Hôm qua, thí sinh tại các TP lớn như TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ… hoàn thành ngày thi đầu tiên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2011-2012. Đề thi được các chuyên gia đánh giá hay nhưng khó, độ phân hóa cao, nhiều phụ huynh nắm được khả năng làm bài của con em đã nhanh chóng tìm cho con một cơ hội khác ngay sau khi kết thúc môn thi thứ 2.
Học sinh đã “biết mình biết ta”
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM sau ngày đầu của kỳ thi tuyển sinh lớp 10, có 351 thí sinh dự thi vào lớp 10 thường vắng thi và 166 thí sinh dự thi vào lớp 10 chuyên vắng thi. Theo ông Hồ Phú Bạc, Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT TPHCM, việc nhiều thí sinh vắng thi là chuyện bình thường, phản ánh đúng xu hướng giảm áp lực thi cử. Học sinh ở khu vực xét tuyển sau khi đăng ký dự thi đã cân nhắc kỹ và quyết định không thi, cũng như số học sinh đăng ký vào các trường ngoài công lập ngày một nhiều hơn. TPHCM mở rộng vùng xét tuyển có 9 quận, huyện xét tuyển vào lớp 10 công lập, trong đó có nhiều trường THPT nằm trong nhóm trường “top trên” khi còn thi tuyển như: Mạc Đĩnh Chi (quận 6), Nguyễn Hữu Huân (Thủ Đức), Trung Phú (Củ Chi), Nguyễn Hữu Cầu (Hóc Môn)… Chính việc kéo gần chất lượng giữa các trường xét tuyển - thi tuyển đã giúp phụ huynh, học sinh không cần phải mạo hiểm thi thố, trở về “tắm ao ta” với chất lượng giáo dục tương đương, vừa sức học, gần nhà nên lợi cả đôi đường.
Ông Trần Lung, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Đồng, từng chỉ ra xu hướng của những năm gần đây: Khi sự cạnh tranh vào lớp 10 càng khó khăn, phụ huynh, học sinh đã thận trọng hơn. Cụ thể năm nay, học sinh đã chọn trường đều hơn mọi năm. Không chỉ đăng ký những trường tốp cao mà đã biết cân nhắc với học lực và điều kiện của mình chọn trường vừa sức để chắc đậu nguyện vọng 1.
Theo các chuyên gia, tuy số hồ sơ đăng ký vào các trường tốp đầu, điểm chuẩn cao có giảm nhưng không có nghĩa cuộc đua vào các trường này kém phần gay cấn.
Cân nhắc cơ hội phù hợp
Theo dõi đề thi tuyển sinh vào lớp 10 nhiều năm qua, cô Trần Thúy An, Phó Hiệu trưởng, Tổ trưởng môn Ngữ văn Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1), cho rằng: Đề thi hay, có khả năng phân hóa học sinh, vừa kiểm tra kiến thức vừa tuyển chọn, phân loại học sinh. Câu 1 hỏi về kiến thức giáo khoa nhưng đòi hỏi học sinh phải nắm được tình huống quan trọng trong truyện mới có thể trả lời đúng. Câu hỏi hay ở chỗ không bắt thí sinh thuộc lòng, kiểm tra khả năng hiểu của học sinh đối với tình huống trong tác phẩm để vận dụng trả lời. Câu 3 là câu nghị luận xã hội nói về vấn đề “tự lập” khá gần gũi với học sinh, giúp học sinh thoải mái bộc lộ sáng tạo, suy nghĩ riêng. Câu 4 dạng nghị luận văn học có chức năng phân loại học sinh giỏi văn. Đề thi chọn tác phẩm Truyện Kiều thuộc giai đoạn văn học trung đại để học sinh cảm thụ, phân tích, trong đó đề thi chọn 2 khổ thơ không liên tục, ngắt quãng để yêu cầu học sinh phân tích. Điều này đòi hỏi học sinh phải có khả năng cảm thụ văn chương, hiểu được nghệ thuật ngụ cảnh tả tình của tác giả để phân tích được sự thay đổi của cảnh vật gắn với sự thay đổi tâm trạng nhân vật ở 2 khổ thơ. Sự phá cách này khá khó đối với học sinh khá, chỉ những học sinh có năng khiếu văn, hiểu kỹ tác phẩm mới đáp ứng yêu cầu đề bài. Nhiều thí sinh bất ngờ khi đề thi có đến 3 câu nằm trong chương trình học kỳ I.
Tương tự, đề thi môn Anh văn cũng đã mới hơn khi “những câu phân loại không tập trung ở một dạng yêu cầu nào mà dàn đều ra trong từng nội dung. Ở từng phần, đề thi đều dành 1 - 2 câu để kiểm tra khả năng thật sự của người học. Kiến thức của đề chỉ tập trung trong chương trình sách giáo khoa nhưng học sinh phải học kỹ mới có thể làm bài đạt điểm khá giỏi” - cô Vũ Thị Thanh Tâm, Tổ phó Tổ Anh văn Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Tân Bình), nhận định.
Với đề thi Văn và Anh văn được đánh giá khó, ít thí sinh đạt điểm giỏi như năm nay, các chuyên gia khuyến cáo những thí sinh trót đăng ký nguyện vọng vào trường cạnh tranh cao nhưng bài làm chưa tốt cần tìm cho mình một cơ hội khác ở các trường ngoài công lập, trung cấp chuyên nghiệp…
Mỹ Hằng