
Chuyện kẹt xe tại TPHCM không còn là chuyện lạ, thế nhưng những ngày đầu tháng 4 này, tình trạng kẹt xe lại càng trầm trọng hơn, thường xuyên hơn và diễn ra cùng một lúc. Tại sao?
Kẹt xe trên diện rộng

Ngay sau khi “lô cốt” đào đường tại giao lộ Cách Mạng Tháng Tám - Võ Văn Tần vừa dựng lên, lập tức tình hình kẹt xe tại giao lộ này xảy ra thường xuyên bất kể là giờ cao điểm hay không cao điểm.
Việc kẹt xe thường xuyên tại giao lộ này dẫn đến kẹt xe dây chuyền ở hàng loạt tuyến đường lân cận như Nguyễn Thị Diệu, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương, Ngô Thời Nhiệm…
Bởi lẽ, tại khu vực này các giao lộ cắt ngang đường Cách Mạng Tháng Tám có khoảng cách quá ngắn, một số giao lộ không có đèn tín hiệu giao thông. Hơn nữa, các tuyến đường này lại không hạn chế xe ô tô lưu thông.
Do vậy, chỉ cần một chiếc xe ô tô từ các tuyến đường kể trên chuyển hướng vào đường Cách Mạng Tháng Tám thì lập tức xung đột giao thông diễn ra và ùn tắc nhanh chóng lan ra các tuyến đường lân cận, như Nguyễn Thị Minh Khai, Bùi Thị Xuân, Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ…, thậm chí kéo dài đến ngã 6 Phù Đổng Thiên Vương, vòng xoay Công trường Dân Chủ.
Với chỉ một “lô cốt” nằm ở giao lộ đã ảnh hưởng đến giao thông thành phố như vậy, trong khi hàng loạt “lô cốt” khác đã và đang tiếp tục được dựng lên tại các giao lộ. Riêng trên địa bàn quận 3, theo ghi nhận của chúng tôi có đến hàng chục giao lộ đang bị “lô cốt” án ngữ.
Cụ thể, tại các giao lộ: Cao Thắng - Điện Biên Phủ; Cách Mạng Tháng Tám - Điện Biên Phủ; Võ Thị Sáu - Pasteur; Nguyễn Thông - Tú Xương; Nguyễn Thông - Lý Chính Thắng; Trần Quốc Thảo - Lý Chính Thắng; Trương Định - Lý Chính Thắng; Trần Quốc Thảo - Kỳ Đồng; Võ Thị Sáu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa… đều có “lô cốt”. Trong đó, 3 “lô cốt” tại các giao lộ Điện Biên Phủ - Cách Mạng Tháng Tám, Võ Văn Tần - Cách Mạng Tháng Tám; Trương Định - Lý Chính Thắng nhiều khả năng phải kéo dài thời gian thi công vì vướng công trình ngầm.
Không chỉ trên địa bàn quận 3, nhiều quận khác hiện tại cũng có rất nhiều “lô cốt” nằm ngay giao lộ gây kẹt xe thường xuyên. Đơn cử, tại ngã tư Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám kể từ ngày có “lô cốt” dựng lên thì: “Không ngày nào không xảy ra kẹt xe, vào bất kể giờ nào. CSGT chúng tôi còn bức xúc huống hồ gì người dân. Công trình nằm ngay ngã tư mà cứ làm ì ạch hoài, trong khi tại giao lộ này có mật độ phương tiện lưu thông rất lớn. Dẫu có điều cả chục CSGT trực chốt tại đây cũng khó cải thiện được vì đâu còn đường để CSGT điều tiết” - một sĩ quan CSGT thuộc Đội 4 bức xúc nói.
Sao không thi công so le?
