Khai mạc Hội nghị Kiều bào chung sức xây dựng TPHCM

Khai mạc Hội nghị Kiều bào chung sức xây dựng TPHCM

>> Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong: Xây dựng cơ chế phát huy nguồn lực kiều bào

(SGGPO).- Sáng 12-11, tại TPHCM, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng TPHCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” khai mạc.

Tham dự có các đồng chí: Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM… Hơn 500 chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào ở khắp các châu lục về dự hội nghị.

Các đại biểu kiều bào dự hội nghị. Ảnh: Việt Dũng

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, hội nghị là sự kiện lớn đầu tiên triển khai cho kiều bào với riêng TPHCM. Sở dĩ là TPHCM vì TP không chỉ từng là “hòn ngọc của Viễn Đông” trước đây mà còn luôn là đầu tàu phát triển và luôn đi đầu cả nước trong tiến trình mở cửa, hội nhập quốc tế hiện nay. Vì vậy, TPHCM phải đi trước để cả nước tiến lên. Đó không chỉ là mong muốn của Đảng và Nhà nước, của chính quyền và nhân dân TPHCM mà tin rằng còn là mong muốn của đông đảo kiều bào.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, 30 năm đổi mới, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng, chính trị - xã hội được giữ vững ổn định, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao, đạt mức thu nhập trung bình. Trong thời gian tới, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, chúng ta cũng đang đối mặt với những thách thức lớn.

Đồng chí Phạm Bình Minh chỉ rõ, mô hình tăng trưởng cũ là tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào lợi thế tài nguyên và nhân công rẻ từng mang lại thành công cho Việt Nam, nay đã có dấu hiệu tới hạn. Năng suất, trình độ công nghệ và quản trị còn thấp, chưa tham gia sâu được vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Cùng với đó, các vấn đề về biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên… ảnh hưởng đến tương lai phát triển bền vững của đất nước.

Để vượt qua các thách thức, sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Đảng và Nhà nước nhận thức rõ: cải cách thể chế kinh tế và tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn nữa là con đường duy nhất để Việt Nam bứt phá. Vì vậy, Chính phủ đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động và chất lượng nguồn nhân lực…

Trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, Chính phủ chú trọng tái cơ cấu các thị trường - nhân tố sản xuất quan trọng.

Đối với đầu tư nước ngoài, đồng chí Phạm Bình Minh cho hay, Chính phủ khuyến khích các dự án đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên là kết cấu hạ tầng, phát triển nhân lực chất lượng cao, công nghiệp phụ trợ và nông nghiệp.

Về phần mình, Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa đổi mới toàn diện, xây dựng một chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ phát triển, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi, minh bạch cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định: Đảng và Nhà nước luôn xác định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Các hoạt động hợp tác về khoa học – công nghệ, đầu tư kinh doanh của kiều bào hiện nay đã trở thành nguồn lực quan trọng đóng góp hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước.

“Đất nước rất cần tri thức, kinh nghiệm, trí tuệ và nhiệt huyết của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước” – đồng chí Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh mong các chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào trao đổi cụ thể về tiềm năng cũng như cơ hội và thách thức đối với TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung. Từ đó đề xuất các ý tưởng, biện pháp để đưa TPHCM phát triển nhanh, bền vững hơn.

Tại phiên khai mạc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, TPHCM đang đứng trước yêu cầu chuyển biến mạnh mẽ cả về thể chế, chính sách, nguồn nhân lực, tạo đột phá trên mọi lĩnh vực nhằm xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt; có vai trò động lực trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước; sớm trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ trong khu vực và trở lại vị trí dẫn đầu trong khu vực.

Với mục tiêu này, lãnh đạo TPHCM đang thể hiện quyết tâm thay đổi, đồng thời đặt ra nhu cầu cần quy tụ và huy động mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực kiều bào.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu các sở, ban, ngành làm việc một cách nghiêm túc, trách nhiệm, cầu thị trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến đóng góp hết sức tâm huyết, quý báu của kiều bào để đưa ra các giải pháp khả thi, hiệu quả.

Chiều tối 12-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi gặp gỡ các trí thức, doanh nghiệp kiều bào tiêu biểu. Phát biểu tại đây, Thủ tướng khẳng định, tiềm năng đất nước còn rất lớn. Sống trong nền công nghệ số, con người vẫn cần ăn uống, đi lại, du lịch, nghỉ ngơi và chúng ta có đầy đủ điều kiện để đáp ứng cho sự phát triển đó nếu chúng ta biết tổ chức công việc, biết khắc phục các yếu kém, nhất là thể chế, để phát triển. Nhưng cũng phải nhìn thấy những khuyết điểm rất lớn, nhất là quản lý kinh tế xã hội và thể chế phát triển. “Chúng ta nhận thức những hạn chế, bất cập để có giải pháp mạnh mẽ hơn. Càng khó khăn, chúng ta càng đoàn kết, thống nhất, càng có ý chí mãnh liệt cho sự phát triển chứ không phải chùn bước” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định. 

