
Khai thác bauxite ở Tây Nguyên luôn là vấn đề nóng mà báo chí dành cho các đại biểu QH tại kỳ họp lần này. Ngày 22-5, bên hành lang QH, Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên (ảnh) trao đổi với báo chí về vấn đề này.
- Phóng viên: Sau khi đoàn công tác của Bộ TN-MT đi khảo sát 2 khu mỏ Tân Rai và Nhân Cơ, có những vấn đề gì đáng chú ý?
Bộ trưởng PHẠM KHÔI NGUYÊN: Chúng tôi vừa thị sát 1 tuần ở đó. Báo cáo đánh giá tác động môi trường của mỏ bauxite Nhân Cơ đã trình Bộ TN-MT nhưng chưa đạt yêu cầu. Còn 8 vấn đề phải bổ sung nhưng đến nay vẫn chưa trình lại. Chúng tôi đã yêu cầu làm rõ điều kiện để hoàn thổ, trồng cây vì chưa đạt. Xử lý bùn đỏ, bãi chứa bùn đỏ cũng chưa đảm bảo. Vấn đề xử lý nước đầu nguồn khi mùa mưa đến, các khâu lọc nước chưa được. Tiêu chuẩn nước thải ra cũng phải xem xét tiếp... Báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa được duyệt, dự án không thể khởi công….
- Ông có suy nghĩ gì về lo lắng của nhân dân và cử tri cả nước về việc khai thác bauxite Tây Nguyên sẽ ảnh hưởng đến môi trường?
Vấn đề môi trường ở đây hoàn toàn giải quyết được. Với các yêu cầu nêu ra của Bộ TN-MT, sự đánh giá thẩm định của chúng tôi, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cam kết là làm được. Chúng tôi sẽ thành lập một tổ chuyên giám sát, bao gồm thành phần của Bộ TN-MT, Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam (chủ đầu tư dự án), của tỉnh và của cả nhà máy để giám sát từ khâu bắt đầu khởi công xây dựng. Điều đáng quan tâm nằm ở công nghệ kỹ thuật và vốn đầu tư.
- Nếu chưa hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường thì liệu khả năng khởi công dự án Nhân Cơ có bị chậm?
Tôi muốn nhấn mạnh là một trong những chủ trương của Bộ TN-MT nói riêng và cả nước nói chung hiện này là muốn kinh tế hóa ngành tài nguyên - môi trường, tức làm sao đưa ra các cơ chế chính sách, dự án, chiến lược sao cho ngành này có thể đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng kinh tế.
Gần đây nhìn lại, Bộ TN-MT thấy khoáng sản là một nguồn lực phát triển rất mạnh của đất nước. Việt Nam hiện có 7 loại khoáng sản đứng nhất nhì thế giới, trong đó bauxite đứng vị trí thứ 2. Đất nước có trữ lượng bauxite lớn nhất thế giới là Brazil, 12 tỷ tấn. Tiếp theo là Việt Nam, hiện đã xác định được khoảng 6 tỷ tấn và có khả năng lên 8 tỷ tấn. Khi thế giới đã cạn nguồn tài nguyên này thì với Việt Nam lại là một thế mạnh.
Nhị Hà (ghi)