(SGGP).- Ngày 8-3, tại Hà Nội, Bộ LĐTB-XH tổ chức hội nghị nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết, cả nước hiện có 282 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lao động đang hoạt động. Từ năm 2014 đến 2016, đã có xấp xỉ 350.000 người lao động được đi làm việc ở nước ngoài. Riêng trong năm 2016, cả nước có trên 126.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài và tăng ngoạn mục so với các năm trước. Trong đó, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Arab Saudi… vẫn là những thị trường chủ lực.
Hội nghị nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh VGP
Bên cạnh những thành tích nỗ lực thì thời gian qua, hoạt động tuyển dụng, đào tạo và đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài của các doanh nghiệp vẫn tồn tại những mặt trái hoặc hạn chế như tổ chức quảng cáo tuyển dụng khi chưa đăng ký hợp đồng; thông tin về làm việc, tiền lương không đúng như đăng ký hợp đồng, không tổ chức đào tạo hoặc đào tạo không đầy đủ; chuyển nguồn lao động cho doanh nghiệp khác, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trên một địa phương… Theo thống kê còn 44/282 doanh nghiệp có giấy phép nhưng chưa đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động, cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong đó có minh bạch về thị trường lao động. “Trong website của Cục Quản lý lao động ngoài nước, phần giới thiệu doanh nghiệp xuất khẩu lao động vẫn chỉ đơn thuần có vài dòng điện thoại và địa chỉ. Thay vào đó, cục nên có thêm địa chỉ website của doanh nghiệp, thông tin về lịch sử của doanh nghiệp, các đơn hàng của doanh nghiệp hiện có. Đặc biệt, website phải có chuyên mục tiếp thu ý kiến của người lao động. Bộ LĐTB-XH phải coi đó là kênh thông tin để tiếp nhận, xử lý và có phản hồi lại với người dân” - đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gợi ý.
Cùng quan điểm này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lao động cần phải tăng cường đào tạo nhân lực và khai thác những thị trường có tiềm năng và đảm bảo quyền lợi tốt cho người lao động. Theo Phó Thủ tướng, xuất khẩu lao động và đào tạo nghề cho lao động không chỉ là để giúp người lao động xóa đói giảm nghèo mà đây là bước để chuẩn bị lực lượng lao động cho thị trường trong nước trong thời gian tới, khi doanh nghiệp của nước tiếp nhận lao động đầu tư vào Việt Nam, những lao động trên là các ứng viên phù hợp nhất. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ LĐTB-XH cần kiểm tra lại hệ thống văn bản quy phạm liên quan tới lĩnh vực xuất khẩu lao động, điều gì cần sửa thì nên làm ngay, những văn bản vượt cấp thì tham mưu để Chính phủ sửa đổi. Vai trò của các hiệp hội cũng rất quan trọng, bên cạnh bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp hội viên, các hiệp hội cũng cần đấu tranh với những doanh nghiệp làm chưa tốt, đặc biệt là tình trạng lạm thu phí, công khai danh sách những doanh nghiệp vi phạm.
VĂN PHÚC