Khắc phục tình trạng thủ tục lòng vòng, quy định chung chung

Có hàng loạt vấn đề phải điều chỉnh, thậm chí một số quy định trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014, nhằm mục đích xây dựng một môi trường kinh doanh tốt hơn. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét:
Khắc phục tình trạng thủ tục lòng vòng, quy định chung chung

Có hàng loạt vấn đề phải điều chỉnh, thậm chí một số quy định trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014, nhằm mục đích xây dựng một môi trường kinh doanh tốt hơn. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét:

° Hiện nay, khi phê duyệt chủ trương đầu tư (theo Luật Đầu tư - PV), đã có sự tham gia của nhiều cơ quan khác nhau để thẩm tra phù hợp quy hoạch, đánh giá nhu cầu sử dụng đất, đánh giá sơ bộ môi trường; nhưng sau đó, nhà đầu tư vẫn phải thực hiện một số thủ tục tương tự tại các cơ quan đã tham gia cho ý kiến trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư. Chẳng hạn, Luật Nhà ở yêu cầu phải xin lại quyết định chủ trương đầu tư với dự án nhà ở, Luật Xây dựng yêu cầu thủ tục quy hoạch xây dựng, Luật Đất đai buộc phải đánh giá nhu cầu sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng trước khi giao đất, cho thuê đất; Luật Bảo vệ môi trường cần có báo cáo đánh giá tác động môi trường…

° Vậy theo ông, như thế nào là hợp lý?

° Ông PHAN ĐỨC HIẾU: Cần nghiên cứu, xem xét lại mục tiêu và tính hợp lý của việc quyết định chủ trương đầu tư. Tại giai đoạn ban đầu, chấp thuận chủ trương đầu tư chỉ nên đặt mục tiêu lựa chọn nhà đầu tư tốt, dự án tốt tại một địa điểm nào đó. Sau khi được lựa chọn và chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư bắt đầu thực hiện song song cùng lúc các thủ tục cần thiết khác như quy hoạch xây dựng, giấy phép xây dựng, môi trường… Chấp thuận chủ trương đầu tư có thể coi là điều kiện mà nhà đầu tư phải tuân thủ khi triển khai và xây dựng dự án đầu tư. Do đó, chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ chỉ có hiệu lực trong một thời gian nhất định để giám sát tiến độ xây dựng dự án. Sau khi dự án đã hoàn thành xây dựng, thì giám sát thực hiện thông qua kiểm soát mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất, và cổ phần, phần vốn góp, giám sát về môi trường, cạnh tranh, lao động…

Luật Doanh nghiệp hiện nay cũng còn những vướng mắc, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: MỸ HẠNH


° Theo các doanh nghiệp, ngay cả Luật Doanh nghiệp hiện nay cũng còn những vướng mắc, cản trở hoạt động kinh doanh. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

° Khác với Luật Đầu tư, vướng mắc của Luật Doanh nghiệp chủ yếu là vấn đề kỹ thuật, một số quy định chưa cụ thể, chưa rõ ràng và chưa hợp lý. Chẳng hạn, một số loại hoạt động kinh doanh (chứng khoán, bảo hiểm, giám định tư pháp...) phải thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định riêng và tại cơ quan khác, khiến hệ thống thông tin doanh nghiệp bị phân tán, một số cải cách mang tính chất tiến bộ trong Luật Doanh nghiệp không áp dụng được. Hay như Luật Doanh nghiệp cho phép doanh nghiệp có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, quy định được cho là chưa đủ cụ thể để xử lý trường hợp nhiều người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp lạm quyền hoặc đùn đẩy trách nhiệm trong thực hiện giao dịch nhân danh công ty, có thể gây khó khăn, rủi ro cho bên thứ ba. Ngoài ra, yêu cầu kiểm soát viên của doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần có trên 50% sở hữu nhà nước phải là kiểm toán viên, kế toán viên chuyên nghiệp là chưa hợp lý, khó thực hiện…

° Ngay cả các quy định về cổ đông trong Luật Doanh nghiệp 2014 cũng được coi là chưa hiệu quả để bảo vệ cổ đông nhỏ. Ông có đồng tình với quan điểm này?

° Luật Doanh nghiệp đã có một bước tiến trong thiết lập quy định về bảo vệ cổ đông nhỏ. Mặc dù vậy, thực tế thực hiện cho thấy còn một số quy định cần được cụ thể hơn, rõ ràng hơn để các cổ đông thực hiện quyền của mình tốt hơn. Liên quan đến vấn đề này, Luật Doanh nghiệp 2014 còn quy định việc ủy quyền dự họp đại hội đồng cổ đông phải thực hiện theo mẫu ủy quyền do công ty phát hành. Quy định như thế đã tạo điều kiện cho một số công ty lạm dụng quy định này để hạn chế, gây khó khăn cho cổ đông, cổ đông nhỏ khi họ muốn ủy quyền cho người khác dự họp đại hội đồng cổ đông.

 Còn nhiều vấn đề cũng như các quy định pháp luật đang gây khó khăn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước mắt chúng tôi đang tập trung vào rà soát nội dung của Luật Doanh nghiệp.

° Xin cảm ơn ông!

ANH THƯ thực hiện

Tin cùng chuyên mục