Từ ngày hòa bình lập lại (năm 1954) đến nay, nước ta đã 6 lần tiến hành tổng điều tra dân số và nhà ở. Năm 1960 và 1974 ở miền Bắc, năm 1976 ở miền Nam và từ 1979 đến nay, theo thông lệ quốc tế, cứ 10 năm một lần, ta lại tổ chức tổng điều tra dân số và nhà ở trên phạm vi cả nước (1979, 1989, 1999). Lần này, cuộc tổng điều tra bắt đầu từ 0 giờ ngày 1-4-2009. Cũng như những lần trước đó, mục đích của việc tổng điều tra nhằm thu thập các thông tin cơ bản về dân số và nhà ở phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo quá trình phát triển dân số và nhà ở trên phạm vi cả nước và từng địa phương. Trên cơ sở đó, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn 2000-2009 và định hướng xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội cho giai đoạn 2010-2020. Ngoài ra còn cung cấp các thông tin giám sát việc thực hiện “Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ” của Liên hiệp quốc mà Việt Nam đã cam kết.
Đây là công việc rất lớn và phức tạp, liên quan đến các cấp, các ngành và mỗi người dân. Nó cũng đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, dự kiến lên đến hàng trăm tỷ đồng và phải huy động khoảng ba mươi vạn người tham gia trong khoảng thời gian nhiều tháng liền. Do vậy, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 27-CT/TW yêu cầu các cấp ủy Đảng, Đảng đoàn, ban cán sự Đảng, đảng viên phải xem đây là công tác quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của tất cả các ngành, các cấp. Thủ tướng Chính phủ, trong Quyết định số 94/2008/QĐ-TTg ngày 10-7-2008, đã thành lập Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng làm trưởng ban với thành phần gồm đầy đủ các bộ-ngành liên quan. Trong thực hiện, Ban chỉ đạo Trung ương lưu ý các cấp, các ngành chống tư tưởng chủ quan, tùy tiện trong việc chấp hành các quy định, nghiệp vụ của cuộc tổng điều tra; đặc biệt cần triển khai một chiến dịch tuyên truyền nhằm giúp người dân hiểu rõ “Vì lợi ích của nước nhà và lợi ích thiết thân của mỗi người mà cần phải điều tra dân số” (lời Hồ Chủ tịch).
Để cuộc tổng điều tra thắng lợi, có lẽ quan trọng nhất vẫn là việc thu thập và xử lý nguồn thông tin. Nó không chỉ đòi hỏi lực lượng điều tra viên, giám sát viên phải nắm chắc nghiệp vụ, tỉ mỉ, sâu sát mà còn phải hết sức tế nhị khi đụng đến các vấn đề hết sức riêng tư của người dân như tình trạng hôn nhân, tuổi tác, việc làm... Trong tác nghiệp, các điều tra viên phải giải thích để người dân – người cung cấp thông tin, hiểu rõ rằng những thông tin cá nhân mà người dân cung cấp sẽ được giữ kín và chỉ được dùng để tổng hợp chung vào số liệu dân số của xã/phường, huyện/quận, tỉnh/thành phố và cả nước chứ không dùng cho bất kỳ mục đích nào khác. Cũng cần lưu ý người dân về điểm khác nhau cơ bản giữa khái niệm “hộ” trong quản lý hộ khẩu (phải được ngành công an xác nhận) và “hộ” trong tổng điều tra dân số (không cần ngành công an xác nhận). Bởi nếu người dân không thông tỏ việc kê khai hộ trong tổng điều tra dân số không liên quan gì đến các tiêu chuẩn để “tách hộ, nhập hộ” hoặc “tách khẩu, cắt khẩu”, và cũng không liên quan đến các chính sách kinh tế xã hội khác như: thu thuế nhà/đất, cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà, huy động nghĩa vụ… thì chắc chắn kết quả điều tra sẽ không đạt yêu cầu.
Ai cũng hiểu hậu quả của việc xây dựng kế hoạch dựa trên những con số ảo là như thế nào. Vì thế, tổng điều tra vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của người dân; “khai đúng, khai đủ” là cách thiết thực nhằm tránh lãng phí trước mắt và lâu dài.
Hương Uyên