
Trời chiều bảng lảng, anh Thú, giáo viên người Mường ở một trường cấp hai, chở tôi vi vu trên xe máy đến xem khu mộ cổ Động Thếch, xã Vĩnh Đồng, Kim Bôi (Hòa Bình). Những ngọn đá hình chông, hình mác khá to, ngọn dựng đứng, ngọn nghiêng nghiêng, rải rác trên vạt đất ngô đang lên mập mạp, mơn mởn.
Anh bảo: đá này lấy tận Thanh Hóa về xây mộ cho quan Mường xưa. Tôi lặng nhìn rặng núi xa, mờ dần trong màn sương đang phủ xuống, lâng lâng nỗi nhớ về một thời xưa cũ của bốn Mường nổi tiếng: Bi, Vang, Thàng, Động. Và Kim Bôi tức Mường Động... Chợt nhớ câu hát xót xa từng nghe mấy mươi năm trước:
Yêu nhau cho thịt cho xôi
Ghét nhau đưa đến Kim Bôi, Hạ Bì.
Sao vậy nhỉ? Tôi đồ rằng ngày xưa, vùng đất này khí hậu khắc nghiệt. Mùa đông, khí núi phả ra hun hút lạnh, buốt thấu xương, khiến cho người lạ đến Mường Động sinh ra “ngã nước” mà ốm chết. Thế mới lại có câu: Nước Sơn La ma Hòa Bình. Mà ở Hòa Bình thì Kim Bôi là đất dữ. Dữ không chỉ ở rừng rậm, nhiều hùm beo gấu báo mà còn dữ vì nơi này chứa nhiều mỏ sa khoáng. Kim Bôi là cái chén vàng, vàng sa khoáng ở đây không ít. Cứ đụng đến đào bới đất để lấy quặng là y như rằng canh tác nông nghiệp gặp khó khăn…

Ảnh: C.T.V
Hôm nay, anh Thú chạy xe vài chục cây số, đón tôi cho trọn nghĩa người Mường quen đón khách ở xa về. Chúng tôi về nhà anh Nhân, đồng nghiệp của Thú. Ngôi nhà sàn Nhân vừa mới cất giữa vùng thị tứ. Những chiếc cột nhà, xà ngang gỗ bóng loáng, to và chắc như cột bê-tông, ở nhà một thầy giáo vùng cao khiến người thành phố phải ngẩn ngơ...
Vợ Nhân - cô giáo dạy ở trường cấp ba huyện - khéo tay và khéo làm đã chuẩn bị một bữa tối đậm đặc phong vị Mường. Chúng tôi được nếm rượu chuối hột, ăn món rau với nhiều loại: bắp chuối rừng, hoa đu đủ đực, lá bồ ngót, mùi tàu, lá sắn non… (trên dưới 10 loại rau rừng trong món rau này, như một bát thuốc). Món canh gà nấu với măng giang hột dổi, thanh khiết, đậm đà…
Sáng sớm, chúng tôi lững thững đi bộ vào xóm nhà ven núi. Những ngôi nhà xây, vườn lác đác mấy khóm hoa, với những giàn “lặc lày” (giống quả dưa leo nhỏ), có nhà chẳng cần làm giàn, cứ để “lặc lày” bò tràn lên cây, trái treo lủng lẳng, quả xanh có, quả vàng có. Nhớ lại bữa trưa hôm qua, vừa đến Kim Bôi, tôi đã nếm ngay “lặc lày” luộc chấm muối vừng, ngọt và ngon lạ lùng. Su su Tam Đảo, “lặc lày” Mường Động ai đã nếm một lần, cả đời sẽ không quên... Thạc sĩ, nhà thơ nữ người Mường Bùi Tuyết Mai bảo: “Anh thấy không, người quê em sống hồn nhiên, “lặc lày” cứ để vàng mà không cần hái bán. Có lần, em dự một bữa tiệc sang trọng ở thủ đô, thực đơn có món “mướp Nhật”, ai cũng khen là đặc sắc, nhưng em chỉ cười, vì nó là món “lặc lày” của xứ Mường quê em...”. Tôi liếc nhìn mái tóc dài buông quá gối để hong khô của Mai, trong khung cảnh rừng núi hôm nay (mọi hôm cô vấn tóc) lòng nghĩ suy về những giá trị của cái đẹp, cái quí, cái hay đang bị đánh tráo...
Chúng tôi tiếp tục đi về phía chân núi. Có tiếng suối róc rách đâu đây. Một ông lão dáng khỏe mạnh, da dẻ hồng hào đi ngược lại. Mai cất giọng Mường chào. Ông già vui vẻ đáp, tôi nghe có từ “thắm” (tắm). Thì ra là ông đi tắm. Tôi nghĩ chắc ông ra suối tắm. Con suối đã hiện sau khúc quanh. Mai nói: suối này tên Mớ Đá. Một người đàn ông đang quơ túm cỏ rửa chiếc Honda Dream còn mới. Mai nói mấy câu, anh kia cười vang và bảo: hôm nay rảnh việc, ra suối rửa xe cho đẹp. Tôi theo Mai, xắn quần lội qua làn nước mát tràn trên những hòn cuội nhẵn thín, trơn trợt. Một bà mặc áo pắn (áo của phụ nữ Mường) màu lá, mũ trắng đội đầu, đang ngồi trông đàn vịt rúc rỉa dưới suối. Bà bảo: đất họ lấy hết rồi, chẳng có việc làm, đi chăn vịt thôi. (Người ta lấy đất khai thác nước khoáng. Nước khoáng Kim Bôi có giá trị y học cao, uống hay tắm đều rất tốt). Bà chỉ hướng cho chúng tôi đi tiếp đến nhà tắm “hợp tác xã”. Hóa ra ông lão lúc nãy đi “thắm” ở đây.
Đó là mấy gian nhà tắm xây gạch, tô vôi để mộc, như thường thấy ở miền Bắc nhiều chục năm trước, tắm và lấy nước chỉ vài ngàn đồng. Mấy bà đang hì hụi giặt giũ, mấy người đang lấy nước vào can nhựa, buộc lên xe máy chạy vù đi... Chả bù với khu nghỉ dưỡng tắm nước khoáng Kim Bôi chúng tôi vào hôm qua, giá cao gấp vài chục lần, nhưng hồ bơi đẹp, rộng rãi, đầy đủ tiện nghi... Những ngày nghỉ cuối tuần, khách khắp nơi đến Kim Bôi nườm nượp, khách sạn, nhà hàng chật cứng, giá cũng thật cứng chứ chẳng mềm chút nào...
Chúng tôi đi tiếp về hướng màu xanh trong chân núi theo tiếng suối tuôn róc rách... Tôi ngắm màu xanh rừng núi phía trước, chợt nhớ mấy câu thơ của danh nhân nước Việt Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Tôi nghĩ đến những người ở phương Tây quá ngán cuộc sống lao xao đang tìm về màu xanh cây rừng, sông suối...
Thầy giáo Thú và Nhân là bạn học cùng lớp với Mai thời trẻ. Mai đưa tôi đến Kim Bôi, Hạ Bì không phải vì “ghét nhau”, mà vì cô yêu tha thiết và muốn mọi người cùng yêu mến xứ Mường hồn nhiên thanh khiết của cô
TRẦN THANH GIAO