* Triển khai các biện pháp phòng, chống bão hiệu quả cơn bão số 5
(SGGPO) -.Trước tình hình lũ lên cao, chiều nay 29-9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã thay mặt Thủ tướng ký Công điện khẩn của Thủ tướng gửi tới 8 địa phương gồm: An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, Kiên Giang và các bộ ngành liên quan yêu cầu triển khai ngay các biện pháp ứng phó với tình hình lũ lụt đang xảy ra nghiêm trọng.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương này cần triển khai rà soát các khu dân cư, trường học ven sông, ven kênh rạch, các khu vực ngập lụt để chủ động sơ tán, di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập sâu, đảm bảo an toàn tính mạng. Huy động lực lượng tranh thủ thu hoạch lúa đã chín để hạn chế thiệt hại. Chủ động cho học sinh tại các vùng ngập sâu nghỉ học, tổ chức các điểm trông giữ trẻ tập trung và có phương án đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, kiểm tra các tuyến bờ bao, đê bao, chủ động tạm ứng ngân sách, huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để tập trung bảo vệ các tuyến đê trọng điểm; sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn cho dân cư trong trường hợp các tuyến bờ bao, đê bao bị tràn, vỡ. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người, phương tiện đi lại qua các khu vực bị ngập sâu, khu vực nước chảy xiết để đảm bảo an toàn.
Trước đó, chiều qua, 28-9, Thủ tướng cũng có công điện khẩn yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bão hiệu quả cơn bão số 5 (bão NESAT). Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên phối hợp với lực lượng biên phòng, ngành thủy sản và các chủ tàu triển khai ngay việc kiểm đếm tàu thuyền, nắm chắc số lượng tàu thuyền đang hoạt động trên biển, tổ chức neo đậu cho tàu thuyền trong các khu tránh trú bão.
Trong ngày hôm nay, 29-9, rất nhiều người dân Hà Nội đã tích trữ lương thực, thực phẩm, rau củ đề phòng bão số 5 trong những ngày tới có thể gây mưa to ở miền Bắc. Hôm nay tại Hà Nội trời vẫn hửng nắng, chưa có mưa vì vậy giá cả rau xanh, thực phẩm cơ bản không thay đổi dù lượng người mua tăng lên.
* Theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp, sáng nay, 29-9, nước lũ tiếp tục lên nhanh với cường suất từ 5-15 cm/ngày. Mực nước cao nhất đo được tại Tân Châu đạt mức 4,82 m, vượt báo động 3 là 0,32 m; tại thành phố Cao Lãnh đạt 2,47 m, vượt báo động 3 là 0,17 m; tại Trường Xuân đạt 2,64 m, vượt báo động 3 là 0,14 m… Dự báo nước lũ tiếp tục lên nhanh trong vài ngày tới và diễn biến hết sức phức tạp.
Do ảnh hưởng nước lũ lên nhanh, sáng 29-9, tuyến đê bao ở ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp bị sạt khoảng 10 mét. Chính quyền địa phương khẩn cấp huy động hàng trăm người, nhiều phương tiện gia cố cấp tốc. Hàng loạt tuyến đê khác ở Đồng Tháp cũng đang bị đe dọa, buộc các lực lượng, nhân dân địa phương phải gia cố liên tục bất kể ngày đêm. Đáng lo ngại là nhiều tuyến đê ở huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, thị xã Hồng Ngự chỉ còn cách mực nước lũ khoảng 0,1 - 0,3 m, nguy cơ bị vỡ đê rất lớn.
Ông Lê Văn Hùng, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp cho biết, triều cường kết hợp lũ thượng nguồn đổ về nhiều đã gây ngập trên 300 ha vườn cây ăn trái ở huyện Châu Thành, nhiều ao hầm nuôi thủy sản tại các huyện, thị, thành phố bị ngập. Tuyến tỉnh lộ 842 đoạn từ Km10 đến Km14 bị nước lũ tràn qua 6 nơi; tỉnh lộ 843 đoạn từ huyện Tam Nông đến huyện Tân Hồng bị nước lũ làm sạt lở nghiêm trọng; quốc lộ 30 từ thị trấn Sa Rài lên cửa khẩu Dinh Bà cũng bị sạt lở nhiều nơi.
Theo báo cáo nhanh của các địa phương hiện nay có nhiều đoạn lộ giao thông nông thôn bị nước lũ tràn qua, sạt lở mái; riêng huyện Châu Thành ngập 68,1km lộ giao thông nông thôn. Hàng loạt nhà dân ở thị xã Hồng Ngự, huyện Tân Hồng, Tam Nông… đã bị ngập sâu. Tại xã Tân Huề, huyện Thanh Bình vừa phát hiện 1 xác trẻ (khoảng 4-6 tuổi) chưa rõ quê quán, chết trôi sông.
Trước tình hình lũ phức tạp, sáng 29-9, UBND tỉnh Đồng Tháp tiếp tục có công văn yêu cầu các sở ngành, huyện thị, thành phố trực thuộc tăng cường công tác Phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và lãnh đạo các địa phương trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với lũ lụt tại các khu vực trọng yếu.
Các địa phương tăng cường huy động lực lượng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, di dời dân, khắc phục sự cố các công trình giao thông, đê bao chống lũ. Đến nay, Đồng Tháp còn 24.197 ha lúa thu đông chưa thu hoạch, tập trung chủ yếu tại các huyện phía bắc của tỉnh và huyện Lấp Vò. Hiện tại, Ngành Giáo dục và Đào tạo đã cho 87 điểm trường gồm 474 lớp, với 11.705 học sinh mầm non, tiểu học, THCS ở các huyện, thị nghỉ học tránh lũ, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng học sinh.
LÂM NGUYÊN - HUỲNH PHƯỚC LỢI
| |