Khai mạc Hội nghị Kiều bào chung sức xây dựng TPHCM ảnh 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng vợ chồng GS Trần Thanh Vân (kiều bào Pháp)

***

GS-TSKH NGUYỄN KIM ĐAN (kiều bào Pháp): Quản lý rủi ro ngập lụt

Ngập lụt ở TPHCM chịu tác động của 3 yếu tố tự nhiên: mưa, triều cường và lũ triều sông Sài Gòn. Chúng ta cần khẳng định là “không thể chống ngập bằng mọi giá”, vì vậy, cách tiếp cận khôn ngoan nhất là quản lý rủi ro ngập lụt để giảm thiểu tới mức thấp nhất tổn thất do ngập lụt, bảo đảm phát triển kinh tế, dân sinh, y tế và xã hội trong điều kiện tốt nhất có thể, trước, trong và sau lũ.

Khi kiểm soát ngập, chúng ta nên sử dụng quan điểm quản lý rủi ro theo nhiều mức để phân biệt nơi nào có thể không bị ngập lụt, nơi nào có thể tránh được ngập ở một mức độ bảo đảm nhất định (chu kỳ 10, 50 hay 100 năm) và nơi nào không thể tránh được ngập, cần có biện pháp để có thể phục hồi nhanh nhất với thiệt hại thấp nhất.

Trước mắt, để giảm tới mức thấp nhất trong thời gian này, nên khẩn cấp tiến hành các biện pháp mềm (phi công trình) như: thông báo đầy đủ tới người dân về quy hoạch quản lý rủi ro ngập lụt của TP. Hạn chế phát triển đô thị xuống vùng có địa hình thấp nếu không có giải pháp đi kèm là đào hồ chứa nước, lấy đất đắp nền. Dung tích hồ chứa cần đủ để có thể chứa được lượng mưa rơi ngay trên khu vực. Xây dựng hệ thống cảnh báo lũ sớm cho TP.

GS-TS ĐẶNG LƯƠNG MÔ: Nên dùng chiều cao để… giải phóng mặt bằng

Tôi thấy hình như chúng ta lơ là hay không để ý tới đó là vấn đề “quyền hưởng ánh mặt trời”. Nhật Bản rất quan tâm cái này. Họ quy định nhà ở, kể cả cao ốc, xây sau phải tôn trọng quyền đó của những nhà ở gần xây trước.

Quy định như vậy nhằm bắt buộc các cao ốc, nhà cao tầng phải chừa ra một phần đất làm khoảng trống cách xa nhà bên cạnh, để trồng cây xanh, để làm buồng phổi cho một thành phố quá ngột ngạt vì nhà cửa. Nói ngắn gọn, những nhà xây lên không được phép che ánh nắng của nhà bên cạnh. Bóng rợp của ngôi nhà cao tầng phải không được che khuất những nhà xung quanh. Phương pháp tính bóng rợp thế nào, đều có quy định hẳn hoi. Về mặt phát triển đô thị, chúng ta nên tham khảo kinh nghiệm này và đó chính là sách lược dùng chiều cao để giải phóng mặt bằng. Mặt bằng được giải phóng sẽ dùng cho cây xanh, bãi đậu xe, cho nới rộng lòng đường… Nếu làm được, sẽ góp phần tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững hạ tầng cơ sở, giải quyết tình trạng kẹt xe ở TP.

TS NGUYỄN THANH MỸ (kiều bào Canada): Xây dựng thành phố thông minh

Xây dựng TPHCM trở thành một TP thông minh sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức và tốn kém, nhưng là việc làm đúng. Đây cũng mở ra rất nhiều cơ hội cho người Việt Nam ở trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin, phần cứng, phần mềm và các giải pháp nhằm phục vụ cho việc xây dựng hạ tầng cơ sở của TP thông minh. Cụ thể hơn, TPHCM sẽ cần rất nhiều loại cảm biến không dây, thiết bị đo đạc thông minh, Internet vạn vật, máy bán hàng tự động, giải pháp tự động hóa, cơ sở dữ liệu lớn, thương mại điện tử và những ứng dụng trên điện thoại di động. Đầu tư về giáo dục thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh và những lĩnh vực thông minh khác nên được TPHCM mời gọi và khuyến khích.

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục