Ngày càng nhiều công trình đầu mối mọc lên trên thượng nguồn các con sông khiến lượng phù sa, cát sỏi đổ về hạ nguồn ngày càng ít đi. Cộng thêm nạn khai thác cát quá mức càng khiến tài nguyên lòng sông, biển dần cạn kiệt. Trong khi, bùn cát có tác động lớn tới lòng sông, dòng chảy và sự tồn tại của các đô thị, làng mạc.

Cát không phải nuồn tài nguyên vô tận. Ảnh: THÀNH TRÍ
Một nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam (Bộ NN-PTNT) cho thấy, trữ lượng cát trên sông Cửu Long ước tính khoảng 1.000 triệu m³. Số liệu chưa đầy đủ thì nhu cầu sử dụng cát đến năm 2020 ở ĐBSCL lên tới khoảng 1.000 triệu m³. Nếu sơ bộ lấy khối lượng khai thác khoảng 30 triệu m³/năm thì trong khoảng 30 năm nữa ĐBSCL sẽ khai thác hết toàn bộ trữ lượng cát trên sông Tiền, sông Hậu. Đây là một vấn đề đáng báo động.
Nạo vét luồng không còn “trong sáng”
Bên cạnh hoạt động khai thác cát, gần đây hoạt động duy tu, nạo vét luồng tuyến phục vụ nhu cầu giao thông thủy cũng bộc lộ nhiều tiêu cực khiến dư luận không khỏi lo lắng. Theo GS-TS Nguyễn Ân Niên, Chủ tịch Hội Thủy lợi TPHCM, luồng lạch hàng hải và đường sông là vấn đề quan trọng của giao thông thủy giống như mạng lưới đường bộ cho giao thông bộ. Nếu luồng bị bồi cạn hoặc gấp khúc cần nạo vét cải tạo cho thông thoáng. Động thái nạo vét cho tới cuối những năm 80 của thế kỷ trước còn mang tính trong sáng, nhưng từ thập kỷ 1990 khi cơ chế thị trường phát triển với mọi sắc thái và biến tướng, các mỏ cát trở thành mỏ vàng cho thị trường xây dựng và cơ sở hạ tầng thì việc khai thác cát phá vỡ mọi quy hoạch và luật lệ…
“Từ những năm 1990, chúng tôi đã bắt đầu cảnh báo tình hình khai thác cát gây sụp lở bờ sông, bờ biển: một bên thì cứ moi móc bờ và một bên lại lo chạy vốn kè bảo bệ bờ, chẳng hạn khai thác cát vùng Cửa Lấp ở Bà Rịa - Vũng Tàu biến nơi đây thành cửa lở hay mới đây nhất là vụ hút cát thông luồng Cửa Đại - Hội An chuyển đến lấp vùng lấn biển Đà Nẵng trong lúc phía bờ Nam Cửa Đại đang xói lở nghiêm trọng… Hoặc việc nạo vét cát sông Cầu - Bắc Ninh gây sụp lở bờ, “cát tặc” thu lợi cả ngàn tỷ đồng trong lúc tỉnh Bắc Ninh phải bỏ ra bước đầu 30 tỷ đồng làm kè bảo vệ bờ. Nạo vét cát sông Hồng làm lòng sông và mực nước xuống thấp 1,6 - 1,8m. Đã tới lúc việc nạo vét thông luồng lạch phải được cấp phép đặc biệt và kiểm soát nghiêm ngặt để tránh tình trạng “té nước theo mưa”, lợi dụng nạo vét để khai thác, tận thu cát”, GS-TS Nguyễn Ân Niên cảnh báo.
Vừa qua, Hội Thủy lợi TPHCM đã có văn bản kiến nghị lên Chính phủ và Bộ NN-PTNT về vấn đề khai thác cát một cách thiếu kiểm soát trên các dòng sông gây sụp lở bờ nghiêm trọng, dẫn theo những mất mát lớn về tài sản của dân và Nhà nước. Điển hình như ở ĐBSCL, do các đập thủy điện đầu nguồn giữ lại gần phân nửa tổng lượng phù sa hàng năm nên hiện nay lượng phù sa về ĐBSCL chỉ còn 28 triệu tấn/năm, trong lúc giấy phép cho khai thác cát là 20 triệu tấn/năm (thực tế cao hơn con số này nhiều) gây mất cân bằng phù sa và việc sụp lở bờ là đương nhiên. Do vậy, hội kiến nghị Chính phủ quy định các ngành chức năng hoặc địa phượng trước khi cấp phép khai thác cát nhất thiết phải tham vấn ngành thủy lợi - cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ bờ. Đồng thời, ngưng các dự án khai thác, nạo vét trên một số đoạn sông trọng điểm từ 2- 3 năm hoặc có thể lâu hơn để đánh giá lại tình trạng lòng sông và ổn định bờ.
Đồng quan điểm, PGS-TS Lê Mạnh Hùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho rằng, việc nạo vét là cần thiết nhưng nếu nạo vét không đúng vị trí và biện pháp thì lại gây ra nhiều tác hại khôn lường như xói lở bờ sông, biến đổi địa hình dòng chảy hoặc gây vị trí nạo vét nhanh chóng bị bồi tụ trở lại do lượng bùn cát từ các nơi khác đổ về. Đặc biệt ĐBSCL là khu vực đất yếu rất dễ xảy ra trượt sạt bờ sông. Do đó, ông Hùng cho rằng, cần lập bản đồ quy hoạch tổng thể các vị trí bồi tụ cần nạo vét. Sau khi cấp phép cần giám sát chặt chẽ, hiện nay kỹ thuật phát triển với nhiều thiết bị định vị, đo đạc hiện đại, cho phép đo các mặt cắt dài cả kilômét mỗi ngày, vì thế việc kiểm tra, kiểm soát không còn nhiều rào cản.
Tìm kiếm vật liệu thay thế
Theo GS-TS Nguyễn Ân Niên, tốc độ đô thị hóa với hoạt động xây dựng gia tăng nhanh chóng kéo theo nhu cầu cao về cát xây dựng, do đó, cùng với các biện pháp hạn chế, kiểm soát chặt vấn đề khai thác cát tự nhiên, cũng nên có những giải pháp về nguồn vật liệu thay thế. Ngoài các mỏ cát do các lòng sông cổ để lại, ngành địa chất, trong quá trình khai thác mỏ, cần đi liền với việc tìm các mỏ sa khoáng để lập kế hoạch khai thác và xay nghiền thành cát xây dựng nhân tạo, đồng thời cần tận thu nguồn cát không để rơi vãi ra môi trường làm tắc nghẽn nguồn sông. Ông Nguyễn Đức Toản, Phó Chủ tịch Hội Xây dựng ngầm Việt Nam, cho hay hiện nay nhiều công trình xây dựng, nhất là các công trình giao thông vẫn sử dụng cát nhân tạo nghiền ra từ sỏi, đá nổ mìn…
Loại cát này thích hợp để làm bê tông mác (khả năng chịu nén) thấp. Các loại bê tông mác cao thì yêu cầu chất lượng cát có kích cỡ đồng đều. Tuy nhiên, công nghệ nghiền sàng ngày càng phát triển, do đó chất lượng cát nhân tạo cũng ngày càng cải thiện. Ngoài chất lượng thì giá thành cát nhân tạo hiện nay cao hơn cát tự nhiên và đây cũng là một nguyên nhân khiến các doanh nghiệp vẫn đổ dồn vào việc sử dụng nguồn cát tự nhiên.
Bàn về vấn đề này, theo ông Toản, giá cát tự nhiên và cát nhân tạo không chênh lệch quá nhiều, bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp không tìm được mỏ cát tự nhiên gần công trình mà phải vận chuyển từ xa đến thì rõ ràng chi phí để nổ mìn, nghiền đá thành cát nhân tạo sẽ rẻ hơn chi phí mua cát tự nhiên.
Tuy vậy, về bản chất thì loại cát nhân tạo đang được sử dụng hiện nay vẫn “xuất thân” từ tài nguyên thiên nhiên nên cũng sẽ đến lúc cạn kiệt. Vì thế, cùng với việc sử dụng nguồn cát nghiền từ đá, đã có nhiều nghiên cứu tái chế, tái sử dụng chất thải để làm cát nhân tạo.
Chẳng hạn, gần đây đã có doanh nghiệp đã tái chế thành công xỉ thải tại bãi than Mông Dương, Quảng Ninh thành cát nhân tạo. Việc tái chế này, không những xử lý được vấn đề ô nhiễm môi trường ở bãi thải mà còn tạo ra loại vật liệu mới, tiết kiệm xi măng, nhựa đường, rút ngắn thời gian thi công và tăng tuổi thọ công trình.
Ngoài ra, giới chuyên môn về khoáng sản cũng cho rằng, các loại thuế, phí hiện nay quá thấp cũng là một nguyên nhân khiến việc khai thác cát chưa thể “hạ nhiệt”. Cụ thể, Luật Thuế Tài nguyên, đất khai thác san lấp, xây dựng công trình chịu thuế từ 3% - 10% giá bán, cát chịu thuế từ 5% - 15% giá bán...
Nghị định 12/2016 về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, cát vàng từ 3.000 - 5.000 đồng/m3, cát trắng từ 5.000 - 7.000 đồng/m³, các loại cát khác từ 2.000 - 4.000 đồng/m³, sỏi/cuội/sạn từ 4.000 - 6.000 đồng/m³, đất san lấp xây dựng công trình từ 1.000 - 2.000 đồng/m³. Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu bằng 60% mức phí của loại khoáng sản tương ứng. Vì thế, ngày càng có nhiều đề xuất về việc tăng phí, thuế đối với khoáng sản để hạn chế nạn cấp phép khai thác ồ ạt cũng như đảm bảo tính hiệu quả cho các giải pháp phục hồi và bảo vệ môi trường.
Ở Mỹ, Canada, từ những năm 1990 đã có các khuyến nghị cụ thể cho từng con sông, đoạn sông, hướng dẫn, giám sát, quản lý khai thác vật liệu đáy sông. Ở một số nước như Pháp, Ý, Ba Lan… vật liệu đáy sông đã được hạn chế khai thác hoặc cấm chính thức trong những thập kỷ gần đây, do những tác động bất lợi đối với môi trường. Ở Malaysia đã xuất bản hướng dẫn kỹ thuật về khai thác cát, sỏi trên sông, trong đó có quy định quan trọng nhất là khối lượng khai thác không được vượt quá khối lượng lắng đọng từ thượng lưu về.
KHÁNH LÊ