạch xây dựng tương xứng với vai trò vừa là trung tâm thành phố phía Đông, vừa là trung tâm hiện đại của TPHCM và vùng đô thị TPHCM (gồm 8 tỉnh, thành phố của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An với TPHCM là hạt nhân). Khu đô thị mới Thủ Thiêm tất yếu sẽ là trung tâm mới của TP Thủ Đức nên mọi giao thông kết nối với vùng đô thị TPHCM gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy cần phải được tính toán.

Vấn đề quy hoạch phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng của TP Thủ Đức cần được tính toán để kết nối tốt với hạ tầng trọng điểm như các tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, metro Bến Thành - Suối Tiên, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Phạm Văn Đồng… Trong bối cảnh nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông ở nội đô TPHCM, trong đó có khu vực cảng Cát Lái, xa lộ Hà Nội, nút giao An Phú chưa được cải thiện, thì giao thông cần được ưu tiên để tạo nên hệ thống giao thông kết nối nội đô và vùng một cách thuận tiện.  

Đã có không ít người nghĩ rằng TP Thủ Đức có tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đi qua là đã có giao thông kết nối nhưng thực tế lại không phải vậy. Do đường cao tốc được thiết kế đi thẳng suốt tuyến (đoạn Long Thành - Dầu Giây) và đoạn TPHCM - Long Thành rất ít ngã rẽ, không thích hợp cho kết nối nên cần được nghiên cứu quy hoạch, xây dựng thêm các nút giao khác, nhiều tầng để phát huy lợi thế hạ tầng, kết nối thuận lợi với xa lộ Hà Nội, Phạm Văn Đồng (hiện vẫn là nút giao đồng đẳng trực tiếp nên chưa phát huy được, dễ xảy ra va chạm giao thông, khả năng kết nối còn rời rạc, cục bộ).

Theo giới chuyên gia quy hoạch, Khu đô thị Nam Sài Gòn có diện tích chỉ bằng 1/10 TP Thủ Đức, từng được Bộ Xây dựng xem là Khu đô thị kiểu mẫu quốc gia nhưng phải mất 30 năm thực hiện mới chỉ hoàn chỉnh Khu đô thị Phú Mỹ Hưng và khu chế xuất; còn các khu đô thị dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh vẫn phát triển khá chậm.   

Do đó, để TP Thủ Đức phát huy được lợi thế, trở thành hạt nhân trong Khu đô thị sáng tạo phía Đông của TPHCM thì trong quy hoạch phát triển cần định hướng chiến lược theo tư duy liên kết vùng ĐTĐL khu vực Đông Nam bộ để tạo hiệu quả cộng hưởng và lan tỏa. Đồng thời, cần giải bài toán lợi ích của từng tỉnh, thành khi triển khai các dự án đầu tư theo quy hoạch trên góc độ liên vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; cần phải thu hút được cư dân có tri thức, tay nghề cao và cần được xem là dự án chiến lược quan trọng để tập trung nguồn lực đầu tư.

TS Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, cho rằng: “Trong quan điểm về liên kết vùng, đa số địa phương thường dựa trên quan điểm xem lợi ích của địa phương mình lớn hơn lợi ích chung của cả vùng đã dẫn đến tình trạng không đồng bộ trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư sản xuất - kinh doanh và phát sinh mâu thuẫn trong việc chia sẻ lợi ích kinh tế khi hoàn thành các dự án”.

Tin cùng chuyên mục