Theo Trung tâm Điều hành chống ngập nước TPHCM, từ ngày 11-4, 75 “lô cốt” với tổng chiều dài hơn 2km sẽ mọc trên 3 tuyến gồm: đường 3 Tháng 2 (Q.11), đường Chu Văn An (Q.6) và đường Phạm Văn Chí (Q.6). Đây là những “lô cốt” phục vụ cho việc thi công các công trình thuộc tiểu dự án cải tạo hệ thống thoát nước lưu vực rạch Hàng Bàng. |
Tại sao lại triển khai ồ ạt các “lô cốt” trên nhiều tuyến đường cùng lúc và các “lô cốt” lại tập trung tại các giao lộ? Một chuyên viên Sở GTVT cho rằng: “Biết rằng việc cấp phép cho nhiều “lô cốt” mọc lên trên cùng một tuyến đường hay thi công đồng loạt trên các tuyến đường, nhất là tại các giao lộ liên tuyến như vậy sẽ bít hết hướng lưu thông, dẫn đến kẹt xe bùng phát… Tuy nhiên, do áp lực tiến độ giải ngân vốn, áp lực hoàn thành dự án nên không còn các nào khác”.
Chúng tôi không bình luận gì về cách giải thích trên, tuy nhiên cách tổ chức thi công hiện nay chưa được dư luận đồng tình. Bởi lẽ, nếu nói do áp lực để hoàn thành dự án thì các nhà thầu phải tích cực thi công cả ngày lẫn đêm để sớm thu dọn công trường.
Nhưng trên thực tế theo ghi nhận của chúng tôi, tại các “lô cốt” trên các tuyến đường như Lê Văn Sỹ, Lý Chính Thắng, Cách Mạng Tháng Tám, 3 tháng 2, Cao Thắng… từ sáng đến chiều không thấy bóng dáng công nhân nào làm việc. Giải thích tình trạng này, các nhà thầu cho rằng đào đường để lắp đặt cống chỉ có thể diễn ra vào ban đêm vì nếu làm vào ban ngày, xe chở đất không thể vào được bởi nếu vào sẽ gây kẹt xe nhiều hơn (?). Cách giải thích trên xem ra khó thuyết phục.
Anh Nguyễn Văn Thắng, ngụ tại quận Tân Bình, cho biết: Từ nhà anh đi đến công ty không có đường nào không bị vướng “lô cốt”. Tất cả các đường Trường Chinh, Cách Mạng Tháng Tám, Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi, Lê Văn Sỹ, Phan Đình Phùng… đều có “lô cốt”. Thậm chí khi đi vòng theo đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hay đường Lý Thường Kiệt cũng không thoát được “lô cốt”.
“Tại sao không thi công so le các tuyến đường mà lại thi công cùng lúc trên hàng loạt tuyến đường như vậy. Hơn nữa cần hướng dẫn cho người dân đi theo lộ trình nào chứ không thể cứ thông báo “các phương tiện chọn hướng đi khác” một cách vô trách nhiệm như thế” - anh Thắng bức xúc.
CSGT sẽ tăng cường lực lượng điều tiết Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Võ Văn Vân, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an TPHCM, cho rằng: Hầu hết các rào chắn để thi công các công trình đều được cơ quan chủ quản thông báo trước cho phía CSGT. Qua tình hình thực tế, Ban chỉ huy Phòng CSGT và các đội, trạm trực thuộc đều có cảnh báo tình hình ùn tắc giao thông và giải pháp xử lý. Từ đó, CSGT lên kế hoạch chi tiết để tăng cường quân số, phương tiện tuần tra để kịp thời phát hiện tình trạng kẹt xe tại các khu vực thiết lập rào chắn cũng như các tuyến đường lân cận. Tuy nhiên, với tiến độ và việc thi công tràn lan như hiện nay - nhất là tại các giao lộ - việc ùn tắc sẽ diễn ra thường xuyên và phức tạp hơn. Theo quy định đơn vị thi công phải cử người tham gia điều hòa giao thông trong suốt thời gian thi công nhưng rất ít đơn vị thực hiện. |
ĐOÀN HIỆP – HỒ THU
(SGGP 12G)