Sau 10 năm kể từ khi Nhóm Đồng Ấu Bạch Long tan rã, nghệ sĩ Bạch Long không gầy dựng, giảng dạy thêm bất kỳ nhóm hát nào nữa. Nhưng gần đây, anh đã nhận lời “bầu” Linh Huyền tham gia giảng dạy, truyền nghề cho một số gương mặt trẻ. Chúng tôi đã trò chuyện về nghề hát, nghiệp giảng dạy với anh.
- Nghệ sĩ BẠCH LONG: Lúc bé, tôi ở đình Cầu Quang và có một thú vui là cắt 1 cái thùng cạt tông rồi vẽ hình vua chúa, hoàng hậu, công chúa, quan quân triều đình… để biểu diễn kiểu rối que. Có khi tôi hát vai vua, có lúc lại hát vai hoàng tử… Tất cả đều do tôi viết kịch bản, dàn dựng để phục vụ trẻ con trong xóm.
Mỗi đứa bé lại xem chỉ việc đưa 3 sợi thun là được vào. Năm 1990, biên tập viên Kim Hà ở Đài Truyền hình TPHCM kêu tôi viết lại kịch bản Cóc kiện trời thành 1 vở cải lương để dạy cho trẻ con hát, quay hình, phát sóng ngay dịp Tết Trung thu. Lúc đó, tôi gom con em nghệ sĩ lại, trong đó có Trinh Trinh, Nhật Tân, Quế Trân, Tú Sương, Thanh Thảo, Bình Tinh, Chinh Nhân… để dựng Cóc kiện trời.
Sau khi phát sóng, khán giả rất thích nên tôi được các cô chú khuyến khích viết thêm các vở mới: Cầu vồng đàn thỏ; Hầu nhi cứu chủ; Hoa đào hoa mai; Cám ơn chú khỉ… Sau những thành công này, chúng tôi được mời về rạp Đại Đồng biểu diễn vào sáng chủ nhật hàng tuần, rất được khán giả yêu thích. Nhờ đó mà sân khấu mới có được những nghệ sĩ tài năng trẻ như: Vũ Luân, Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân, Bình Tinh, Linh Tý… Đến năm 2001 thì nhóm Đồng Ấu Bạch Long tan rã và các gương mặt trẻ này giờ cũng đã trở thành các nghệ sĩ có tên tuổi, được khán giả yêu thích.
* Nhưng tiếc rằng, sau thế hệ nghệ sĩ trẻ ấy, đến nay, Đồng Ấu Bạch Long không có thêm thế hệ trẻ kế tiếp…?
- Hiện giờ, tôi và nghệ sĩ Linh Huyền đang kết hợp gầy dựng một lớp đào tạo, biểu diễn theo mô hình của Đồng Ấu Bạch Long trước đây. Sau 4 tháng giảng dạy, tôi đã viết và dàn dựng kịch bản Tiểu anh hùng Nam quốc để các em học viên có thể tham gia biểu diễn phục vụ thiếu nhi hàng đêm tại Sân khấu cải lương Kim Châu.
* Vậy lần đào tạo này có gì khác so với trước đây?
- Điểm đặc biệt của lần này là các gương mặt trẻ theo học hát – diễn cải lương đều không phải là con em của các nghệ sĩ. Mỗi người đều có một ngành nghề khác nhau, có người là tiến sĩ, có người là sinh viên luật, quản trị kinh doanh… nhưng tất cả đều có chung niềm đam mê cải lương.
Có học viên còn bảo với tôi: “Thầy biết không, em mê cải lương lắm. Em đi dạy hiphop để lấy tiền đi học cải lương…”. Còn có bạn trẻ đang theo học luật, có giấy đi du học nước ngoài, nhưng cũng mê cải lương nên theo học cải lương. Vừa rồi, em này được giao vai Trần Quốc Toản trong vở Tiểu anh hùng Nam quốc và đóng rất tốt, tạo sự ngạc nhiên cho nhiều người.
* Trong số những gương mặt trẻ mà anh đang đứng lớp giảng dạy hiện nay, có gương mặt nào tạo cho anh niềm tin để có thể yên tâm truyền nghề?
- Tôi cũng chấm được một vài người có thể đi theo nghề hát rất tốt. Chẳng hạn như Lê Như, Minh Cường, Minh Tài… Thấy các em không ngừng nỗ lực, tôi luôn động viên “Các em cố gắng đi, các em có tương lai lắm…”. Hiện nay, tôi đang hy vọng, với những gương mặt mới này, sân khấu cải lương sẽ tiếp tục có được lực lượng trẻ kế thừa.
Hôm rồi, các gương mặt trẻ này diễn Tiểu anh hùng Nam quốc có 6 khán giả mua vé giá 100.000 đồng/vé vào xem. Tôi nhớ lại ngày xưa cũng thế, nhưng tiếng lành đồn xa, với sự lao động nghiêm túc của các diễn viên trẻ, dần dần khán giả đến xem ngày một đông đảo hơn. Cho nên, tôi động viên “bầu” Linh Huyền phải kiên trì, phải làm tiếp tục, chắc chắn khán giả sẽ ủng hộ mình.
* Có vẻ như lúc nào anh cũng dành nhiều tình cảm của mình cho sân khấu thiếu nhi, đặc biệt là cải lương?
- Tôi nghĩ đơn giản một điều, việc tham gia biểu diễn phục vụ thiếu nhi hay đứng lớp giảng dạy, dàn dựng vở diễn cho các nghệ sĩ trẻ diễn cho thiếu nhi xem sẽ có nhiều cái lợi. Trong đó, cái lợi lớn nhất là, qua các vở diễn, giúp cho các em thiếu nhi thêm những hiểu biết và yêu thích loại hình nghệ thuật truyền thống của mình hơn.
Đến khi các em thiếu nhi này lớn lên, lập gia đình, chắc chắn con cái của họ cũng sẽ phần nào ảnh hưởng sở thích của cha mẹ. Nói một cách nào đó, đây chính là cách đào tạo lực lượng khán giả kế tục cho sân khấu – điều mà suốt một thời gian dài sân khấu cải lương đã lãng quên. Tôi nghĩ, làm sân khấu, chúng ta không chỉ đào tạo nghệ sĩ không thôi mà còn phải chú trọng việc đào tạo khán giả. Chính khán giả sẽ là người góp phần quyết định sự sống còn của sân khấu sàn diễn!
ĐỖ HẠNH (thực hiện)
| |