Kết quả thi thử có đáng lo ngại?

Mới đây, kết quả thi thử kỳ thi THPT quốc gia ở một số địa phương khá thấp, trong đó có một trường THPT ở Quảng Ngãi 100% rớt tốt nghiệp. Nhiều địa phương cũng “sửng sốt” vì kết quả khó tin, cụ thể như tỉnh Sóc Trăng cũng chỉ có 30% “đỗ” tốt nghiệp. Ở thủ đô Hà Nội, một số trường có đầu vào thấp, ngay cả học sinh trung bình khá cũng không thể làm bài đạt điểm

Mới đây, kết quả thi thử kỳ thi THPT quốc gia ở một số địa phương khá thấp, trong đó có một trường THPT ở Quảng Ngãi 100% rớt tốt nghiệp. Nhiều địa phương cũng “sửng sốt” vì kết quả khó tin, cụ thể như tỉnh Sóc Trăng cũng chỉ có 30% “đỗ” tốt nghiệp. Ở thủ đô Hà Nội, một số trường có đầu vào thấp, ngay cả học sinh trung bình khá cũng không thể làm bài đạt điểm trung bình. Và nhiều trường cũng “giật mình” vì chỉ có khoảng trên 60% đậu tốt nghiệp. Tương tự, ở TPHCM, trừ một số trường THPT có đầu vào tốt, chất lượng đào tạo cao thì tỷ lệ học sinh làm bài đạt yêu cầu khá cao, còn lại cũng dao động ở mức 70% - 75% “đậu” tốt nghiệp THPT. Số học sinh bị điểm liệt, điểm 0 chiếm tỷ lệ không nhỏ và nhiều trường tỷ lệ yếu kém lên đến 20% - 30%... Thực tế này có đáng lo ngại hoặc báo động?

Theo lý giải của các nhà quản lý giáo dục và nhiều hiệu trưởng, kết quả thi thử thấp ở các địa phương có nguyên nhân là do đề thi minh họa khó hơn, yêu cầu cao hơn mẫu đề thi của Bộ GD-ĐT đưa ra. Hơn nữa, có nhiều nội dung học sinh lớp 12 chưa ôn kỹ và thái độ làm bài cũng chưa thể hiện quyết tâm cao. Vẫn biết việc tổ chức kỳ thi thử là để các sĩ tử mọi miền làm quen với cách thức thi cử, thủ tục và thời gian, không gian… nhưng kết quả thi thấp vẫn đang khiến các trường, nhất là học sinh có học lực trung bình lo âu. Đó là chưa kể việc tổ chức kỳ thi thử nhìn chung cũng tốn kém thời gian, công sức không nhỏ. Vẫn biết, đây là năm đầu tiên áp dụng kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh ĐH, CĐ nên có nhiều điểm mới và có thể gây bỡ ngỡ cho thí sinh. Thế nhưng, việc tổ chức thi thử không đơn thuần là tập dượt, làm quen mà còn tạo tâm lý lo lắng cho nhà trường, giáo viên lẫn thí sinh. Ngay sau khi có kết quả thi thử, nhiều trường cảm thấy áp lực căng hơn, phải tăng tốc - chạy nước rút để ôn luyện, bồi dưỡng thêm kiến thức cho học sinh có kết quả làm bài thấp, dưới mức trung bình và có điểm liệt.

Cũng từ thực tế đáng lo ngại về chất lượng đào tạo, ôn tập, nhiều trường lo sợ học sinh của mình đậu tốt nghiệp THPT với tỷ lệ không cao. Chính vì thế, có nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT nên xem xét, tham khảo đề thi minh họa của các địa phương để đánh giá đúng năng lực học sinh lớp 12 và điều chỉnh cấu trúc đề thi THPT quốc gia sao cho hợp lý. Bên cạnh đó, một số ý kiến lại đề xuất trong cấu trúc đề thi, Bộ GD-ĐT nên chia rõ hai phần với hai mục đích rõ ràng gồm thi xét tốt nghiệp và thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ để thí sinh không bị rối khi gặp những câu khó. Hoặc thiết kế đề thi theo hướng liên thông với các câu hỏi được phân hóa từ dễ đến khó để học sinh lượng sức làm bài.

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là thí sinh bước vào kỳ thi quan trọng. Hy vọng kết quả thi thật sẽ là thước đo đánh giá đúng năng lực của người học cũng như chất lượng đào tạo ở bậc THPT.

HÀ KHÁNH

Tin cùng chuyên mục